Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Toàn cầu hoá sản sinh ra APEC, cũng là mục tiêu của diễn đàn'

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định đăng cai APEC năm nay là thời điểm thế giới có nhiều biến động nhưng Việt Nam đã cư xử uyển chuyển trong việc tổ chức APEC 2017.

Trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị SOM 3 thuộc Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hôm 28/8 tại TP.HCM, Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng cho đến thời lúc này, các nền kinh tế đánh giá cao vai trò "chủ nhà" của Việt Nam trong năm APEC 2017.

- Thách thức lớn nhất đối với việc thúc đẩy phát triển bao trùm trong APEC là gì?

Ông Võ Trí Thành: Đó là các vấn đề từ việc làm, thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cho đến an sinh xã hội, bình đẳng, chúng ta có quá nhiều vấn đề để xử lý (để từ đó đạt được sự phát triển bao trùm). Trong khi đó, những vấn đề này không phải tất cả đều cùng chiều, không đánh đổi, mâu thuẫn với quá trình tăng trưởng, phát triển. Ứng xử về mặt chính sách sao cho vẫn giữ được tăng trưởng là một thách thức.

Ngoài ra, nhiều vấn đề khác sẽ nảy sinh trong tương lai, điển hình là cuộc cách mạng công nghệ và tác động xã hội của nó. Để ứng phó với các thách thức này, vai trò của nhà nước là quan trọng, trong khi không phải nước nào cũng có một nguồn lực tốt. Việt Nam là một ví dụ.

APEC tai Viet Nam, anh 1
Chuyên gia Võ Trí Thành. Ảnh: Tùng Tin.

Ngoài ra, APEC là một diễn đàn kinh tế dựa trên sự đồng thuận nhưng không bắt buộc, không có cam kết. Đôi khi đồng thuận là một việc, hợp tác, cùng tham vọng, cùng chia sẻ nguồn lực là việc khác. Đôi khi thách thức, lựa chọn mục tiêu ưu tiên của mỗi nước khác nhau.

Sáng kiến về phát triển bao trùm của Việt Nam được mọi nước ủng hộ, nhưng để biến nó thành chương trình nghị sự mang tính hiệu lực cao, có sự phối hợp chính sách, chia sẻ nguồn lực hoặc một quá trình được giám sát là một chuyện khác.

- Làm sao để hạn chế các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa?

- Toàn cầu hóa về tổng thể quá trình tích cực. Nó chính là cái sản sinh ra APEC, cũng là mục tiêu APEC phải tập trung vào. Thách thức của toàn cầu hóa là dù nó là một cuộc chơi “đôi bên cùng có lợi”, nhưng lợi ích lại phân chia không đồng đều. Vì vậy, chúng ta cần tìm kiếm một cách thức công bằng hơn.

Trong nội tại của một nước, lợi ích cũng không được mang lại đồng đều cho mọi người. Ở các vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng kém, kết cấu thông tin kém, cơ hội tiếp cận cơ hội sẽ thấp hơn. Chưa kể, cùng tiếp cận cơ hội, khả năng đáp ứng cơ hội lại khác nhau giữa mọi người. Năng lực không đồng đều giữa người dân, doanh nghiệp sẽ tạo ra sự chênh lệch. Chính điều này đã tạo ra Brexit hoặc việc ông Donald Trump thắng cử tổng thống ở Mỹ.

Tất nhiên, đa số mọi người đều ủng hộ quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Vấn đề đặt ra là người ta phải tìm được một cách thức toàn cầu hóa phù hợp và thông minh hơn, vừa có được lợi ích của thương mại đầu tư vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn. Dù gập ghềnh nhưng quá trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược. Nó bị chi phối bởi 2 yếu tố, một là công nghệ, hai là lực lượng thị trường.

APEC tai Viet Nam, anh 2
Hội thảo Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội sáng 28/8 tại TP.HCM. Ảnh: Tùng Tin.

- Chúng ta đã tìm ra cách nào chưa?

- Chúng ta đang tìm, và thật sự đã làm một số cách. Đối với Việt Nam, chúng ta cần tăng trưởng. Đối với những người bị bỏ rơi, thụt lùi ở phía sau, chúng ta có những chính sách như an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Cùng với việc cải cách thị trường và mở cửa, chúng ta cần rất nhiều chính sách bổ sung.

