Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triều Tiên ‘giăng bẫy’ phục Mỹ - Hàn?

Nếu Mỹ và Hàn Quốc tỉnh táo và không sa vào cái bẫy mà Triều Tiên giăng ra, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục bồi thêm căng thẳng và có khả năng “lật mặt”.

Triều Tiên ‘giăng bẫy’ phục Mỹ - Hàn?

Nếu Mỹ và Hàn Quốc tỉnh táo và không sa vào cái bẫy mà Triều Tiên giăng ra, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục bồi thêm căng thẳng và có khả năng “lật mặt”.

Bình Nhưỡng những ngày này liên tục đưa ra những hành động khiến căng thẳng leo thang. Ai cũng rõ đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên đe dọa hành động quân sự chống lại các kẻ thù không đội trời chung. Tuy nhiên, lần này, có một số yếu tố khiến tình hình khác so với các cuộc khủng hoảng trước và có khả năng biến động hơn nhiều. Một mặt, sự leo thang của “chiến tranh ngôn từ” giữa các bên đã lên tới mức đỉnh điểm. Mặt khác, những lời lẽ cứng rắn của Triều Tiên có vẻ đã không còn làm Mỹ và Hàn Quốc run sợ. Washington và Seoul đều phản ứng quyết liệt và mạnh mẽ tuyên bố sẽ đáp trả tương tự bất cứ hành động khiêu khích nào từ Bình Nhưỡng.

Binh sĩ Triều Tiên trong một cuộc diễu hành quân sự tại quảng trường Kim Nhật Thành.

Tuy nhiên, trên thực tế, Triều Tiên cũng không muốn chiến tranh. Nhà lãnh đạo trẻ ra mật lệnh chỉ thị quân đội chốt ở các vị trí tiền tiêu không được tấn công trước. Nếu liên minh Mỹ - Hàn không tấn công trước, quân đội Triều Tiên cũng sẽ chỉ khiêu khích bằng lời chứ không bằng súng đạn.

Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích tin rằng, các khả năng hạt nhân của Triều Tiên dù đạt được bước tiến vượt bậc đến mấy cũng chưa thể “vượt mặt” Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tên lửa Triều Tiên diễu hành qua quảng trưởng Kim Nhật Thành.

Chưa hết, xét về điều kiện kinh tế, Triều Tiên cũng rõ ràng khó có khả năng duy trì bất cứ cuộc xung đột kéo dài nào, chưa nói đến loại “chiến tranh toàn diện” như lời họ dọa dẫm. Vậy thì cuối cùng lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đang toan tính điều gì khi dường như đã “sa đà” quá mức vào chính sách “bên miệng hố chiến tranh”.

Tình hình trong nước rối ren

Theo nhiều nhà quan sát, quá trình chuyển giao quyền lực của Bình Nhưỡng có vẻ đã không suôn sẻ như tính toán. Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un hiện giữ cương vị lãnh đạo tối cao của đất nước song thực tế có vẻ ông chưa thâu tóm được toàn bộ quyền lực vào tay mình.

Nhìn lại lịch sử, cố Chủ tịch Kim Jong-il, cha ông Kim Jong-un đã phải mất tới 25 năm để từng bước nắm quyền lãnh đạo và điều hành đất nước từ Chủ tịch đầu tiên của Triều Tiên Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao quyền lực cho cố Chủ tịch Kim Jong-il cũng vẫn không thể tránh được sự hỗn loạn.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới chỉ ở độ tuổi 30 và chưa từng có kinh nghiệm lãnh đạo trước khi được “đặt” vào các vị trí quyền lực tối cao của đất nước. Điều đó sẽ khiến nhà lãnh đạo trẻ tuổi đang phải nỗ lực tìm mọi cách củng cố vị thế và quyền lực.

Đời sống chính trị rối ren, chính quyền Kim Jong-un còn đối mặt với thách thức to lớn trên phương diện kinh tế. Theo đuổi chính sách khép kín, không mở cửa hội nhập và dựa vào viện trợ của nước ngoài lại thêm hàng loạt biện pháp trừng phạt và cấm vận của Mỹ và phương Tây, nền kinh tế của Triều Tiên bị tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, cải tổ kinh tế dường như lại là một hành động nguy hiểm đối với Bình Nhưỡng.

Vì vậy, theo nhiều nhà phân tích, Triều Tiên đang cố tình tạo căng thẳng nhằm uốn cong các áp lực trong nước về phía thế giới bên ngoài bằng cách áp dụng chiêu “một chọi tất cả”.

Môi trường quốc tế bất ổn

Triều Tiên đang ở trong một bối cảnh quốc tế nhiều khó khăn và thách thức hơn trước. Sự thay đổi lãnh đạo ở các quốc gia láng giềng (đặc biệt ở Hàn Quốc và Nhật Bản) cuối cùng dẫn tới kết quả một loạt chính trị gia theo lập trường cứng rắn lên cầm quyền.

Trong khi đó, ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama lập tức khẳng định chắc nịch tiếp tục theo đuổi chiến lược “xoay trục” về châu Á, nhằm củng cố và tăng cường ảnh hưởng của họ đối với các vấn đề trong khu vực.

