Sợ Triều Tiên tấn công, đảo Guam nâng mức báo động
Guam vừa nâng mức báo động chính thức và thử nghiệm hệ thống cảnh báo khẩn cấp hôm nay, sau khi Triều Tiên đe dọa có thể bắn tên lửa vào căn cứ quân sự Mỹ ở đây.
Guam vừa nâng mức cảnh báo nguy hiểm do lo ngại trở thành mục tiêu của tên lửa Triều Tiên. |
Trước khả năng Bình Nhưỡng có thể phóng thử tên lửa bất kỳ lúc nào, chính quyền Mỹ ở hòn đảo phía tây Thái Bình Dương đã nâng cảnh báo lên màu vàng, mức ở giữa trong thang cảnh báo gồm xanh, vàng và đỏ.
“Đây là mức báo động được chính quyền Guam đưa ra khi xuất hiện mối đe dọa tầm trung với hòn đảo. Chính quyền sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, trong khi một số cơ quan được đặt trong tình trạng sẵn sàng đối phó với nguy cơ bị tấn công”, chính quyền Guam phát biểu.
Hệ thống cảnh báo khẩn cấp của Guam sẽ bật còi báo động khắp hòn đảo và chen ngang các chương trình truyền hình, phát thanh để thông báo thông tin. Hệ thống này được thử nghiệm từ lúc 10h sáng (giờ địa phương) hôm nay.
Guam nằm trong tầm bắn của tên lửa Musudan. |
Chính quyền Guam cũng khuyến cáo người dân về cách bảo vệ gia đình và nhà cửa trong trường hợp bị tấn công. Thống đốc Eddie Calvo cho hay, ông nhận được cam kết của các chỉ huy quân đội Mỹ rằng, hòn đảo 180.000 người và có nhiều căn cứ quân sự sẽ được bảo vệ an toàn và chắc chắn.
“Mặc dù chúng ta được bảo vệ, nhưng cũng phải rất đề phòng. Các bạn hãy xem các tờ truyền đơn, chuẩn bị sẵn sàng và tiếp tục theo dõi tin tức”, ông Calvo nói trong bài phát biểu với người dân hòn đảo.
Guam nằm cách Triều Tiên khoảng 3.380 km về phía đông nam. Điều đó đồng nghĩa với việc về mặt lý thuyết, tên lửa Musudan của Bình Nhưỡng có khả năng tấn công hòn đảo này mặc dù hiện chưa rõ liệu vũ khí này có hoạt động được hay không.
Triều Tiên đưa tên lửa vào vị trí bắn
Hãng tin Kyodo dẫn lời một quan chức quốc phòng Nhật Bản đưa tin, một bệ phóng của Triều Tiên đã được đưa vào vị trí bắn với các tên lửa hướng thẳng lên trời.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành cảnh báo cao vì lo ngại Triều Tiên có thể sớm phóng tên lửa đạn đạo nhắm vào láng giềng Hàn Quốc và thậm chí cả họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera hôm qua cho biết, hiện Tokyo vẫn phản ứng với các động thái của Bình Nhưỡng bằng cách "thu thập thêm nhiều thông tin... với cảm giác căng thẳng và cảnh giác cao độ", hãng tin Kyodo dẫn lời ông Itsunori nhấn mạnh.
Vài ngày trước, Nhật Bản đã triển khai các tổ hợp tên lửa Patriot tối tân tại các căn cứ quân đội quan trọng và Thủ đô Tokyo nhằm chống lại bất cứ mối đe dọa nào từ Triều Tiên. Một trong số đó là trụ sở của Bộ Quốc phòng ở Ichigaya, phường Shinjuku thuộc Tokyo.
Một người lính đứng gác cạnh tổ hợp tên lửa Patriot ở Bộ Quốc phòng. |
Các dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên đã sẵn sàng phóng tên lửa theo sau thông báo của các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc để tăng cảnh báo giám sát của họ lên mức cao nhất – mức ngay sau tình trạng báo động chiến tranh.
