Tháng 9/2014, tại Hà Nội, có 3 đội tuyển Việt Nam cùng tập trung.
Đội thứ nhất là U19 Việt Nam của HLV Guillaume Graechen đang chuẩn bị cho giải Đông Nam Á và vòng chung kết châu Á. Họ tập luyện chủ yếu ở sân phụ phía sau Mỹ Đình, cư trú tại một khách sạn gần đó.
Đội thứ hai là Olympic Việt Nam của tân HLV trưởng Toshiya Miura đang sửa soạn cho Asian Games Incheon. Họ tập luyện ở sân trung tâm đào tạo trẻ, ăn nghỉ trong khuôn viên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
Đội thứ ba là tuyển quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, khác với hai lứa đàn em, họ chỉ đá giao hữu với Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 6/9.
Đấy là lần hiếm hoi trong lịch sử, 3 đội tuyển Việt Nam tập trung cùng lúc, tại cùng thành phố, chỉ cách nhau vỏn vẹn 1 km (khoảng cách từ sân phụ Mỹ Đình tới sân VFF). Đó cũng là lần hiếm hoi, đội tuyển ít tuổi nhất được quan tâm nhiều nhất, lấn át cả 2 lứa đàn anh, là điều kỳ lạ lần đầu tiên xuất hiện và có lẽ không thể lặp lại trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Cơn sốt U19 Việt Nam hồi năm 2014 là lần hiếm hoi trong lịch sử, một đội tuyển U19 được yêu mến hơn đội U23 và tuyển quốc gia Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Đội bóng nhỏ tuổi nhất được quan tâm nhiều nhất
Những người yêu mến bóng đá Việt Nam hẳn chưa thể quên “cơn sốt U19” hồi năm 2013, 2014. Khi ấy, nền bóng đá đang chạm đáy thất vọng sau 3 năm trắng tay liên tiếp ở đấu trường khu vực của U23 và tuyển quốc gia. Cộng thêm những bê bối sân cỏ và sự đi xuống của chất lượng V.League, bối cảnh ấy đã tạo cơ hội hoàn hảo cho sự xuất hiện của U19 Việt Nam, với nòng cốt là các cầu thủ thuộc lò HAGL JMG của ông bầu Đoàn Nguyên Đức.
Sở hữu lối chơi đẹp mắt, họ mang tới thứ bóng đá khác biệt, giành được những chiến thắng ấn tượng và nhanh chóng chiếm trọn tình yêu nơi người hâm mộ. Tính cả lứa cầu thủ dự World Cup của HLV Hoàng Anh Tuấn, chưa có đội U19 nào trong lịch sử được yêu mến nhiều như thế.
So với các đàn anh Olympic, U19 Việt Nam nhỏ tuổi hơn, mới xuất hiện một năm, còn chưa lên V.League. Họ cũng chỉ tập trung cho một giải U19 Đông Nam Á phiên bản đặc biệt (bản thu gọn, dành cho các đội đã có vé dự giải châu Á). Chiều ngược lại, Olympic Việt Nam lớn tuổi, dày dạn hơn, hầu hết đã chinh chiến V.League. Họ đang chuẩn bị cho một giải đấu chính thức tại Asian Games, đấu trường danh giá nhất châu Á.
Người hâm mộ xếp hàng dài bên ngoài trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tại Giải U19 Đông Nam Á 2014. Ảnh: Minh Chiến. |
Tuy nhiên, đội tuyển càng lớn, giải đấu càng quan trọng thì sự quan tâm càng ít đi. U19 thời điểm ấy thu hút tất cả sự chú ý từ truyền thông và người hâm mộ. Các buổi họp báo, các trận đấu, sự kiện của lứa Công Phượng đều thu hút hàng nghìn người theo dõi. Có những buổi chiều, sân tập của Olympic ở VFF vắng tanh trong khi cách đó một km, cả trăm người hâm mộ và phóng viên túc trực chờ U19 tại Mỹ Đình.
Mạc Hồng Quân nhớ lại: “Bọn em tập và ăn ở tại sân của VFF. Tôi vẫn nhớ người hâm mộ vẫn xếp hàng dài ra tận cửa liên đoàn để mua vé đi xem U19. Đội lúc đó không được yêu mến nhiều như U19. Trước giải, đội không được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, vì thế khi lên đường, tâm lý cả đội khá thoải mái, không nghĩ nhiều tới thắng thua mà chỉ bảo nhau chơi hết mình thôi”.
