Quá trình đàm phán mua bán 24 tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35 giữa Bắc Kinh và Moscow sắp đi đến hồi kết. Ảnh: Sputniknews |
Theo Diplomat, trong tháng 4, công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương, Trung Quốc, bất ngờ tiến hành thử nghiệm biến thể nâng cấp J-11D. Đây là loại máy bay được cho là sao chép từ Su-27 của Nga. Các nhà phân tích quân sự nhận định, J-11D được trang bị các công nghệ tiên tiến như radar quét mạng pha điện tử chủ động, radar AESA, cảm biến tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại IRST thế hệ mới.
Ngoài ra, thân máy bay sử dụng nhiều vật liệu composite cho phép giảm khối lượng và mức độ bộc lộ radar. Chuyến bay thử nghiệm cho thấy, J-11D đã sẵn sàng để được đưa vào sản xuất số lượng lớn nhằm tăng cường sức mạnh cho Không quân Trung Quốc.
Nhà phân tích Lauren Dickey, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nhận định, J-11D là một bước tiến đáng kể trong công nghiệp hàng không Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh vẫn quyết tâm mua Su-35 của Nga, điều đó cho thấy họ chưa hài lòng với các thiết kế trong nước.
Su-35 không chỉ có lợi thế lớn trong không chiến tầm gần mà còn có phạm vi hoạt động dài với tải trọng vũ khí lớn. Bên cạnh đó, Su-35 được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Công nghệ radar quét mạng pha điện tử thụ động PESA trên Su-35 kém hiện đại so với radar AESA của J-11D. Tuy nhiên, về tổng thể Su-35 vẫn mạnh hơn, nhà phân tích Jesse Sloman cũng thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nhận xét.
Su-35 có đặc tính vượt trội so với J-11D nhưng đây là một sản phẩm có xuất xứ nước ngoài. Trong khi đó, Bắc Kinh xem công nghiệp quốc phòng bản địa là tài sản chiến lược. Mua Su-35 là đi ngược với mục tiêu tự sản xuất các máy bay chiến đấu hiện đại trong nước.
Ông Sloman cho rằng, về cơ bản J-11D và Su-35 có thiết kế và vai trò tương đối giống nhau, như vậy việc Bắc Kinh mua Su-35 không phải là một giải pháp để nâng cao sức mạnh chiến đấu. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc mua Su-35 để làm gì?
Thèm khát công nghệ động cơ
Tiêm kích thế hệ 5 J-20 do Trung Quốc sản xuất đang sử dụng động cơ phản lực không đạt chuẩn, điều đó khiến Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc hoàn thiện chương trình. Ảnh: Wikipedia |
Ông Dickey lập luận, động cơ là một trong những thành phần quan trọng nhất của bất kỳ máy bay chiến đấu nào. Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc chưa thể sản xuất động cơ phản lực chất lượng.
Các chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 J-20 và J-31 có thiết kế và hệ thống điện tử tinh vi có thể cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên, khả năng làm chủ công nghệ động cơ phản lực của Bắc Kinh còn kém xa Washington. Họ không thể sản xuất động cơ đạt tiêu chuẩn tiêm kích thế hệ 5. Do đó, hiệu suất chiến đấu của J-20 và J-31 không đáng tin cậy, Dickey bình luận.
Lịch sử công nghệ hàng không đã cho thấy giá trị của động cơ đối với hiệu suất của máy bay. Trong Chiến tranh Thế giới II, tiêm kích P-51 Mustang của Mỹ đã chứng minh sức mạnh vượt trội so với máy bay Đức sau khi thay thế động cơ.
Tương tự, tiêm kích F-14 Tomcat của Hải quân Mỹ ban đầu có động cơ quá yếu, dẫn đến 30% tai nạn. Bộ trưởng Hải quân Mỹ John Lehman từng gọi động cơ của F-14 là nỗi kinh hoàng. Các tiêm kích hiện đại như F-15 và tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor phải trải qua nhiều lần thay đổi động cơ để đạt sức mạnh như ngày hôm nay, vị chuyên gia giải thích.
Không đủ năng lực
Động cơ phản lực kiểm soát vector lực đẩy 117S là cái mà Trung Quốc thèm khát trong thương vụ mua Su-35. Ảnh: Deagel |
Quân đội Trung Quốc dựa vào động cơ sản xuất tại Nga để phát triển các máy bay trong nước. Tuy nhiên, các mẫu động cơ mà Trung Quốc sử dụng cho J-20 và J-31 không đủ năng lực. Động cơ RD-93 vốn được thiết kế cho các máy bay có trọng lượng cất cánh nhẹ không phù hợp cho J-31. Trong khi đó, động cơ AL-31 đã lạc hậu và không đạt chuẩn cho tiêm kích thế hệ 5.
Các nhà phân tích cho rằng, 2 mẫu tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc đang gặp khó khăn với vấn đề động cơ. Trong năm 2012, nhà phân tích Andrew Erickson và Gabe Collins từng lập luận rằng, sản xuất động cơ phản lực là gót Achilles của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc.
Theo Jane’s Defence Weekly, động cơ phản lực nội địa WS-10 được trang bị cho J-11 và J-16 vẫn không đạt hiệu suất tin cậy. Số lượng động cơ phải gửi trả lại cho nhà máy sửa chữa vượt quá số tiền để sản xuất động cơ mới. Không quân Trung Quốc vẫn chưa thực sự tin tưởng động cơ sản xuất trong nước.
Một thực tế là tiêm kích "con cưng" J-10 do Trung Quốc sản xuất lại sử dụng động cơ AL-31 nhập khẩu từ Nga. Điều đó cho thấy, Trung Quốc chưa dám đặt cược động cơ trong nước cho các tiêm kích chủ lực, Dickey nhận định.
Do Trung Quốc không thể tự sản xuất động cơ phản lực đạt tiêu chuẩn cho tiêm kích thế hệ 5 nên họ chỉ có hai lựa chọn, nhập khẩu động cơ từ nước ngoài hoặc chấp nhận thực tế. Một số nhà phân tích cho rằng, mua động cơ 117S trang bị trên Su-35 là giải pháp khả thi nhất.
Tuy nhiên, phía Nga đã từ chối bán động cơ 117S cho Bắc Kinh. Do đó, Trung Quốc sẽ thông qua việc mua 24 tiêm kích Su-35 để tiếp cận động cơ tiên tiến của Nga. 117S là loại động cơ kiểm soát vector lực đẩy tiên tiến cho phép máy bay sử dụng nó có khả năng cơ động tuyệt vời.
Mua Su-35 không phải là ý tưởng tốt cho quá trình phát triển công nghiệp hàng không Trung Quốc về lâu dài. Nhưng đây là giải pháp khả thi để Trung Quốc khai thác công nghệ động cơ 117S phục vụ cho quá trình sản xuất tiêm kích thế hệ 5, nhà phân tích Lauren Dickey kết luận.