Theo CNN, thống kê của Đại học Johns Hopkins tối ngày 15/4 cho thấy số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 2.000.984 người. Số người tử vong vì dịch bệnh trên toàn cầu là 128.071.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh tới thời điểm hiện tại. Tổng số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Mỹ đã lên tới 609.696, đứng đầu thế giới và cao hơn tổng số người nhiễm của 3 nước tiếp theo trong danh sách. Trong khi đó, số ca tử vong tại Mỹ đã lên tới 26.059 trường hợp.
Số người nhiễm Covid-19 trên thế giới đã vượt 2 triệu. Ảnh: AP. |
Tại châu Âu, dịch bệnh bùng phát mạnh nhất tại Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp. Các nước này đã có số người nhiễm vượt 100.000.
Tây Ban Nha hiện đã ghi nhận 177.633 ca dương tính với Covid-19, cao nhất châu Âu và chỉ xếp sau Mỹ. Trong khi đó, số người nhiễm Covid-19 tại Italy đã lên tới 162.488, cao thứ ba trên toàn cầu. Số ca tử vong tại Tây Ban Nha và Italy lần lượt là 18.579 và 21.067 trường hợp.
Vài ngày qua, một số nước châu Âu đã xem xét nới lỏng các biện pháp phong tỏa để tái thiết nền kinh tế khi dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu ổn định. Từ hôm 14/4, Italy và Áo đã mở lại một số cửa hàng với quy mô nhỏ, đi kèm yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giãn cách xã hội và y tế. Đức dự kiến cũng sẽ sớm có biện pháp nới lỏng tương tự.
Trong khi đó, hơn 100 quốc gia đã đề nghị Qũy Tiền tệ quốc tế IMF cứu trợ khẩn cấp do thiệt hại nặng nề mà đại dịch Covid-19 gây ra. Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành IMF, cho biết tổ chức này đã phê duyệt khoản hỗ trợ tài chính cho 10 quốc gia. Khoảng gần 50 quốc gia khác cũng sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ IMF vào cuối tháng 4.
Bà Georgieva dự đoán IMF sẽ cần huy động tới toàn bộ các công cụ hỗ trợ và khoản tiền 1 nghìn tỷ USD hỗ trợ các nền kinh tế thành viên trong bối cảnh nền kinh tế thế giới sẽ lầm vào khủng hoảng sâu trong năm 2020 và chỉ hồi phục một phần vào năm 2021.