Hôm 16/4, Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên Nghiệp Việt Nam (VPF) đã thông báo dự định đưa V.League trở lại từ ngày 15/5. Trao đổi với Zing, đại diện CLB Đà Nẵng cho rằng giải đấu trở lại như vậy là quá sớm.
V.League nhiều khả năng trở lại trong một tháng tới là thông tin mới được VPF công bố hôm qua (16/4). Ảnh: Minh Chiến. |
- VPF vừa ra thông báo dự kiến tổ chức lại V.League từ ngày 15/5. Ông thấy đấy có phải là thời điểm phù hợp cho giải đấu?
- Chủ tịch CLB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa: Tôi nghĩ hợp lý hay không còn phải phụ thuộc vào việc Chính phủ có cho phép tổ chức lại các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí chưa? Tôi nghĩ V.League chưa đá lại được ngày 15/5 đâu. Với tình hình dịch bệnh này, làm sao đá được sớm thế, khó lắm. Tôi nghĩ ít nhất cũng phải chờ tới cuối tháng 5.
- Trong các giải pháp đưa V.League trở lại, phương án thi đấu tập trung ở miền Bắc là điều đang được xem xét nghiêm túc. Ông nghĩ thế nào về đề xuất này?
- Tôi nghĩ cứ chờ dịch ổn định rồi làm gì thì làm. Các phương án đá chỗ nọ, chỗ kia, tôi thấy đều không hợp lý. Điều đó thực tế không công bằng với tất cả CLB, mọi người khó chấp nhận hết chuyện này.
Dù VPF đưa ra nhiều phương án, tôi vẫn nghĩ cách tốt nhất là chờ dịch qua đi, giải đấu tổ chức theo đúng điều lệ ban đầu.
VPF đang đau đầu tìm giải pháp đưa V.League trở lại và hình thức tổ chức giải trong mùa bóng 2020. Ảnh: VPF. |
- Nếu giải không thể đá 26 vòng như điều lệ, ông có góp ý nào cho VPF không?
- Tôi nghĩ ta có thể học tập cách làm của một số nước. Như Thái Lan, họ thấy thời gian quá gấp, họ kéo luôn giải xuống cuối năm và đá vắt sang năm mới. Nhật Bản hình như cũng đang muốn đá một lượt. Ta có thể tham khảo họ. Đương nhiên, phương án nào cũng phải tính toán phù hợp với Việt Nam, trong điều kiện con người, phong tục, xã hội Việt Nam. Các anh ở VPF cần suy nghĩ thấu đáo. Họ cũng cần tính toán để tốt nhất cho tuyển quốc gia, để hỗ trợ cho tình hình kinh phí của các CLB.
Về phần mình, tôi nghĩ các phương án hiện giờ đều không hợp lý, ta vẫn nên đá 26 trận sân khách, sân nhà, nhưng đó là trong điều kiện không có dịch.
- Các đội bóng cần bao nhiêu thời gian chuẩn bị trước khi V.League trở lại?
- Trong điều kiện dịch bệnh, ta không nên đòi hỏi các CLB có nhiều thời gian chuẩn bị như bình thường. Chúng ta nên thực tế hơn. Ví dụ nếu giải trở lại ngày 15/5, tôi nghĩ 3 tuần chuẩn bị cho cầu thủ là đủ. Đương nhiên, sẽ tốt hơn nếu các CLB biết trước thời gian giải đấu trở lại.
Các HLV bây giờ chủ yếu cho học trò tập cầm chừng, duy trì sức khỏe thôi. Bản thân VĐV hiện cũng không tập trung vào công việc. Cầu thủ Đà Nẵng vẫn tập luyện nhưng đâu có tập trung được. Họ còn phải nghe ngóng tình hình gia đình ở xa, họ sợ bị giảm lương, sợ dịch bệnh, bị chi phối rất nhiều thứ. Có VĐV cứ hỏi tôi là chú ơi, đội mình có bị trừ lương không, chú ơi, có cho con về nhà không.
CLB Nam Định tập luyện “chay”, duy trì thể lực trong mùa dịch bệnh. Ảnh: Minh Chiến. |
- Ông vừa nói tới vấn đề kinh phí. Đây chắc hẳn là cơn đau đầu khi liên tục phải trả lương dù đội bóng không thi đấu?
- Đúng vậy, một số đội lớn không ảnh hưởng kinh phí nhưng số còn lại đều ảnh hưởng. Ví dụ, nuôi một cầu thủ ngoại tốn bằng 5 nội binh. Tình hình này cứ kéo dài thì mệt lắm. Mà chúng tôi cũng không thể bảo họ rằng mình trừ lương. V.League dừng lại là do mình chứ đâu phải do họ. Họ có ý kiến lại thì giải thích cũng mệt.
- Khi V.League trở lại, giải đấu nhiều khả năng sẽ diễn ra trên sân không khán giả. Ông nghĩ thế nào về điều đó?
- Tôi nghĩ đá không khán giả là phương án nguy hiểm. Không có khán giả nghĩ là vẫn chưa an toàn, vì chưa an toàn nên mới không cho khán giả vào sân. Đá như thế, giải có khi chỉ được một, hai vòng rồi lại phải nghỉ như hồi đầu mùa. Khi đó, chỉ cần có một cầu thủ dính bệnh, cả đội sẽ bị cách ly. Lúc ấy, ta làm thế nào?
Quan điểm chung của tôi là cứ để mọi thứ ổn định lại hết, an toàn hết rồi đá. Và nếu đá được theo điều lệ cũ thì tốt quá, chúng ta không cần nghĩ nữa.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.