Cùng lúc đó, Hàn Quốc tuyên bố sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa được sản xuất nội địa vào tháng 7, nhằm đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Seoul sẽ bắt đầu vận hành tháp điều khiển của hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD-Cell) từ tháng 7, Yonhap dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao Hàn Quốc hôm qua cho biết. Quân đội nước này ban đầu định triển khai vào cuối năm ngoái, nhưng bị trì hoãn do một số bộ phận không hoạt động trong quá trình kiểm tra.
Tầm bắn tối đa của một số tên lửa của Triều Tiên. |
Trước đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Chính phủ cho hay, ngoài tên lửa tầm trung Musudan, Bình Nhưỡng dường như còn đang chuẩn bị phóng hàng loạt tên lửa Scud và Rodong với tầm bắn ngắn hơn.
“Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên có khả năng phóng đồng thời tên lửa tầm trung Musudan lẫn tên lửa Scud và Rodong”, nguồn tin quân sự giấu tên cho biết.
Theo nguồn tin, phân tích các ảnh thu thập được bằng vệ tinh gần đây, các chuyên gia nhận thấy có 4 hoặc 5 bệ phóng di động đã được Triều Tiên triển khai tại tỉnh Nam Hamgyong. Họ tin rằng các bệ phóng này được dùng để khởi động tên lửa Scud có phạm vi 300-500 km. Tên lửa Rodong có phạm vi 1.300 km đến 1.500 km.
Các nhà phân tích cho rằng trong trường hợp phóng không thành công tên lửa tầm trung Musudan chưa từng được thử nghiệm trước đó, Triều Tiên có thể sẽ tìm cách bù đắp thất bại đó bằng cách bắn đồng thời nhiều tên lửa với các phạm vi khác nhau.
Triều Tiên liên tục dịch chuyển tên lửa
Hãng thông tấn Yonhap vừa dẫn một nguồn tin tình báo cho biết Triều Tiên dường như đang liên tục di chuyển một số tên lửa trên bờ biển phía đông nước này nhằm tránh bị tình báo theo dõi.
Có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể sẽ sớm phóng tên lửa Musudan. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn liên tục di chuyển hai tên lửa tầm trung Musudan cất giấu tại một nhà kho ở thành phố cảng Wonsan, miền Đông nước này. Ngoài ra, 4 hoặc 5 xe, được coi là các phương tiện phóng di động, cũng bị phát hiện đang được di chuyển xung quanh tỉnh South Hamgyeong.
Tình báo Mỹ, Hàn cho biết, Triều Tiên cũng đã đặt các tên lửa Musudan lên bệ phóng và bây giờ chỉ còn là vấn đề ấn nút kỹ thuật.
Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng đối thoại
Hàn Quốc hôm nay lên tiếng kêu gọi Triều Tiên vào bàn đối thoại để giải quyết các bế tắc chính trị trong những tuần qua.
“Việc đình chỉ hoạt động của khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác liên Triều là hành động không mang lại bất cứ lợi ích gì cho tương lai của cả 2 nước chúng ta”, Bộ trưởng Thống nhất Ryoo Kihl-jae nhấn mạnh trong một tuyên bố chính thức.
Đồng thời, Bộ trưởng Ryoo kêu gọi việc “bình thường hóa hoạt động của khu công nghiệp Kaesong nên được thực hiện thông qua đối thoại và Triều Tiên nên tới bàn đối thoại để thảo luận về những yêu sách của họ".
Khi được hỏi, liệu tuyên bố trên có phải là lời đề nghị chính thức cho một cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng hay không, ông Ryoo nhấn mạnh: "Tất cả các vấn đề, bao gồm cả khu công nghiệp Kaesong và các mối đe dọa khác từ Bình Nhưỡng nên được giải quyết thông qua đối thoại chứ tuyên bố trên không phải là lời đề nghị chính thức của Chính phủ Seoul để đối thoại với Bình Nhưỡng".
Bình An - Phương Đăng
Theo Infonet