Với tuyển Việt Nam, tình hình không khác là bao. HLV Miura từng phát cáu vì báo giới hỏi quá nhiều câu so sánh giữa tuyển quốc gia với đội U19. Ngày 6/9, đội tuyển với những ngôi sao Lê Công Vinh, Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết đá giao hữu Hong Kong (Trung Quốc) ở Lạch Tray. Chỉ có hơn 5.000 CĐV tới sân theo dõi.
Cùng thời điểm ấy, tại Mỹ Đình, tất cả trận đấu của U19 Việt Nam đều đông nghịt. Chung kết với U19 Nhật Bản, giá vé bị đẩy lên 4-5 triệu đồng/cặp, hơn 40.000 CĐV ngồi chật kín 4 khán đài.
Dù không được quan tâm, Hồng Quân, Huy Toàn cùng Olympic Việt Nam đã mang tới niềm vui chiến thắng rực rỡ cho bóng đá Việt Nam ở châu Á. Ảnh: Minh Chiến. |
Thất bại của U19 và kỳ tích Olympic Việt Nam hủy diệt Iran
Tuy nhiên, được quan tâm nhiều không có nghĩa là sẽ thành công, ít được chú ý chẳng đồng nghĩa với thất bại.
Ngày 11/9, chung kết giải Đông Nam Á, U19 Việt Nam thua trước Nhật Bản dù chơi rất hay trong 3 trận trước đó. Một tháng sau, họ cay đắng rời giải châu Á sau 3 trận thảm bại, thua 10 bàn, chỉ giành được 1 điểm. Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh đều tịt ngòi.
Ngày 13/9, hai ngày sau cơn sốt U19, địa chấn thực sự mới xảy ra. Olympic Việt Nam đánh bại siêu cường Iran, đội 4 lần vô địch ASIAD. Võ Huy Toàn, Hồng Quân giúp đội bóng của HLV Miura dẫn trước 2-0 chỉ sau 28 phút. Tới hiệp hai, Trần Phi Sơn ghi thêm một bàn trước khi Ngô Hoàng Thịnh ấn định thắng lợi 4-1.
Cả á vận hội, châu Á chấn động. Báo chí và người hâm mộ dành tặng mọi mỹ từ cho Olympic Việt Nam. “Đứa con ghẻ” nay đã trở thành người hùng. Đội bóng của ông Miura hạ tiếp Kyrgyzstan và chỉ chịu dừng bước trước UAE với bàn danh dự của Huy Hùng, người khi đó còn chơi ở giải hạng Nhất.
Phi Sơn nhớ lại: “Chúng tôi không nghĩ là đội thắng được Iran tỷ số 4-1 đâu bởi đội bóng của họ mạnh quá. Trước trận, mọi người chỉ bảo nhau cố ra sân, cố gắng thi đấu thật tốt. Mình không nghĩ là đội đá được như vậy đâu”.
Không được kỳ vọng nhiều, HLV Miura và các học trò bất ngờ mang về vinh quang rực rỡ. Ảnh: Minh Chiến. |
Chia sẻ với Zing, Quế Ngọc Hải kể về những phút nghỉ giữa hiệp một: “Lúc ấy, chúng tôi vừa nghỉ ngơi, vừa nghe HLV căn dặn. Thầy Miura bảo cả đội phải quên 45 phút đó đi. Đối thủ rất mạnh, không được chơi chùng xuống trước phút 80. HLV cũng ngại đối thủ quá mạnh, thầy sợ họ sẽ ngược dòng được. Thầy bảo chỉ cần họ có một bàn sớm khi hiệp hai quay lại thì có khả năng họ sẽ làm được. Bởi thế, chúng tôi phải quên ngay 45 phút đầu tiên”.
Điều ông Miura lo sợ đã không xảy ra, Olympic Việt Nam chơi tiếp hiệp 2 tưng bừng. Họ vượt qua vòng bảng và tiễn Iran về nước luôn. Đấy là lần duy nhất trong lịch sử, Iran dừng bước tại vòng bảng Asian Games.