- Các sáng kiến được nêu ra trong hội nghị này có như các sáng kiến khác của APEC, chỉ nêu ra mà không được thực hiện?

- Thật ra APEC vẫn hay bị phê phán nói nhiều mà không được bao nhiêu. Bên cạnh nỗ lực thực thi chính sách, chúng ta đang cố gắng làm sao để giảm được tính quan liêu, nâng cao năng lực nội tại của APEC. Cũng có một số học giả muốn đề nghị APEC có quá trình giám sát, nêu tên, tăng cường ý nghĩa tuyên bố chung của các lãnh đạo cấp cao. Dù vậy, cũng chưa ai đặt vấn đề để APEC trở thành một thể chế mang tính tuân thủ chặt chẽ.

Sự đồng thuận, tự nguyện cũng có điểm hay là APEC sẽ được xem là một “vườn ươm”, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau nhìn và hướng tới liên kết khu vực. Các thay đổi vẫn đang được nghiên cứu. APEC hiện tại bao gồm cả chữ nghĩa, lòng tin, uy tín, và một phần trái tim.

- Tương lai APEC như thế nào trong bối cảnh Mỹ đang có xu hướng trở lại với chủ nghĩa bảo hộ trong khi Trung Quốc đang thúc đẩy các sáng kiến khác bên ngoài khu vực này?

- APEC là nơi để thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, đằng sau đó là phát triển bền vững. Mặc dù APEC là một diễn đàn kinh tế, bên cạnh các cơ chế đa phương còn có các quan hệ song phương. Các mối quan hệ song phương không phải lúc nào cũng đồng điệu với 21 nền kinh tế. Ứng xử trong APEC là ứng xử trong một diễn đàn hợp tác, nhưng trên thực tế, do các mối quan hệ khác, do vai trò các nước lớn, các yếu tố ngoài kinh tế, ứng xử trong APEC đôi khi khá phức tạp.

APEC tai Viet Nam, anh 3
Ông Thành nhận xét hiện APEC giống một “vườn ươm”, chia sẻ kinh nghiệm hơn là một cơ chế hợp tác có ràng buộc. Ảnh: Tùng Tin.

- Ông đánh giá sao về vai trò chủ nhà của Việt Nam?

- Thứ nhất đây là việc có ít nhiều vinh dự khi APEC là thể chế tập hợp nhiều nền kinh tế, có vai trò rất lớn trong phát triển, tăng trưởng thương mại đầu tư toàn cầu. Thứ hai là qua APEC này chúng ta cũng quảng bá cho chính mình và các ưu tiên của nước mình.

Cho đến nay, về cơ bản, các nước đã thấy được thiện chí, sự chu đáo của Việt Nam. Trên thế giới hiện có nhiều chính sách, cách nhìn từ ngay cả cách thành viên, nó có thể trái ngược với xu hướng chung. Chúng ta đăng cai APEC trong một năm nhiều biến động và các nước đã ghi nhận sự uyển chuyển, khéo léo của Việt Nam trong việc tổ chức năm APEC 2017.

Việt Nam là một nước có thu nhập chưa cao, thể chế kinh tế còn nhiều điểm yếu kém, trình độ phát triển còn chưa phát triển cho APEC nhưng là nước rất tích cực trong việc xúc tiến hội nhập, liên kết theo tinh thần của APEC. Tinh thần này vừa phù hợp quá trình cải cách, phát triển của Việt Nam, vừa tạo ra uy tín cho nước ta. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải uyển chuyển.

Đại biểu APEC nói gì về sáng kiến 'tăng trưởng bao trùm'? Các đại biểu chia sẻ về "tăng trưởng bao trùm", một trong 4 ưu tiên mà Việt Nam đề xuất cho hợp tác APEC 2017, trước thềm Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC lần 3 (SOM 3) tại TP.HCM.

'Tăng trưởng không phải là đích đến cuối cùng'

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định "tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống người dân", nhưng "không phải là mục tiêu cuối cùng".

Thủ tướng tại APEC: Hợp tác sẽ không tác dụng nếu thiếu niềm tin

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu khai mạc cuộc họp của các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC (MRT) sáng nay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Phương Thảo - Vũ Mạnh

Bạn có thể quan tâm