Soi xét thực lực các cường quốc hạt nhân
Tuy hơn 20 quốc gia sở hữu công nghệ điện hạt nhân nhưng chỉ số ít trong đó bị nghi ngờ theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí nguyên tử.
Bản đồ hạt nhân thế giới. (Kích chuột phải, chọn "View Image" hoặc "Xem ảnh" để xem hình với kích cỡ đầy đủ) |
Trên bản đồ hạt nhân thế giới, ngoài sắc đỏ thể hiện các quốc gia đã sở hữu vũ khí hạt nhân, 3 màu còn lại là đại điện cho 3 quốc gia vốn là điểm nóng của thế giới trong những năm trở lại đây. Tuy chưa thể khẳng định được sự tồn tại của vũ khí hạt nhân ở những quốc gia này nhưng khả năng tồn tại vũ khí hủy diệt hàng loạt không phải thiếu cơ sở.
Israel – màu da cam
Nhà nước Do Thái chưa bao giờ khẳng định mình sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng cũng chưa một lần lên tiếng phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, Liên đoàn Khoa học Mỹ tin rằng, Tel Aviv đang sở hữu khoảng 80 vũ khí nguyên tử và đủ nguyên liệu plutonium đã làm giàu để chế tạo thêm khoảng 200 đầu đạn hoặc bom hạt nhân khác.
Cựu thủ tướng Israel Shimon Peres phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi năm 1998 nói rõ, Tel Aviv chọn phát triển vũ khí hạt nhân từ những năm 1950 nhằm ngăn chặn chiến tranh. Đầu não của chương trình hạt nhân Israel được cho là Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Negev, gần thị trấn sa mạc Dimona.
Ngoài ra, trong những năm qua, Israel liên tiếp chi tiền mua máy và tàu ngầm có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân. Thậm chí, nhiều người cho rằng tên lửa Jericho của Nhà nước Do Thái cũng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tấn công.
Triều Tiên – màu sọc
Đã từ lâu, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên công khai tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của mình. Tính tới thời điểm hiện tại, Bình Nhưỡng đã 3 lần tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại các bãi thử dưới lòng đất. Bình Nhưỡng cũng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm xa nhưng các báo cáo tin rằng, Triều Tiên chưa thể làm chủ công nghệ chế tạo đầu đạn hạt nhân.
Các chuyên gia Mỹ tin rằng, Triều Tiên sở hữu lượng plutonium đã làm giàu đủ để chế tạo 10 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, việc thu gọn các thiết bị hạt nhân cồng kềnh nhằm đặt nó lên đầu tên lửa liên lục địa vẫn là một trong những bài toán khó mà các nhà khoa học hạt nhân Bình Nhưỡng vẫn đang loay hoay tìm lời giải.
Iran – màu vàng
Trong suốt năm ngoái 2012, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran chính là một trong những vấn đề quốc tế được bàn thảo nhiều nhất. Trong tháng 11/2011, báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng Iran đang bí mật phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Teheran luôn khẳng định, chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình và từ chối đình chỉ nó. Các cuộc gặp giữa Iran và nhóm P5 + 1, bao gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức luôn đi vào bế tắc.
Các cường quốc hạt nhân – màu đỏ
Trên bản đồ hạt nhân thế giới, sắc đỏ là màu biểu trưng cho những quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Dẫn đầu trong danh sách hạt nhân thế giới là Nga với 8.420 đầu đạn và bom hạt nhân. Với tổng số 715 thử nghiệm hạt nhân kể từ khi chương trình này được khai sinh năm 1949, Nga hiện đang là cường quốc hạt nhân số 1 thế giới.
Bắt đầu thử nghiệm hạt nhân đầu tiên năm 1945, Mỹ hiện đang sở hữu 7.650 đầu đạn và vũ khí hạt nhân các loại sau 1.054 lần thử nghiệm. Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này được khai sinh.
Xếp tiếp theo trong bảng danh sách cường quốc hạt nhân là Pháp với 300 đầu đạn, Trung Quốc với 240 đầu đạn và Anh với 225 đầu đạn. Tuy đứng cuối cùng trong tốp 5 cường quốc hạt nhân thế giới nhưng Anh vẫn được coi là “lão làng” trong các cường quốc hạt nhân bởi vụ thử nghiệm đầu tiên được nước này tiến hành năm 1952, sau đó là Pháp năm 1960 và Trung Quốc năm 1964.
Ngoài ra, sắc đỏ hạt nhân còn có sự góp mặt của Ấn Độ với khoảng 80 – 100 vũ khí hạt nhân và Pakistan với khoảng 90 – 110 đầu đạn hạt nhân. Vốn là 2 quốc gia láng giềng không hòa thuận, cả Ấn Độ và Pakistan đều nỗ lực sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm mục đích răn đe đối phương. Ấn Độ tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 1974 trong khi Pakistan chỉ mới sở hữu công nghệ hạt nhân năm 1998.
Cái nhìn toàn cảnh về các cường quốc hạt nhân. (Kích chuột phải, chọn "View Image" hoặc "Xem ảnh" để xem hình với kích cỡ đầy đủ) |
Trịnh Duy
Theo Infonet