Từ Iran, cơn bão chỉ trích ập xuống đầu HLV trưởng Nelo Vingada. Cựu tuyển thủ quốc gia Bizan Zolfaghar-nasab giận dữ: “Thất bại này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nếu chúng ta đối đầu với Hàn Quốc hay Nhật Bản và thua đậm, chúng ta có thể tìm được một lời bao biện thực tế bởi đối thủ thuộc những nền bóng đá đẳng cấp cao hơn, tổ chức tốt hơn, có nguồn lực mạnh hơn và được huấn luyện tốt hơn. Khi một đội Việt Nam ở nhóm ba hay nhóm tư châu Á có thể đánh bại chúng ta một cách dễ dàng, đấy là một thảm kịch”.
Đáp lại, Carlos Queiroz, khi đó đang là HLV trưởng tuyển Iran, phải lên tiếng bảo vệ: “Vingada hiểu những gì ông ấy đang làm. Hãy chờ xem mọi thứ ở phía trước. Tôi chắc chắn ông ấy sẽ giành chiến thắng và đạt được thành công trong những trận đấu sắp tới.”
Tuy nhiên, sự bảo vệ của Queiroz lừng lẫy cũng không cứu được Vingada. Trở về từ Hàn Quốc, Vingada bị sa thải. Thầy trò Miura đã khiến cựu HLV trưởng tuyển Bồ Đào Nha mất việc tại Iran.
Ngọc Hải đá chính ở tuyển Việt Nam lần đầu tiên dưới thời ông Miura trước khi làm nên sự nghiệp rực rỡ. Ảnh: Minh Chiến. |
Hồi sinh sau Asian Games
Trước khi tới á vận hội, phân nửa đội hình của HLV Toshiya Miura từng là những bại tướng tại SEA Games 2013 diễn ra trước đó đúng một năm. Chiến thắng trước Iran trên đất Hàn Quốc đã chứng minh năng lực của họ, khẳng định thất bại kia chỉ là nhất thời.
Mạc Hồng Quân chia sẻ: “Trước giải đấu đó, sự nghiệp của tôi cũng rất lận đận. Tôi chuyển CLB nhiều, từ Thanh Hóa xuống tới tận An Giang. Được gọi lên Olympic, có một giải đấu thành công đã cho tôi nhiều thứ và mang tới sự tự tin”.
Những ngôi sao trong kỳ tích Á vận hội sau đấy đều trở thành trụ cột dưới triều đại Miura, phần lớn thành danh tại CLB, có chỗ đứng tại các đội tuyển quốc gia sau này. Ngọc Hải, ở tuổi 21, tỏa sáng tại ASIAD trước khi đá chính tại AFF Cup sau đó vài tháng và giờ là đội trưởng tuyển Việt Nam. Huy Hùng trở thành cầu thủ hạng Nhất duy nhất đá chính tại AFF Cup cuối năm trước khi có một sự nghiệp thành công cả ở CLB và đội tuyển.
Ngọc Hải nhớ lại: “Đó là lần đầu tiên, tôi được thi đấu ở một giải lớn như thế. Trước đó, tôi mới chỉ chơi cho U23 tại SEA Games còn ASIAD là cấp độ hoàn toàn khác. Khi đó, tôi mới 21 tuổi. Sau đó, tôi cùng 4-5 bạn nữa được tập trung tuyển Việt Nam dự AFF Cup. Đó cũng là bước đà đầu tiên giúp tôi có một chỗ đứng trong hàng ngũ tuyển quốc gia Việt Nam”.
“Với cấp độ đội tuyển, thầy Miura là người đầu tiên dẫn dắt tôi. Ông ấy đến từ nền bóng đá số một châu lục là Nhật Bản và đã mang đến cho tôi rất nhiều bài học. Những điều ông ấy chỉ bảo là kim chỉ nam cho tôi trong một quá trình dài từ năm 2014 tới nay. Bước đệm ấy thực sự quan trọng, giúp mình được chỉ dạy, được thi đấu, được hiểu biết nhiều. Ông ấy là bước đà cho tôi cho những thành công sau này”.
Với các đội tuyển, thắng lợi ở Á vận hội Incheon cũng là chiến công lớn đầu tiên của bóng đá Việt Nam sau thời kỳ dài chìm trong bóng tối. Thành tựu ấy cộng với việc vượt qua vòng bảng AFF Cup sau đó vài tháng chính thức giúp bóng đá Việt Nam vượt qua khủng hoảng và giới thiệu thế hệ mới trẻ trung, tài năng.