Trung tâm đề kháng Him Lam nằm ở phía Đông Bắc lòng chảo Điện Biên Phủ, trên con đường 41 từ Tuần Giáo vào, có nhiệm vụ bảo vệ tập đoàn cứ điểm từ xa. Địch bố trí ở Him Lam một tiểu đoàn lê dương tinh nhuệ từng lập công xuất sắc trên chiến trường Bắc Phi trong Thế chiến thứ hai.
Chúng đóng trên ba cứ điểm, cách nhau từ 200 đến 300 m, tạo thành thế chân kiềng để bảo vệ lẫn nhau. Mỗi cứ điểm đều có công sự nhiều tầng nối với các lô cốt, ụ súng thành những điểm tựa vòng tròn rất vững chắc. Xung quanh từng cứ điểm và cả trung tâm đề kháng là bãi mìn và hàng rào kẽm gai dày đặc có nơi dày đến hai trăm mét.
Địch được trang bị nhiều trung liên, đại liên, súng phun lửa, súng cối, pháo không giật, bazooka... lại còn được trọng pháo 105 và 155 ly ở Mường Thanh và Hồng Cúm luôn sẵn sàng yểm hộ. Lực lượng cảnh giới vòng ngoài còn được trang bị kính ngắm ban đêm bằng tia hồng ngoại để phát hiện mục tiêu. Địch coi Him Lam là trung tâm đề kháng mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm.
Bộ đội ta xông lên đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
Theo kế hoạch đã định, từ đêm 11/3/1954 bộ đội ta bắt đầu đào chiến hào xuất phát xung phong nối từ các chiến hào đã đào trước đó, dần dần tiến sát vào cứ điểm giặc. Ta định 16 giờ ngày 13/3/1954, pháo binh ta sẽ bắt đầu nã đạn để chuẩn bị cho trận mở màn chiến dịch.
Nhưng 12 giờ trưa hôm ấy, địch phát hiện các trận địa xuất phát xung phong của ta chỉ còn cách chúng 200 mét, bèn cho quân ra đánh phá. Đại đội lựu pháo 806 của ta được lệnh bắn trước 20 quả vào Him Lam, vừa để ngăn chặn bọn địch ra phá trận địa ta, đồng thời bắn vào sân bay và khu trung tâm Mường Thanh để kiểm tra mức độ chính xác.
Sau đó, cả 40 khẩu từ 75, 105 đến 120 ly đồng loạt nhả đạn. Lần đầu xuất trận, pháo ta đã bắn trúng ngay Sở chỉ huy địch ở Him Lam và phân khu trung tâm, phá sập một số công sự, giết chết Thiếu tá Pégaux chỉ huy cụm cứ điểm Him Lam và tên chỉ huy phân khu trung tâm (Trung tá Gaucher bị thương nặng cũng chết sau đó) cùng một số sĩ quan tham mưu của Pháp ngay từ những phát đầu tiên.
Loạt pháo đầu còn phá hủy 5 máy bay ở sân bay Mường Thanh cùng 12 khẩu đại bác và súng cối của địch. Ngoài ra, đạn pháo còn rơi trúng kho xăng và kho bom napalm khiến cả thung lũng Điện Biên lửa cháy ngút trời. Đây quả là một bất ngờ lớn cho địch.
Đúng 17 giờ 05 phút, cuộc tiến công hiệp đồng binh chủng bắt đầu. Trung đoàn 141 và Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312, từ ba hướng tiến công vào ba cứ điểm ở Him Lam. Sau 1 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm số 3. Cứ điểm số 2 cũng nhanh chóng tan rã sau 2 giờ kịch chiến.
Riêng cuộc chiến đấu ở cứ điểm số 1 diễn ra quyết liệt bởi lúc này, sau nhiều giờ bị tê liệt, pháo binh địch ở Mường Thanh đã dần dần hoàn hồn và bắn trả dữ dội. Chúng bắn 6000 quả đại bác vào đội hình tiến công của ta và những nơi chúng nghi là trận địa pháo binh ta.
Hỏa lực ngầm của địch xuất hiện, nhiều chiến sĩ hy sinh trước cửa mở, có trung đội đột phá thương vong gần hết, nhưng số còn lại vẫn quyết tâm xông lên làm nhiệm vụ. Đơn vị dự bị được tung vào chiến đấu, kế hoạch hỏa lực được nhanh chóng bổ sung, lực lượng đột phá được chấn chỉnh để tiếp tục mở đường cho lực lượng xung kích tiến vào cứ điểm.
Đến 22 giờ 30 phút, quân ta hoàn toàn làm chủ cụm cứ điểm Him Lam. Tiểu đoàn lê dương gồm 750 tên thiện chiến, bị tiêu diệt hơn 300 tên, còn lại đều bị bắt sống. Hôm sau, 14/3, vì nhân đạo, ta đã cho Trung úy Turpin, một trong số tên vừa bị bắt, chuyển thư đến de Castries cho phép đưa xe cứu thương tới Him Lam thu nhặt xác chết và mang thương binh về. Cũng ngày này, Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 pháo cao xạ đã lập công bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên ở Điện Biên Phủ.