Số ca nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) tại Trung Quốc trong tuần qua dường như đã chững lại, cho thấy nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh có hiệu quả.
Tuy nhiên, đến hôm 13/2, số ca nhiễm mới tại riêng tỉnh Hồ Bắc tăng thêm 14.840 người, khiến tổng số ca nhiễm lên tới 48.206 trường hợp. Số ca tử vong tại tỉnh Hồ Bắc tăng lên 1.310 người, với 242 ca mới.
Số ca nhiễm mới tăng vọt do tỉnh Hồ Bắc thay đổi phương pháp chẩn đoán và xác định bệnh nhân nhiễm bệnh. Điều này cũng cho thấy các nhà khoa học đang gặp khó khăn trong việc nắm bắt mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, đặc biệt là bên trong tâm chấn, nơi hàng nghìn người bệnh vẫn chưa được xét nghiệm, theo New York Times.
Thay đổi phương pháp chẩn đoán
Hồ Bắc cho biết họ thay đổi phương pháp tính số ca nhiễm từ ngày 13/2 với phương pháp lâm sàng mới.
Từ tuần trước, truyền thông Trung Quốc cho biết Hồ Bắc sẽ chấp nhận các kết quả xét nghiệm bằng chụp CT phổi đối với virus corona, cho phép bệnh viện có thể cách ly các ca nhiễm nhanh hơn. Trước đó việc thiếu các thiết bị kit RNA đã khiến việc xét nghiệm và phân loại bệnh nhân ở tỉnh này bị chậm.
Công nhân quét dọn vệ sinh tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng chụp CT phổi là phương pháp nguy hiểm để chẩn đoán người bệnh. Ngay cả bệnh nhân bị cúm theo mùa thông thường cũng có biểu hiện viêm phổi khi chụp CT.
"Chúng ta đang rơi vào tình thế khá mông lung", tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt ở Nashville, Mỹ, nhận định.
Tại Trung Quốc, các quan chức y tế đang vô cùng căng thẳng. Bệnh viện chính quá tải trong khi nhiều bệnh viện dã chiến đang được dựng lên. Vật tư y tế cạn kiệt và rất khó xác định bệnh nhân nào đã được xét nghiệm.
Nhân viên y tế đi đến từng nhà ở Vũ Hán để kiểm tra triệu chứng của người dân. Một số chuyên gia cho rằng lệnh phong tỏa toàn thành phố có thể cản trở nhiều người mắc bệnh đường hô hấp đến cơ sở y tế thăm khám, khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn.
Tuần trước, một bác sĩ ở Vũ Hán kêu gọi trên mạng xã hội để sử dụng phương pháp chụp CT phổi, nhằm đơn giản hóa việc sàng lọc bệnh nhân và đẩy nhanh tiến trình nhập viện điều trị.
Chụp CT phổi cho kết quả tức thì trong khi đó Vũ Hán đang thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm, theo tiến sĩ Arthur Reingold, nhà dịch tễ học tại Đại học California, Berkeley, Mỹ.
Phương pháp mới có hiệu quả?
Từ khi bùng phát dịch bệnh, giới chuyên gia phàn nàn rằng Trung Quốc không cung cấp đủ thông tin khiến cho nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh chưa hiệu quả.
Virus corona chủng mới có khả năng lây nhiễm cao và sẽ khó ngăn chặn. Nếu một cá nhân được xác định có khả năng "siêu lây lan", người này có thể lây bệnh cho hàng chục người khác.
Nhân viên y tế đang kiểm tra ống xét nghiệm Covid-19 tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ảnh: AP. |
Tình trạng bùng phát dường như chỉ lắng xuống để nhanh chóng bùng lên trở lại khi thời tiết và các điều kiện ngoại cảnh thay đổi, theo New York Times.
Nhiều trường hợp lây nhiễm thời gian gần đây cho thấy virus corona chủng mới không chỉ lây lan nhanh mà còn theo cách chưa được xác định.
Tại Hong Kong, cư dân sống cách nhau 10 tầng nhà cũng bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân được cho là từ một đường ống chưa niêm phong. Một công dân Anh bị coi là người "siêu lây lan" vì lây bệnh cho 10 người khác trước khi phát hiện mình bị bệnh.
Tại Thiên Tân, Trung Quốc, ít nhất 33 trong số 102 bệnh nhân được xác nhận có mối liên hệ nào đó với một cửa hàng bách hóa lớn.
"Tình trạng bùng phát này vẫn có thể diễn ra theo bất kỳ hướng nào", tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết hôm 12/2.
Thay đổi phương pháp chẩn đoán có thể khiến việc theo dõi virus corona trở nên khó khăn hơn, theo tiến sĩ Peter Rabinowitz, đồng giám đốc của trung tâm MetaCenter về phòng chống đại dịch và an ninh y tế toàn cầu thuộc Đại học Washington, Mỹ.
"Giờ thật khó hiểu nếu họ thay đổi cách sàng lọc và xác định bệnh nhân", ông Rabinowitz nhận định và cho biết thêm hiện tại việc ước tính quy mô của bệnh dịch giống như nhắm vào "mục tiêu đang di chuyển".
Các nhà khoa học vẫn thường điều chỉnh tiêu chuẩn chẩn đoán khi có thêm kiến thức về một căn bệnh mới. Tuy nhiên khi tiêu chí được thay đổi, việc so sánh số liệu giữa các tuần sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
"Nghe có vẻ đơn giản, nhưng điều rất quan trọng là bạn đang thống kê những con số nào?", chuyên gia Schaffner về bệnh truyền nhiễm cho biết.
Nhân viên y tế tại bệnh viện chữ thập đỏ ở Vũ Hán. Ảnh: AFP. |
Giới khoa học mông lung
Vì một số lý do khác, các nhà khoa học cũng cảnh giác trước quan điểm cho rằng bệnh dịch hiện nay đã đạt đỉnh. Không giống như MERS và SARS, cả hai bệnh do virus corona gây ra, bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) bắt nguồn từ Trung Quốc dường như rất dễ lây lan, dù tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Điều này khiến các quan chức y tế khó theo dõi và kiểm soát dịch. Các nhà khoa học thường mô tả những dịch bệnh loại này như tảng băng trôi với hình dạng thật ẩn dưới bề mặt.
Tình trạng hỗn loạn khiến việc phân biệt xu hướng lây lan trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, cần phải nắm bắt chính xác tình hình tại Trung Quốc, từ đó mới có thể đảm bảo an toàn cho các nước khác, Giám đốc Tedros của WHO nhận định.
Đất nước này là trung tâm của nền kinh tế thế giới và do đó nó có thể dễ dàng "reo rắc" dịch bệnh ở khắp mọi nơi, ông nói thêm.
"Điều chúng tôi lo sợ nhất vẫn là thiệt hại mà Covid-19 có thể gây ra ở một số quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo", tiến sĩ Tedros nói, đề cập đến Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi đang phải vật lộn với dịch Ebola và sởi.
Christine Kreuder Johnson, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California, cho rằng: "Nhiệm vụ quan trọng là quản lý công tác ứng phó một cách hiệu quả. Điều này là cần thiết với bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đang ở trong vùng tối và không biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo".