Trưa 30/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres dự lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.
Trong 40 năm, vị thế của Việt Nam đã thay đổi nhiều. Từ một thành viên còn bỡ ngỡ của Liên Hợp Quốc cách đây vài chục năm sau chiến tranh, Việt Nam nay đã là thành viên tích cực trong nhiều vấn đề như tham gia gìn giữ hoà bình cho tới các hoạt động chính trị, văn hoá của Liên Hợp Quốc.
Zing.vn đã trao đổi với Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc giai đoạn 1993-1999. Ông là một người gắn bó nhiều với ngoại giao đa phương của Việt Nam trong nhiều thập kỷ, về những thay đổi này của Việt Nam trong suốt 40 năm qua.
"Tôi may mắn có cả đời hoạt động ngoại giao của mình đều gắn bó với Liên Hợp quốc và ngoại giao đa phương. Và đặc biệt, tôi được tham gia các hoạt động và chứng kiến những bước thăng trầm của cả quá trình hợp tác với Liên Hợp quốc từ những ngày đầu nước ta gia nhập vào tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này", Đại sứ Ngô Quang Xuân nói.
Đại sứ Ngô Quang Xuân. Ảnh: Chinhphu.vn. |
- 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc là chặng đường dài, sự thay đổi của thành viên Việt Nam những ngày đầu đó (ông từng chứng kiến) so với bây giờ có khác gì nhiều?
- Sáng ngày 20/9/1977, ngay sau khi Đại Hội đồng khóa 32 Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết số 2 (NQ 32/2 (XXXII) kết nạp Việt Nam làm thành viên, lá cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên tại lễ thượng cờ ở Trụ sở Liên Hợp Quốc, thành phố New York.
Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, có thể nói hoạt động của ta tại Liên Hợp Quốc không ngừng phát triển hơn về mọi mặt cả về phương thức và nội dung với những thay đổi hoặc điều chỉnh lớn theo từng giai đoạn về nhận thức, về chủ trương chiến lược, về mục tiêu chương trình hoạt động, về tổ chức nhân sự…
Ở giai đoạn đầu, vừa ra khỏi chiến tranh, nước Việt Nam thống nhất quyết định vào Liên Hợp Quốc nhằm thiết lập vị thế của mình trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ sự nghiệp hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội chung của cộng đồng quốc tế.
Chúng ta cũng tích cực vận động để tranh thủ sự ủng hộ lớn về tinh thần và vật chất của các tổ chức quốc tế Hệ thống Liên Hợp Quốc cho công cuộc tái thiết đất nước vừa bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Giai đoạn suốt cả thập kỷ những năm 80, mọi nỗ lực họat động của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đều ưu tiên tập trung cho đấu tranh phá thế bao vây cấm vận.
Giai đoạn từ giữa những năm 90 đến nay, chúng ta bắt đầu triển khai mạnh mẽ chính sách ngoại giao đa phương độc lập tự chủ tại Liên Hợp Quốc, chủ động từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Với tư cách thành viên, Việt Nam tích cực cử nhiều cán bộ tham gia vào các cơ chế lãnh đao của Liên Hợp Quốc như Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) và nhiều vị trí khác của Hệ thống Liên Hợp Quốc…
Đại sứ Ngô Quang Xuân và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan. Ảnh: tuoitre.vn. |
Chúng ta cũng chứng kiến bản thân Liên Hợp Quốc thay đổi và có nhiều điều chỉnh trong 40 năm qua. Lúc gia nhập, Việt Nam là thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc, đến nay tổ chức này đã có tới 193 quốc gia thành viên.
Liên Hợp Quốc từ thụ động thực hiện mục tiêu bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế đã chuyển sang chủ động hơn với việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình của riêng mình và ngày càng mở rộng hoạt động ở nhiều khu vực trên thế giới.
