Hôm qua, cảnh sát Ai Cập, với sự hỗ trợ của xe bọc thép, xe ủi và trực thăng, đã tiến vào hai khu trại của những người ủng hộ tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi để dỡ lều, trại. Những người biểu tình đã chống lại lực lượng an ninh khiến nhiều vụ đụng độ đường phố bùng phát tại Cairo và vài thành phố khác tại Ai Cập.
Một cảnh sát đá người ủng hộ tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi trong khu trại của người biểu tình gần Đại học Cairo hôm 14/8. Ảnh: AP. |
Phó tổng thống lâm thời Mohamed ElBaradei, cựu tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và từng nhận giải Nobel Hòa bình, đã từ chức để phản đối chủ trương trấn áp biểu tình bằng bạo lực của chính phủ, AP đưa tin.
Bộ Y tế Ai Cập thông báo 421 dân thường thiệt mạng và hơn 3.572 người bị thương trong các vụ đụng độ. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Mohammed Ibrahim nói những người biểu tình đã tấn công 21 đồn cảnh sát và 7 nhà thờ Coptic trên khắp cả nước, đồng thời chiếm trụ sở Bộ Tài chính ở thủ đô.
Với ít nhất 278 người chết, hôm qua trở thành ngày đẫm máu nhất tại Ai Cập kể từ khi người dân biểu tình trong 18 ngày để lật đổ cựu tổng thống Hosni Mubarak vào năm 2011.
Nga, nhiều nước phương Tây và các nước Hồi giáo đã lên án bạo lực tại Ai Cập. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng bạo lực đã giáng một đòn mạnh vào các nỗ lực hòa giải chính trị tại Ai Cập.
Một lều của người biểu tình tại thành phố Cairo bốc cháy hôm 14/8. Ảnh: AP. |
Chính phủ Ai Cập đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước và áp đặt lệnh giới nghiêm đối với thành phố Cairo cùng nhiều tỉnh khác từ 19h tới 6h sáng hôm sau. Tình trạng khẩn cấp có thể kéo dài trong một tháng. Nhà chức trách đang truy nã nhiều lãnh đạo của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, lực lượng đã phát động làn sóng biểu tình.
Ông Hazem Beblawi, Thủ tướng lâm thời Ai Cập, khẳng định rằng dẹp lều, trại của người biểu tình là hành động cần thiết để khôi phục an ninh trên khắp cả nước. Beblawi bày tỏ sự thương tiếc đối với những người thiệt mạng, đồng thời nói rằng chính phủ sẽ sớm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp.