Phát biểu trước các đại diện đến từ các nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hôm 28/8 tại TP.HCM, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định ý nghĩa của phát triển "bao trùm" kinh tế, tài chính và xã hội đối với tăng trưởng.
"Thực tế hiện nay cho thấy khu vực chúng ta không thể theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá mà không biết ai sẽ được hưởng lợi từ việc đó, hoặc mức độ bền vững của tăng trưởng xét về các mặt xã hội, kinh tế và tài chính", ông Sơn nói trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội sáng 28/8 tại TP.HCM.
"Tăng trưởng sẽ không bền vững và không thể đạt ngưỡng tối đa nếu không bảo đảm tính bao trùm".
Hội nghị 'Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội' khai mạc sáng 28/8 tại TP.HCM. Ảnh: Tùng Tin. |
APEC 'chỉ vừa bắt đầu' nghĩ đến sự 'bao trùm'
Các đại biểu sẽ trao đổi về các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng "bao trùm" đối với các nền kinh tế APEC. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC lần 3 (SOM 3), cuộc gặp quan trọng cuối cùng của các nền kinh tế trước khi Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11 tại Đà Nẵng.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn thừa nhận các chương trình liên quan đến "sự bao trùm" trong APEC "còn rải rác và thiếu sự phối hợp thỏa đáng".
"APEC chưa hình thành các chính sách toàn diện để thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong khi ba lĩnh vực này tùy thuộc và bổ trợ lẫn nhau", Thứ trưởng Sơn, người giữ vai trò chủ tịch SOM năm nay, cho hay.
"Dù APEC đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển bao trùm, thì những gì APEC đã làm được vẫn còn cách xa mong đợi của người dân", ông Sơn nói, nhấn mạnh khoảng cách giàu nghèo ở nhiều nền kinh tế thành viên ngày càng mở rộng.
Nhiều đại biểu cũng thừa nhận rằng APEC chỉ mới bắt đầu suy nghĩ đến việc thúc đẩy tăng trưởng "bao trùm" trong thời gian gần đây, dù đó giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm người trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.
Ông Tsutomu Koizumi, trưởng đoàn Nhật Bản tại SOM 3, phó cục trưởng Cục Các vấn đề Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng giờ là "quá sớm" để nói đến các thành tựu của APEC trong việc giảm thiểu bất bình đẳng. Dù vậy, "chúng ta phải nghĩ cho tất cả mọi người. Nếu ai đó cảm thấy họ bị bỏ lại bên lề của sự tăng trưởng, điều đó sẽ cản trở sự tăng trưởng và hội nhập kinh tế toàn cầu".
"Tôi không nghĩ chủ nghĩa bảo hộ đang thực sự trỗi dậy, nhưng đúng là cả thế giới đều đang cảm thấy nó. Để đối mặt với tình trạng mới này, phát triển bao trùm là một điều thiết yếu, và không ai được phép bị bỏ lại", ông nói.
Ông Tsutomu Koizumi, Trưởng đoàn Nhật Bản tại SOM 3, Phó cục trưởng Cục Các vấn đề Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Ảnh: Tùng Tin. |
Các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới, OECD và nhiều tổ chức khác sẽ cung cấp thông tin cho các thảo luận của hội thảo này. Đây sẽ là những “tiếng nói từ bên ngoài” để giúp đỡ các đại biểu từ các chính phủ trong việc hoạch định các chính sách tiếp theo, từ đó trả lời câu hỏi “làm thế nào chúng ta có thể tăng cường phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội”.
‘Tầng lớp trung lưu sẽ là động lực’
Đại sứ Canada tại Indonesia và đồng thời là đại biểu phái đoàn Canada, ông Peter MacArthur cho rằng tầng lớp trung lưu và phụ nữ, trẻ em gái sẽ là động lực phát triển cho nền kinh tế cũng như một đất nước nói chung.
“Các bằng chứng cho thấy khi sự bất bình đẳng kinh tế được rút ngắn, nó sẽ giúp tăng trưởng kinh tế được ổn định hơn. Điều này tốt cho tất cả, đặc biệt sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu vững mạnh. Tầng lớp này sẽ tạo ra động lực kinh tế cho toàn bộ đất nước”, ông MacArthur trả lời Zing.vn về việc giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo có gây ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế hay không.
Đại sứ Canada tại Indonesia và đồng thời là đại biểu phái đoàn Canada, ông Peter MacArthur. Ảnh: Tùng Tin. |
Trả lời phỏng vấn các phóng viên bên lề hội nghị, ông MacArthur nhận định thành quả Việt Nam đạt được có thể xem là một mô hình cho các nước khác và "chúng tôi đề cao Việt Nam như một đề tài quan trọng trong cuộc thảo luận hôm nay".
Về phía Canada, ông cho biết chính phủ nước này đã nỗ lực xây dựng nên một tầng lớp trung lưu, giảm thiểu khoảng cách giữa nam và nữ, hỗ trợ các cộng đồng thiểu số…
"Chúng tôi tin rằng phụ nữ và trẻ em gái là động lực trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy, chính phủ Canada cũng đang nỗ lực hoạt động trên toàn thế giới để thúc đẩy bình đẳng giới", đại sứ cho biết.
Giám đốc Bộ phận Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Arthayudh Srrisamoot cho rằng giáo dục là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển bao trùm, bên cạnh đó là cải cách nền kinh tế. Giáo dục sẽ mang con người từ trường học đến thị trường lao động, tăng cường năng suất lao động, cải thiện kỹ năng, cải cách khối công quyền. Trong khi đó, cải cách nền kinh tế sẽ khuyến khích khởi nghiệp, tạo ra các doanh nghiệp nhỏ, yếu tố vốn rất quan trọng trong nền kinh tế đang phát triển.
“Nếu chúng ta mở cửa nền kinh tế, mọi người sẽ có cơ hội ngang nhau trong tìm kiếm việc làm. Nền kinh tế mở sẽ thúc đẩy cạnh tranh, mang những người có năng lực đến thị trường lao động. Công việc tốt sẽ mang lại thành quả tốt. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải cải cách nền kinh tế (bên cạnh thúc đẩy giáo dục)”, ông nói với Zing.vn.