638 người đã thiệt mạng vì bạo lực đẫm máu ở Ai Cập.Ảnh: AP. |
Bộ Y tế Ai Cập thông báo 638 người đã chết, khoảng 4.000 người bị thương vì bạo lực tại thành phố Cairo và các địa phương khác trên cả nước. Tuy nhiên, con số cuối cùng có thể lớn hơn, bởi giới chức chỉ thống kê những tử thi mà người ta mang tới bệnh viện, trong khi nhiều thi thể khác nằm trong giáo đường hay trường học. Theo BBC, phóng viên của họ thấy 202 thi thể ở nhà thờ Eman gần trại biểu tình chính ở quảng trường Rabaa al-Adawiya. Bên cạnh đó, nhiều xác chết cũng bị đốt cháy nên việc nhận dạng họ trở nên khó khăn.
Bạo lực vẫn tiếp diễn và lan rộng. Hôm qua, hàng trăm thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo đã đốt một tòa nhà chính phủ gần Cairo. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy lính cứu hỏa đưa các nhân viên ra khỏi tòa nhà. Những người có vũ khí cũng bắn cảnh sát và tấn công các nhà thờ Cơ đốc. Do bạo lực bao trùm cả nước, Bộ Nội vụ cho phép lực lượng an ninh sử dụng biện pháp cứng rắn để đối phó với những người tấn công cảnh sát và các cơ quan chính phủ.
Đài truyền hình Nile News đưa tin, đụng độ cũng xảy ra giữa thành viên Anh em Hồi giáo và người dân ở ngoại ô Alexandria, thành phố lớn thứ hai ở Ai Cập. Theo nhiều nguồn tin an ninh, 7 binh sĩ Ai Cập bị bắn chết gần thành phố El Arish, vùng Sinai.
Trong nỗ lực phục hồi lực lượng và sức mạnh, Tổ chức Anh em Hồi giáo kêu gọi những người ủng hộ biểu tình trong ngày 16/8 để thể hiện sự bất tuân của họ đối với lệnh giới nghiêm mà chính phủ vừa ban bố.
Người biểu tình đốt tòa nhà chính phủ ở Giza. |
Hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố hủy cuộc tập trận hai năm một lần với Ai Cập để phản đối việc đàn áp người biểu tình. Ông Obama cảnh báo Ai Cập đã đi vào “con đường nguy hiểm hơn” nhưng không nhắc đến việc ngừng khoản viện trợ quân sự 1,3 tỷ USD hàng năm. Trước đó Mỹ tránh gọi việc truất phế ông Morsi là cuộc đảo chính, vì nó sẽ buộc Washington phải cắt viện trợ.
Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel khẳng định Mỹ vẫn sẽ duy trì mối quan hệ quân sự với Ai Cập. Tuy nhiên, ông nói rằng tình trạng bạo lực hiện nay gây ra những nguy cơ trong sự hợp tác quân sự lâu dài giữa hai nước.
Ngoài Mỹ, Liên Hiệp Quốc và các nước khác vẫn tiếp tục lên án mạnh mẽ tình hình ở Ai Cập. Navi Pillay, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền vừa đề nghị mở một cuộc điều tra độc lập và khách quan về xung đột tại Ai Cập. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan miêu tả bạo lực ở Ai Cập là “cuộc tàn sát rất nghiêm trọng”.
Anh cũng cảnh báo đại sứ Ai Cập rằng London “lo ngại sâu sắc” vì cuộc đàn áp đẫm máu với người ủng hộ cựu tổng thống Mohammed Morsi. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa triệu tập đại sứ tại Ai Cập về nước và nói rằng Cairo “cần phải thực hiện mọi thứ để tránh một cuộc nội chiến”.