Giải mã việc chuyên gia TQ sang Nga ngắm Su-35
Trung Quốc đã cho thấy quyết tâm theo đuổi thương vụ Su-35, vậy thực sự họ muốn gì từ thương vụ này?
Khoảng một thập niên trở lại đây, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc nói chung và công nghiệp hàng không quân sự nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc.
Họ đã sao chép thành công tiêm kích Su-27 của Nga thành J-11B, phát triển thành công tiêm kích J-10 từ bản vẽ của Israel, sao chép thành công tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga thành J-15 từ nguyên mẫu T-10K mua của Ukraine.
Sự phát triển của tiêm kích tàng hình J-20 đang giậm chân tại chỗ do không có động cơ phù hợp. Chiếc tiêm kích "hồn thế hệ 5 da thế hệ 4" này sẽ chẳng là gì nếu không có động cơ đủ mạnh. |
Đặc biệt, họ đã phát triển thành công 2 mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình thế hệ 5 là J-20 và J-31. Nếu nhìn vào đây có thể thấy rằng, Trung Quốc đã làm chủ hoàn toàn quá trình cung cấp trang thiết bị quân sự cho quân đội, sánh vai cùng với Nga, Mỹ - những nước có nền công nghiệp hàng không quân sự hàng đầu thế giới.
Nhìn vào quá trình phát triển của công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc thì việc họ ngỏ ý mua tiêm kích thế hệ 4++ Su-35 của Nga có vẻ hơi vô lý, đi ngược lại với sự phát triển của công nghiệp hàng không quân sự nước này.
Tuy nhiên, những gì mà thế giới biết về công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Có rất nhiều bí mật động trời liên quan đến các điểm yếu chí tử của công nghiệp hàng không quân sự nước này đang được “giấu kín như bưng”.
Trung Quốc đang thèm khát Su-35 như "mèo thấy mỡ", nếu mua được chiếc tiêm kích này, Không quân Trung Quốc sẽ có sức mạnh hàng đầu châu Á. |
Mới đây, Interfax dẫn lời nguồn tin quân sự giấu tên của Nga tiết lộ, sự phát triển của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc đang giậm chân tại chỗ do không phát triển được loại động cơ phù hợp với tiêm kích tàng hình thế hệ 5.
Hiện tại mẫu thử nghiệm J-20 đang dùng động cơ AL-31F của Nga trang bị cho Su-27 và Su-30, đây là loại động cơ dùng cho tiêm kích thế hệ 4 hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho tiêm kích thế hệ 5. J-20 đang trở thành một loại tiêm kích “hồn thế hệ 5 da thế hệ 4”.
Trong khi đó, sự phát triển của động cơ nội địa WS-15 trang bị cho tiêm kích thế hệ 5 cũng không tiến triển được gì. Trung Quốc cũng đã từng ngỏ ý mua động cơ đẩy vector 117S của Nga để trang bị cho J-20 nhưng đã bị phía Moscow từ chối.
J-20 sẽ chẳng là gì nếu không có động cơ tương xứng. Các chuyên gia Nga nhận định, nếu không có động cơ mới, J-20 sẽ không thể đi vào hoạt động trong năm 2017 như dự kiến, thậm chí sẽ còn kéo dài hơn nữa.
Động cơ đẩy vector 117S chính là cái đích sâu xa mà Trung Quốc đang hướng đến trong thương vụ Su-35. |
Nhằm khỏa lấp điểm yếu chí tử của J-20, Trung Quốc đã nghĩ đến giải pháp mua Su-35 của Nga. Một mặt có trong tay chiến đấu cơ thế hệ 4++ tốt nhất thế giới hiện nay, một mặt khai khác công nghệ động cơ của Su-35 để trang bị cho J-20.
Trung Quốc vẫn sử dụng “chiêu bài” cũ là mua một vài chiếc để đánh giá sau đó sẽ tiếp tục mua thêm. Nhưng thực sự đây chính là chiêu bài để sao chép công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau nhiều lẫn “mắc bẫy” phía Nga nhất quyết đưa ra yêu cầu Trung Quốc phải mua ít nhất là 24 chiếc theo kiểu “chìa khóa trao tay” và không có chuyện cấp giấy phép sản xuất cho Bắc Kinh.
Ngày 5/6, phái đoàn chuyên gia Trung Quốc đã bay sang Moscow để tiến hành đánh giá tiêm kích Su-35 và thương thảo về hợp đồng. Như vậy có thể thấy rằng, Trung Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng vào thương vụ Su-35 mà cái đích họ nhắm đến chính là công nghệ động cơ đẩy vector nhằm tạo ra một sản phẩm tương tự để trang bị cho J-20.
Một số chuyên gia quân sự nhận định rằng, trong trường hợp việc ngỏ ý mua một vài chiếc để thử nghiệm không thành công, Bắc Kinh có thể sẽ chấp nhận mua luôn 24 chiếc và không loại trừ khả năng họ sẽ lấy động cơ của Su-35 trang bị cho J-20 để tạo nên bước đột phá.
Khả năng của J-20 như thế nào thực sự là một ẩn số nhưng nếu nó được trang bị động cơ điều khiển vector lực đẩy của Nga kết hợp với khả năng tàng hình có thể tạo nên lợi thế vượt trội so với các tiêm kích khác trong khu vực châu Á.
quốc việt
Theo Infonet