Trong 2 năm qua, sự quan tâm của các cường quốc về Triều Tiên dường như “rơi rớt” khi mọi sự chú ý đều tập trung vào chiến lược “xoay trục” về châu Á mà Mỹ đã và đang theo đuổi.

Các cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn (Đại bàng non) với máy bay ném bom chiến lược B-2 và B-52 cũng như chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 được triển khai trên bán đảo Triều Tiên rốt cuộc không nhận được nhiều phản ứng từ Bắc Kinh. Trong khi đó, Mỹ ngày càng tỏ ra cương quyết và cứng rắn.

Để chống lại những áp lực và thay đổi đó, Bình Nhưỡng viện đến đòn ngoại giao kinh điển còn lại “khiêu khích sau đó đàm phán” để giành lợi thế và lợi ích lớn hơn trong các cuộc mặc cả, thương lượng.

Chiến thuật trên của Bình Nhưỡng trước đó đã phát huy hiệu quả tốt. Năm 1993, để làm dịu các mối đe dọa từ Triều Tiên, tháo ngòi nổ xung đột, Mỹ đành “xuống nước” cam kết cung cấp viện trợ lương thực và năng lượng cho Bình Nhưỡng (với Hiệp định khung 1994).

Từ năm 1998 tới năm 2008, Triều Tiên cũng “hưởng lợi” nhiều từ chính sách Ánh dương mà các cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun chủ trương theo đuổi. Chấp nhận tổ chức hội nghị liên Triều năm 2000, Triều Tiên còn được cho là đã nhận được “hậu đãi” khổng lồ từ Seoul.

Thậm chí, năm 2010, sau sự kiện Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong và được cho là dàn dựng vụ đánh chìm tàu hải quân Cheonan, giết chết 46 thủy thủ của Hàn Quốc, Washington và Seoul vẫn lựa chọn chính sách xoa dịu đối với Bình Nhưỡng. Các hành động khiêu khích của Triều Tiên, ít nhất cho tới thời điểm này, có ích cho họ. Do đó, không có gì phải băn khoăn khi Bình Nhưỡng giờ đây viện lại chiến thuật cũ.

Điều Bình Nhưỡng thực sự toan tính

Với quyết định phê chuẩn củng cố vị thế nhà nước hạt nhân tự vệ trong Hiến pháp sửa đổi, Triều Tiên chứng tỏ ý chí tăng cường khả năng răn đe của họ. Điều này được xem là nỗ lực nhằm tạo ra đấu trường bình đẳng đối với kẻ thù. Nói cách khác Bình Nhưỡng đang cố đạt được vị thế đàm phán nhiều lợi ích hơn trước Mỹ.

Vô hiệu hóa hiệp định đình chiến năm 1953 ký với Hàn Quốc, Triều Tiên không phải muốn theo đuổi chiến tranh mà theo cách riêng của mình, có thể nuôi ý đồ khởi động lại cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình với Washington và Seoul.

Với hành vi khiêu khích và hiếu chiến trong những ngày qua, Triều Tiên chắc chắn đang tăng cường vị thế quốc tế, với tư cách là vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng của các cường quốc thế giới cũng như là bên đối thoại không thể thiếu.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích còn tin rằng, chiến lược của Bình Nhưỡng hiện nay nhắm vào “khán giả” trong nước hơn là bên ngoài khi trên sân khấu trong nước, họ củng cố được biểu tượng quốc gia độc lập và mạnh mẽ, trung thành tuyệt đối các di sản cách mạng của người sáng lập đất nước, Kim Nhật Thành.

Chiến lược của Bình Nhưỡng cuối cùng sẽ lại thành công mỹ mãn với 2 điều kiện. Một là, các đối thủ mà Bình Nhưỡng nhắm vào xem sự đe dọa, khiêu khích của họ là hoàn toàn nghiêm túc và đáng quan ngại. Hai là, lịch sử lặp lại khi Seoul và Washington tiếp tục lựa chọn chính sách nhân nhượng và xoa dịu để tránh các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Kết quả là, nếu giành được một thỏa thuận an ninh mới với Mỹ - Hàn sau một loạt nỗ lực khiêu khích và đe dọa chưa từng thấy, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un sẽ nghiễm nhiên tỏa sáng rực rỡ trong ánh hào quang của một lãnh tụ chiến tranh vẻ vang ở trong nước. Kịch bản đó cũng đồng nghĩa với việc quyền lực và tính hợp pháp của nhà lãnh đạo trẻ đã được xác nhận, bởi cộng đồng quốc tế. Cuối cùng, điều đó mang lại cơ hội để ông bắt tay thực hiện các cải tổ trong nước.

Tuy nhiên, bất kể toan tính và mục đích của Bình Nhưỡng là gì, chiến lược của họ không phải không có rủi ro. Nếu Mỹ - Hàn không lặp lại vết xe lịch sử, kiên quyết theo đuổi lập trường cứng rắn, không nhượng bộ và thỏa hiệp, hay nói cách khác không sa chân vào “cái bẫy” Triều Tiên giăng sẵn, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phải đau đầu tính toán đưa ra những đe dọa, khiêu khích, đẩy cao hơn nữa căng thẳng vốn đã lên tới đỉnh điểm để rồi chỉ một lầm lỡ nhỏ cũng đủ dẫn tới hậu quả khôn lường.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm