Trong dịp Tết Giáp Ngọ (1954), để động viên cán bộ và chiến sĩ các đơn vị trước khi bước vào trận đánh lịch sử, Bác Hồ đã có một món quà đặc biệt gởi tặng các chiến sĩ Điện Biên Phủ. Mỗi người được Bác tặng một chiếc ca sắt tráng men có nắp, dùng để pha trà và uống nước, cao khoảng 10 cm, đường kính 7cm, sơn màu ngà (vàng nhạt), có in 3 lá cờ Việt-Trung-Xô rất đẹp, dưới có in hàng chữ “Quyết chiến quyết thắng”.
Quà đến đúng vào những ngày đầu xuân nên cán bộ chiến sĩ vô cùng phấn khởi. Cùng với quà và thư chúc Tết của Bác là thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt, của Đại tướng Tổng tư lệnh và thư nhà kể chuyện hậu phương đang tưng bừng khí thế cách mạng, dốc sức chi viện cho chiến trường.
Có chiến sĩ ngắm mãi chiếc ca Bác tặng và say sưa nói “Tớ phải gói cái ca này lại thật kỹ, cất vào ba lô, bao giờ lập công được đi dự tiệc mới lấy ra!”.
Có chiến sĩ tươi cười tuyên bố: “Ca này làm lọ cắm hoa danh dự đế trang trí cho hầm tiểu đội, chào mừng Tết hữu nghị Việt- Trung-Xô”.
Có chiến sĩ xúc động lấy ngay giấy bút hí hoáy viết thư cám ơn Bác, chúc Bác khỏe mạnh, sống lâu và hứa cùng đồng đội không quản gian khổ hy sinh, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ.
Nguồn ảnh: Đảng bộ Tỉnh Tuyên Quang. |
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy mặt trận đã lần lượt làm việc ở 3 Sở chỉ huy:
- Sở chỉ huy đầu tiên được đặt tại hang Thẩm Púa ở phía Nam cầu Bản Pó (Km14, 680 trên đường Tuần Giáo đi Mường Thanh). Bộ phận đi trước của Bộ Tổng tư lệnh tiền phương do Thiếu tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái phụ trách đã vào đây từ ngày 06/12/1953.
Ngày 07/12 đã triển khai kế hoạch đánh quân địch ở Lai Châu rút chạy, đi đôi với bao vây quân địch ở Điện Biên Phủ, chốt chặn không cho chúng rút chạy về Thượng Lào. Tiếp đó đã triển khai công tác chuẩn bị chiến dịch mà trọng tâm là mở rộng đường Tuần Giáo đi Nà Nham (70km).
Ngày 12/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến Sở chỉ huy này họp Đảng ủy chiến dịch rồi họp Hội nghị cán bộ quân chính từ cấp Trung đoàn trở lên vào ngày 14/01 để phổ biến kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”. Ngày nổ súng là 20/01/1954. Do vậy, có thể gọi Sở chỉ huy ở Thẩm Púa là Sở chỉ huy đánh nhanh thắng nhanh. Sau 50 năm, nay ở đây chỉ còn cái hang, các lán trại không còn dấu vết.
- Sở chỉ huy thứ hai được thiết lập từ sáng 18/01/1954 trong một khu rừng gần suối Huổi He thuộc bản Nà Tấu. Vị trí này nằm trên đường Tuần Giáo đi Mường Thanh, đến Km 62 (nay là Km 55 do đường được nắn lại) thì rẽ phải, đi khoảng 2,5 km là đến. Bộ chỉ huy chiến dịch chuyển vào đây cho gần mặt trận và gần các đơn vị để tiện chỉ huy đánh trong 3 đêm 2 ngày.
Do việc kéo pháo bằng sức người vào trận địa phải kéo dài nên ngày nổ súng lùi đến 25 rồi 26/01/1954. Sau khi đã có đủ căn cứ để khẳng định đánh sớm đánh nhanh thì thất bại, sáng 26/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập Hội nghị Đảng ủy chiến dịch ở Sở chỉ huy này để đề nghị thay đổi phương châm tác chiến.
Hội nghị đã bàn bạc và nhất trí hoãn cuộc tiến công vào chiều hôm đó, lệnh kéo pháo ra, lui quân về vị trí tập kết để có sự chuẩn bị đầy đủ hơn, bảo đảm đánh chắc thắng. Chính vì vậy, Sở chỉ huy Nà Tấu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là nơi chứng kiến một quyết định lịch sử - quyết định thay đổi phương châm và cách đánh chiến dịch - dẫn đến một thắng lợi vĩ đại có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp giải phóng dân tộc không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới.