Tiêm kích tàng hình F-22 (trên) là máy bay chuyên dùng cho vai trò chiếm ưu thế trên không, trong khi vai trò của J-20 (dưới) chưa thực sự rõ ràng. Mẫu thử nghiệm J-20 số hiệu 2011 bất ngờ xuất hiện trên boong tàu sân bay Liêu Ninh. Hình ảnh này có thể là do người sử dụng mạng xử lý bằng đồ họa. Ảnh: Wikipedia/Ausairpower |
Theo National Interest, nền kinh tế Trung Quốc có thể sánh ngang Mỹ trong khoảng 50 năm tới. Dù khả năng xảy ra chiến tranh thế giới thứ 3 là rất thấp, Mỹ vẫn cần phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột nếu có. Trong chiến tranh hiện đại, việc chiếm ưu thế trên không đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đối với Mỹ, tiêm kích tàng hình thế hệ 5, F-22 Raptor (Chim ăn thịt), sẽ là vũ khí hàng đầu trong nhiệm vụ đảm bảo sự thống trị bầu trời.
Nhà phân tích quốc phòng Dave Majumdar nhận định, đối thủ lớn nhất của F-22 ở châu Á – Thái Bình Dương là tiêm kích tàng hình J-20 Mighty Dragon (Rồng dũng mãnh) của Trung Quốc. Trong một kịch bản không chiến nếu có giữa 2 chiến đấu cơ này, Chim ăn thịt và Rồng dũng mãnh, máy bay nào sẽ giành chiến thắng?
Trung Quốc công bố rất ít thông tin về J-20, thậm chí nó có thể không phải là một chiến đấu cơ theo khái niệm truyền thống. Máy bay này có thể được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ tấn công vào khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ ở tây Thái Bình Dương, đó là một phần trong chiến lược chống tiếp cận/từ chối khu vực của Trung Quốc.
Nó cũng có thể cấu hình cho nhiệm vụ hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chỉ huy trên không, tình báo giám sát, thậm chí mang tên lửa hành trình tầm xa để tấn công tàu sân bay Mỹ.
Ông Majumdar lập luận, hình ảnh mẫu thử nghiệm J-20 cho thấy nó là một máy bay tàng hình vay mượn thiết kế của F-22 và F-35. Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Trung Quốc đã "đánh cắp" một lượng lớn thông tin từ chương trình F-35, theo báo cáo của Lầu Năm Góc.
Mẫu thử nghiệm J-20 số hiệu 2011 bất ngờ xuất hiện trên boong tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Asian Defence |
Vai trò chính của J-20 có thể là tấn công mặt đất kết hợp với khả năng không đối không mạnh mẽ. Tương tự như F-35, mẫu thử nghiệm mới nhất của J-20 được trang bị hệ thống nhắm mục tiêu quang điện tử dưới mũi. Hệ thống EOTS-89 do Công ty khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc chế tạo. Nếu J-20 là máy bay chiếm ưu thế trên không, nó sẽ không cần đến loại cảm biến này.
Nhiều khả năng, tiêm kích Trung Quốc sẽ được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA), radar Type 1475 được cho là đang thử nghiệm trên máy bay Tu-204. Tuy nhiên, người ta không thể xác nhận thông tin về dự án. Việc Trung Quốc muốn mua Su-35 của Nga dường như để khai thác công nghệ radar và động cơ, ông Majumdar nhận định.
J-20 có thể được tối ưu hóa cho vai trò tấn công mặt đất vì khung máy bay tương đối lớn với đối cánh nhỏ. Khoang vũ khí của chiến đấu cơ này dường như khá lớn. Với cấu hình như thế, J-20 phù hợp với nhiệm vụ tấn công mặt đất hơn là chiếm ưu thế trên không.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc chế tạo động cơ phản lực đủ mạnh cho máy bay thực hiện vai trò nắm ưu thế không chiến. Bắc Kinh vẫn đang vật lộn với quá trình hoàn thiện động cơ WS-10 sản xuất trong nước. Tuy nhiên, một máy bay tấn công mặt đất không cần đến động cơ quá mạnh, do đó, động cơ AL-31F do Nga sản xuất có thể đủ mục đích của Trung Quốc.
Dù J-20 còn kém xa tiêu chuẩn tiêm kích thế hệ 5 so với F-22, chiến đấu cơ này vẫn nắm ưu thế nhất định ở châu Á – Thái Bình Dương. Tiêm kích F-22 có phạm vi hoạt động tương đối ngắn so với sự rộng lớn ở khu vực này. Do đó, F-22 cần sự trợ giúp của máy bay tiếp nhiên liệu nhằm tăng phạm vi hoạt động.
Giải pháp hợp lý nhất đối với Không quân Trung Quốc trong việc chống lại ưu thế trên không của Mỹ và đồng minh tấn công gián tiếp vào lực lượng hậu cần. Bắc Kinh hiểu rằng, J-20 dường như có ít cơ hội khi đối đầu với F-22 nên tấn công vào các căn cứ là cách để thiết lập ưu thế trên không của họ.
Nhà phân tích Majumdar cho rằng, kịch bản không chiến giữa F-22 và J-20 rất khó xảy ra, tuy nhiên, nếu Trung Quốc sử dụng J-20 trong một chiến thuật hợp lý, chiến đấu cơ này vẫn có thể gây nguy hiểm cho Không quân Mỹ.