Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sở chỉ huy bí mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Do Sở chỉ huy Nà Tấu được thiết lập để sử dụng trong một thời gian ngắn, các công sự chỉ làm tạm thời để tránh phi pháo, nên không còn dấu vết.

Do Sở chỉ huy Nà Tấu được thiết lập để sử dụng trong một thời gian ngắn, các công sự chỉ làm tạm thời để tránh phi pháo, nên ngày nay không còn dấu vết. Chỉ có những bụi ngải cứu mà Đại tướng đắp lên đầu vào đêm trước cuộc họp Đảng ủy sáng 26/01 năm ấy thì vẫn còn mọc đầy các nương rẫy xung quanh.

- Sở chỉ huy thứ ba và cũng là Sở chỉ huy chính thức của chiến dịch Điện Biên Phủ được thiết lập ở khu rừng Mường Phăng, cách Mường Thanh 15 km theo đường chim bay. Sở chỉ huy này hoạt động trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch cho đến ngày toàn thắng (từ 31/1 đến 15/5/1954). Tại đây đã diễn ra các Hội nghị Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch, các Hội nghị cán bộ cấp Đại đoàn hoặc Trung đoàn trở lên để phổ biến kế hoạch tác chiến và giao nhiệm vụ cho các đơn vị.

Đặc biệt tại đây, vào những ngày đầu hạ tuần tháng 4/1954, đã diễn ra một cuộc Hội nghị quan trọng: tranh chống những biểu hiện hữu khuynh tiêu cực trước khi bước vào đợt ba của chiến dịch.

Dai tuong Vo Nguyen Giap anh 1

Theo phương án đánh nhanh, thắng nhanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao nhiệm vụ cho các đơn vị trên sa bàn tại Sở chỉ huy ở hang Thẩm Púa. Ảnh tư liệu

Bí thư Tổng quân ủy kiêm bí thư Đảng ủy chiến dịch đã nói những lời tâm huyết: “Đảng tin cậy các đồng chí. Đảng giao cho các đồng chí những đảng viên trung thành của Đảng, những chiến sĩ anh dũng của quân đội mà Đảng đã tốn bao công phu giáo dục rèn luyện.

Mỗi một cán bộ Tiểu đoàn chỉ huy hàng trăm chiến sĩ, nghĩa là chịu trách nhiệm trước sinh mệnh và tương lai của hàng trăm chiến sĩ; cán bộ Trung đoàn chịu trách nhiệm trước hàng nghìn chiến sĩ; cán bộ Đại đoàn chịu trách nhiệm trước hàng vạn chiến sĩ thanh niên ưu tú của Đảng và Quân đội. Thế nhưng các đồng chí chưa hiểu thật đầy đủ trách nhiệm nặng nề đó...”.

Những lời tâm huyết đó đã nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần tự phê bình nghiêm khắc của cán bộ, mở đầu cho cuộc đấu tranh chống hữu khuynh tiêu cực trên toàn mặt trận, tạo nên khí thế mới, sức mạnh mới để tiến lên giành toàn thắng.

Để đảm bảo an toàn cho Sở chỉ huy, hạ tuần tháng 3/1954, Đại đội vệ binh đã đào một đường hầm dài hơn 50 mét, xuyên qua ngọn đồi, nối liền lán ở và làm việc của Chỉ huy trưởng và Tham mưu trưởng. Đường hầm đến nay vẫn còn dấu tích và đang được tôn tạo.

Sau lưng Sở chỉ huy về hướng tây nam là một ngọn núi có tên Pú Đồn, đi bộ lên khoảng 60 phút. Đây là nơi Chỉ huy trưởng và Tham mưu trưởng chiến dịch thường lên nhìn về phía Mường Thanh để quan sát toàn cảnh trận địa bằng ống nhòm có bội số quang học cao.

Về phía nam, đi bộ khoảng nửa giờ là tới thác nước đầu nguồn một con suối chảy xuống Mường Phăng, cung cấp nước cho Sở chỉ huy. Đây là nơi Bộ chỉ huy chiến dịch đã tới chụp ảnh lưu niệm vào đầu Xuân Giáp Ngọ. Tấm ảnh này lâu nay vẫn bị chú thích sai là “Sở chỉ huy chiến dịch ở hang Thẩm Púa”, có sách ghi là ở Nà Tấu.

Hoàng Minh Phương/NXB Trẻ

SÁCH HAY