“Chúng tôi vô cùng hối tiếc vì đã gây tổn thương cho nhiều người và nhiều thế hệ. Chúng tôi đã không nghiêm túc lên án hành động này”, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS), ông Cristian Samper, viết trong một tuyên bố.
“Chúng tôi nhận thấy nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn đó. Tổ chức này phải đóng vai trò lớn hơn trong công cuộc đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc”, ông Samper khẳng định.
Ota Benga từng bị trưng bày trong khu vực Nhà Khỉ của sở thú Bronx. Ảnh: CNN. |
WCS đưa ra tuyên bố này để xin lỗi cho hành động giam cầm Ota Benga, một người Mbuti sống tại Congo. Trong nhiều tuần của tháng 9/1906, Ota Benga bị trưng bày trong khu Nhà Khỉ của sở thú Bronx, làm trò tiêu khiển cho người dân Mỹ.
Benga phải chịu đựng cách đối xử vô nhân đạo khi bị giam cầm, dẫn thông tin từ Pamela Newkirk, tác giả cuốn sách “Cuộc sống đáng kinh ngạc của Ota Benga”. Vào những ngày cuối tuần, hàng nghìn du khách thường đến khu Nhà Khỉ để trêu ghẹo và chỉ trỏ Benga, coi người da màu này như một con thú.
Những hành động vô lương tâm đã bị cả xã hội lên án. Trước sức ép của dư luận, sở thú Bronx buộc phải thả tự do cho Ota Benga. Sau đó, anh được mục sư James Gordon đưa vào trại trẻ mồ côi.
Benga từng thay đổi phong cách để sống như một người Mỹ. Song anh vẫn mong muốn được trở về quê hương châu Phi. Vài năm sau đó, Thế chiến I nổ ra, khiến giấc mơ hồi hương của Benga không thể thành hiện thực. Năm 1916, Ota Benga tự kết liễu đời mình bằng một khẩu súng lục.