Tiêm kích F-22 Raptor thả pháo sáng trong một cuộc diễn tập. Ảnh: USAF |
Tiến bộ trong các chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình ở Nga và Trung Quốc đang đe dọa ưu thế của Không quân Mỹ. Tạp chí National Interest cho biết, một số nhà lãnh đạo quân sự uy tín ở Mỹ như cựu Bộ trưởng Không quân Michael Wynne, Chủ tịch Tiểu ban Sức mạnh và Lực lượng trên biển Randy Forbes đã đề xuất nối lại sản xuất tiêm kích F-22 Raptor.
Tướng Wynne và nghị sĩ Forbes cho rằng, Lầu Năm Góc cần hồi sinh chương trình F-22, hoặc một máy bay khác có tính năng tương đương là điều cần thiết để đảm bảo ưu thế trên không cho Không quân Mỹ.
Hai vị quan chức nhấn mạnh, Raptor kết hợp nhiều công nghệ tiên tiến mà chưa từng được áp dụng trong một thiết kế duy nhất. Vật liệu composite, điện tử hàng không tiên tiến, động cơ kiểm soát vector lực đẩy, cảm biến tinh vi và tính năng lẫn trốn radar đối phương (tàng hình).
F-22 là máy bay chiến đấu thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới sở hữu tính năng tàng hình, siêu cơ động và vượt trội so với các máy bay khác trong chiến đấu không đối không.
Mối đe dọa mới từ Nga-Trung
Trong một bài tiểu luận đăng trên Wall Street Journal (WSJ), hai vị quan chức nhấn mạnh rằng, lực lượng F-22 hiện tại không đủ để giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng trên phạm vị toàn cầu. Không quân Mỹ từng lên kế hoạch mua sắm 700 tiêm kích F-22. Tuy nhiên, diễn biến trên chiến trường ở Iraq, Afghanistan thập niên 90 đã dẫn đến sự thay đổi chiến lược quốc phòng.
F-22 Raptor - tiêm kích tàng hình duy nhất trên thế giới đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: USAF |
Kết quả của chiến lược mới là số lượng F-22, từ 700 giảm xuống chỉ còn 187 chiếc. Kế hoạch chấm dứt sản xuất F-22 được thúc đẩy bởi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates - người đề xuất khái niệm “chiến tranh thế hệ tiếp theo”, tập trung đối phó với các mối đe dọa trên mặt đất.
“Ở thời điểm những chiếc F-22 được lên kế hoạch ngưng sản xuất vào năm 2002, các mối đe dọa công nghệ cao mà nó được thiết kế để đối phó giảm dần. Thay vì những máy bay MiG của Nga, lãnh đạo Lầu Năm Góc lo lắng về các thiết bị nổ tự chế hơn”, trích bài tiểu luận của 2 vị quan chức quốc phòng Mỹ đăng trên WSJ.
Tướng Wynne cho rằng quy mô Không quân Mỹ chưa bao giờ nhỏ và già nua đến thế. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới. Ngoài ra, Nga còn xuất khẩu hệ thống phòng không tinh vi cho các nước như Iran đe dọa khả năng hoạt động của máy bay chiến đấu thông thường.
Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc đã có những bước tiến trong phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5. Tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 của Nga thực hiện chuyến bay đầu tiên trong năm 2010. Một năm sau, tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc cất cánh lần đầu trùng với chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đến Bắc Kinh vào năm 2011.
Tướng Mark Welsh, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ từng cảnh báo, tương lai, máy bay phản lực của Nga và Trung Quốc sẽ tốt hơn so với bất cứ điều gì chúng ta có hôm nay. Đại tá Larry Broadwell, chỉ huy Quân đoàn số 1 có trụ sở tại Virginia nhận xét, F-35 là cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất chính xác trên toàn cầu, trong khi F-22 sẽ đảm bảo ưu thế trên không, “đáng tiếc là chúng tôi có quá ít F-22”.
Khi quyết định chấm dứt sản xuất F-22 vào năm 2011, cựu Bộ trưởng Gates lập luận rằng, F-35 sẽ hỗ trợ cho F-22 trong lĩnh vực chiếm ưu thế trên không, tuy nhiên, các nhà phê bình liên tục chỉ trích F-35 và cho rằng, dự án máy bay chiến đấu đắt nhất thế giới không đủ năng lực để thay thế các máy bay chiến đấu hiện có.
Thách thức khi hồi sinh F-22
Một chiếc F-22 đang được lắp ráp tại nhà máy ở Mariette, Georgia vào tháng 9/2003. Ảnh: USAF |
Một số quan chức quân sự khác hoài nghi tính khả thi về đề xuất tái khởi động chương trình F-22. Trung tướng Arnold Bunch, Phó trợ lý Bộ trưởng Không quân phụ trách mua sắm vũ khí từng nói với Quốc hội Mỹ rằng, việc khởi động lại dây chuyền F-22 cần hàng tỷ USD.
Ông giải thích rằng, không quân đã không còn phân tích các khả năng về việc nối lại sản xuất F-22 do chi phí quá cao và thiếu ngân sách thực tế. Tướng Bunch cho rằng, sẽ phải đánh đổi một chương trình khác để nối lại sản xuất F-22.
Trong khi đó, những người ủng hộ kế hoạch trích dẫn một nghiên cứu của Tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc) vào năm 2008 cho thấy, cần 500 triệu USD để khởi động lại dây chuyền sản xuất F-22.
“Nếu không quân đặt hàng 75 máy bay, chi phí ước tính mỗi máy bay khoảng 179 triệu USD”, trích nghiên cứu của tập đoàn RAND.
Tướng Wynne và nghị sĩ Forbes kết luận, nếu các nhà lập pháp bằng cách nào đó có thể tăng ngân sách, chi phí để tái sản xuất F-22 sẽ không quá đắt so với thời điểm dây chuyền đang hoạt động.