Về kinh tế, những thập kỷ 70 và 80 Liên Hợp Quốc thực thi sứ mạng giúp đỡ kỹ thuật, viện trợ các dự án giá trị lớn cho các nước thành viên đang phát triển, sau đó chuyển sang hỗ trợ tư vấn các chính sách vĩ mô, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội. Việt Nam là một trong những nước nhận được viện trợ giúp đỡ lớn nhất của Liên Hợp Quốc qua từng thời kỳ trong 40 năm qua.
Nhân dân ở hầu hết địa phương cả nước đều được thụ hưởng sự giúp đỡ hỗ trợ nhiều mặt của Liên Hợp Quốc, hầu hết lĩnh vực và các vùng địa lý kinh tế đều được làm quy hoạch tổng thể ban đầu, hàng chục Viện nghiên cứu đầu ngành kinh tế xã hội đều có dự án viện trợ của Liên Hợp Quốc, hàng chục ngàn cán bộ khoa học kỹ thuật được đào tạo, được tiếp cận với nền khoa học hiện đài thông qua các dự án của Liên Hợp Quốc...
- Xin ông cho biết ý nghĩa của kỷ niệm 40 năm việc Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc?
- Đây là một hoạt động chính trị lớn không chỉ ở tầm cỡ quốc gia, là dịp chúng ta và Liên Hợp Quốc cùng đánh giá lại những kết quả hợp tác của bốn thập kỷ qua. Quá trình thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ thành viên Liên Hợp Quốc, đất nước và nhân dân Việt Nam đã củng cố và phát huy tối đa vị thế chính trị vững chắc của mình trên trường quốc tế, trở thành một thành viên luôn đóng góp tích cực cho sự nghiệp tiến bộ chung của Liên Hợp Quốc, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.
Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế từng nhiều lần đánh giá cao sự đóng góp nhiều mặt của Việt Nam, coi Việt Nam là quốc gia sử dụng hiệu quả nhất các nguồn giúp đỡ viện trợ, trở thành điển hình của nhiều chương trình của Liên Hợp Quốc như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, các dự án dân số và trẻ em, bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, xây dựng ngôi nhà chung của Liên Hợp Quốc…
- Chúng ta có những bài học gì từ quá trình 40 năm này?
- Bài học đầu tiên xuyên suốt cả quá trình 40 năm này là bằng sự kiên trì phấn đấu nghiêm túc, bằng trí tuệ bản lĩnh của mình, chúng ta kết hợp được nội lực của mình với những tiềm năng của Liên Hợp Quốc để phát huy được tối đa hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng chính là biểu hiện sinh động của bài học kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại một cách tối ưu.
Đại sứ Ngô Quang Xuân đón Tổng giám đốc WTO Pasca Lamy sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18 vào tháng 11/2006. Ảnh: Baodautu.vn. |
Từ thực tế hoạt động triển khai chủ trương chính sách đối ngoại tại các diễn đàn hệ thống Liên Hợp Quốc, từ thời kỳ sau chiến tranh, bị bao vây cấm vận, hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã… Chúng ta cũng rút ra được những bài học quý giá về suy tôn lợi ích quốc gia dân tộc trên hết, độc lập tự chủ và tự tin, chủ động hội nhập quốc tế.
Suốt 40 năm làm thành viên Liên Hợp Quốc, đội ngũ cán bộ làm ngoại giao đa phương của chúng ta ngày càng trưởng thành và góp phần quan trọng trong vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Nhiều bài học về đào tạo và bồi dưỡng nhân sự của đội ngũ ngoại giao đa phương.
Những đóng góp không mệt mỏi đã nâng tầm ngoại giao đa phương lên một tầm cao mới, được Nhà nước đặt ngoại giao đa phương thành nhiệm vụ hết sc quan trong trong nền ngoại giao nước nhà. Đây sẽ là cơ sở để chúng ta không ngừng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác với hệ thống Liên Hợp Quốc nói riêng, với các cơ chế đa phương khu vực và thế giới nói chung.
- Xin cám ơn ông!