Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về việc tăng cường triển khai thí điểm chăm sóc F0.
Theo cơ quan này, sau một tháng triển khai thí điểm, nhiều quận, huyện đã thực hiện tốt mô hình chăm sóc F0 tại nhà, góp phần giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung. Tuy nhiên, tại TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, số F0 cách ly tại nhà chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số F0. Do đó, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP chỉ đạo các địa phương tăng cường tổ chức cách ly tại nhà cho F0 đủ điều kiện, tránh nguy cơ quá tải cho các cơ sở cách ly tập trung.
Đến 28/8, tổng số F0 đang được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại nhà là 47.920 trường hợp. Với sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng, TP.HCM đã triển khai 411 trạm y tế lưu động nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của F0 cách ly tại nhà.
Một số địa phương ở TP.HCM cần tăng số lượng F0 điều trị tại nhà để giảm áp lực cho hệ thống y tế. Ảnh: Chí Hùng. |
Sau 7 ngày xét nghiệm diện rộng, TP.HCM đã lấy hơn 1,6 triệu mẫu test nhanh, phát hiện 64.300 F0 (chiếm 3,8% trong tổng số mẫu lấy). Với việc mở chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn thành phố, số F0 được dự báo sẽ tăng nhanh, tạo sức ép lên hệ thống điều trị.
Để chăm sóc F0 tại nhà, Sở Y tế TP.HCM đã có túi thuốc điều trị Covid-19 cho F0 tại nhà được chia thành 3 gói (A, B, C), sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.
Gói A là những thuốc thông dụng gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Gói B là những thuốc sử dụng hạn chế một số tình huống đặc biệt gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông. Thời gian F0 tự uống không quá 3 ngày. Trong thời gian này, người bệnh cần phải tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ. Tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định cho người bệnh dùng tiếp thuốc này cho đủ 7 ngày.
Gói C là thuốc kháng virus Molnupiravir dùng cho F0 có triệu chứng nhẹ và được kiểm soát đặc biệt. Theo đó, thuốc Molnupiravir uống 2 lần/ngày trong 5 ngày liên tục.