F-15 Eagle và Su-35 Flanker-E là phản lực chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ 4 trứ danh của Không quân Mỹ và Nga. Chúng ra đời nhằm tấn công đa nhiệm và giành ưu thế trên không.
Boeing F-15C Eagle góp mặt trong biên chế Không quân Mỹ từ gần 40 năm trước và tiếp tục được sử dụng trong những thập niên tới. Trong những năm qua, Mỹ nhiều lần nâng cấp F-15 để giúp nó đáp ứng được yêu cầu chiến đấu. Dù khá cũ, F-15 vẫn là một trong những máy bay chiến đấu tốt nhất của Không quân Mỹ. Xét tổng thể, F-15 chỉ thua kém các loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 mà Lầu Năm Góc đang sử dụng.
Xét trên phương diện đối kháng, Su-35 Flanker-E có lẽ là đối thủ duy nhất của F-15. Mẫu máy bay của Nga được phát triển với những cải tiến vượt trội nhằm giúp nó đảm trách vai trò chủ lực trong Không quân Nga trong các thập niên tới. Tuy nhiên, giá thành Su-35 quá cao khiến nó trở nên khó phổ dụng. Hiện tại, Không quân Indonesia và Trung Quốc quan tâm tới Su-35 của Nga.
Su-35 là cỗ máy chiến tranh thực sự nguy hiểm. Dựa vào các số liệu, Su-35 vượt trội hơn phiên bản F-15 tối tân. Tuy vận tốc tối đa của Su-35 hơi chậm hơn một chút so với F-15C , lực đẩy mà hai động cơ Saturn Izdeliye 117S tạo ra lớn hơn rất nhiều so với hai động cơ của F-15C. Su-35 có những điểm mạnh không thể vượt qua như vô cùng linh hoạt nhờ hệ thống động cơ đẩy 3 chiều hay bay với vận tốc siêu âm mà không cần sử dụng buồng đốt lần 2.
Ngược lại, F-15C tỏ rõ sức mạnh khi hoạt động ở độ cao lớn, tốc độ cao. Thiết kế linh hoạt, nhỏ gọn giúp F-15C giành được lợi thế trước máy bay phản lực Nga.
Trong tác chiến tầm xa, F-15C và F-15E có lợi thế trước Su-35 nhờ hệ thống radar mảng quét điện tử chủ động. Chúng vượt trội hơn đáng kể so với radar cùng loại của Nga.
Tuy nhiên, Su-35 có thứ vũ khí của riêng nó là hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng tia hồng ngoại (IRST).
Ngoài ra, Su-35 còn sở hữu hệ thống chiến tranh điện tử cực mạnh, gây nhiễu tần số vô tuyến của tên lửa đối phương. Nó cũng có thể mang theo số lượng vũ khí không đối không lớn, giúp giảm khả năng tấn công của những chiếc F-15.
Dù Su-35 được đánh giá cao hơn, khả năng hai mẫu chiến đấu cơ này đối đầu rất khó xảy ra. Nó chỉ trở thành sự thực khi Mỹ chiến tranh với Nga hoặc Trung Quốc, điều dường như không thể trong thế giới hiện đại, National Interest nhận định.
Trong trường hợp Nga xuất khẩu Su-35 cho một quốc gia ở thế giới thứ 3, cuộc đối đầu giữa F-15 và Su-35 có thể xảy ra, tuy nhiên lợi thế không còn nghiêng về phía máy bay do Nga sản xuất. Đội ngũ phi công được đào tạo bài bản của Mỹ dễ dàng giành lợi thế trước những người đồng nghiệp phía bên kia chiến tuyến.
Ngoài ra, các điều kiện bảo dưỡng cũng rất quan trọng đối với chiến đấu cơ. Đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo kém bài bản hay tình trạng thiếu phụ tùng thay thế có thể khiến máy bay hoạt động kém hơn. Sự thiếu đồng nhất về khí tài quân sự cũng khiến Su-35 kém hiệu quả.
Các nước Đông Nam Á đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa phi đội chiến đấu cơ trong bối cảnh Trung Quốc thể hiện sức mạnh cơ bắp trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.