- Căn cứ việc rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca xuống 6 tuần.
- Số tuyệt đối ca nhiễm nCoV mới ghi nhận mỗi ngày tại TP.HCM vẫn nhiều nhưng so với tỷ lệ xét nghiệm thì giảm. Số ca tử vong ở TP tiếp tục giảm.
- TP.HCM chưa trao đổi với Bộ Y tế về Bộ tiêu chí kiểm soát dịch.
- Biện pháp kiểm soát shipper hoạt động trên địa bàn.
- Điều kiện để người dân ở vùng xanh được tự đi chợ.
16/9 là ngày đầu tiên TP.HCM nới lỏng một số hoạt động sau gần một tháng tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội. Tham dự họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM có nhiều đại diện các sở, ngành của TP.
Lý do rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca
Tại họp báo, Zing đặt câu hỏi về việc tại sao Sở Y tế rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi vaccine AstraZeneca.
Trả lời, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết mỗi loại vaccine có thời gian tiêm 2 mũi khác nhau. Đa số dao động 3-4 tuần, riêng AstraZeneca là 8-12 tuần.
Thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn cho thấy trong tình huống đặc biệt có thể rút ngắn thời gian tiêm của mũi 2 AstraZeneca xuống 6 tuần.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Thực tế thời gian đầu của dịch, một số đơn vị đã áp dụng cách này. Ví dụ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, có trường hợp tiêm mũi 1 khoảng tháng 2, cách 6 tuần thì tiêm mũi 2 và vẫn rất hiệu quả. Đề xuất rút ngắn thời gian tiêm của 2 mũi AstraZeneca nhằm giúp TP.HCM nhanh chóng phủ mũi 2 để đáp ứng miễn dịch nhanh nhất.
Số ca nhiễm ghi nhận vẫn nhiều, số ca tử vong giảm
Về việc TP.HCM giãn cách trong thời gian dài nhưng số ca nhiễm vẫn tăng, ông Nam lý giải TP.HCM áp dụng thần tốc xét nghiệm. Nhiều vùng nguy cơ đã xét nghiệm tới 7-8 vòng, vùng xanh hầu hết đã làm 3 vòng, có nơi làm tới 4 vòng xét nghiệm. Việc xét nghiệm tầm soát diện rộng khiến việc ghi nhận số ca tiếp tục tăng. Nhưng số ca hiện chỉ dao động trong khoảng 4.000-6.000 mỗi ngày.
Sau khi xét nghiệm, Sở Y tế nhận thấy tỷ lệ nhiễm giảm đáng kể. Cụ thể, đợt 1 từ 23/8 đến 27/8, tỷ lệ dương tính vùng đỏ, cam là 3,6%. Nhưng đến đợt 2 còn 2,7% và sau khi kết thúc đợt 3 chỉ còn 1,1%. Tức là dù số tuyệt đối lớn nhưng tỷ lệ giảm rất đáng kể, số ca dương tính vẫn còn.
Thời gian tới, TP vẫn rà soát, làm đi làm lại tối thiểu 2-3 lần xét nghiệm nhằm bóc tách hoàn toàn F0 trong cộng đồng.
Về việc một số địa phương đưa nước chanh sả, xuyên tâm liên và dược liệu vào điều trị F0, ông Nam cho biết dịch bệnh Covi-19 còn mới với cả Việt Nam và thế giới. Sở Y tế hoan nghênh các địa phương tìm tòi biện pháp điều trị sao cho người bệnh mau chóng hồi phục. Tuy nhiên, ông lưu ý cần áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong chăm sóc người bệnh.
"Dù chăm sóc bằng phương thức nào, để người bệnh tốt hơn đều đáng ghi nhận", ông nói.
Số ca tử vong tại TP.HCM từ 22/8 | ||||||||||||||||||||||||||
Nguồn: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM | ||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 22/8 | 23/8 | 24/8 | 25/8 | 26/8 | 27/8 | 28/8 | 29/8 | 30/8 | 31/8 | 1/9 | 2/9 | 3/9 | 4/9 | 5/9 | 6/9 | 7/9 | 8/9 | 9/9 | 10/9 | 11/9 | 12/9 | 13/9 | 14/9 | 15/9 | |
Ca tử vong | Ca | 340 | 292 | 266 | 242 | 287 | 271 | 256 | 245 | 335 | 303 | 217 | 250 | 256 | 222 | 233 | 253 | 268 | 203 | 195 | 188 | 200 | 228 | 199 | 189 | 160 |
Xu hướng ca tử vong | 340 | 292 | 266 | 242 | 287 | 271 | 256 | 245 | 335 | 303 | 217 | 250 | 256 | 222 | 233 | 253 | 268 | 203 | 195 | 188 | 200 | 228 | 199 | 189 | 160 |
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, thông tin ngày 15/9, TP chỉ có 160 ca tử vong. Con số này tương đương giai đoạn đầu tháng 8.
Kể từ khi TP.HCM tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội (23/8), số ca tử vong liên tục giảm.
TP.HCM đang tính toán để có ý kiến với Bộ Y tế về bộ tiêu chí kiểm soát dịch
Tại họp báo, Zing đặt câu hỏi về quan điểm của Sở Y tế với Bộ tiêu chí kiểm soát dịch mà Bộ Y tế ban hành.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết hiện các chuyên gia đang tính toán và đang họp để có ý kiến về bộ tiêu chí. Hiện, TP chưa có thông tin đầy đủ.
"Trong thời gian gần nhất, khi có đầy đủ thông tin và góp ý, Sở sẽ thông tin đến báo chí", ông Nam nói.
Tại sao tỷ lệ tiêm tại một số địa phương thấp?
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, lý giải tỷ lệ tiêm chủng chưa cao tại quận 3, 4 và Bình Tân. Ông Tâm cho biết trong dữ liệu tiêm chủng, dân số của TP.HCM được lấy số liệu thống kê từ ngày 30/6, thời điểm này dân cư tại TP.HCM còn đông đúc. Nhưng sau đó, một lượng lớn người dân ngoại tỉnh đã di chuyển về quê.
"Điều này cho thấy mẫu số (số liệu dân số - PV) trước đây so với bây giờ thực tế không phù hợp. TP.HCM đã cơ bản tiêm xong hết mũi 1 cho những người có thể tiêm tại TP.HCM. Con số hiện thời không phản ánh chính xác tình hình tiêm chủng hiện nay", ông Tâm nói.
Bên cạnh đó, công tác nhập liệu còn chậm trễ tại một số địa phương khiến dữ liệu trên cổng thông tin tiêm chủng chưa chính xác.
Nhiều địa phương chưa cấp hết giấy đi đường
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Giám đốc Công an TP đã giao phòng tham mưu PC01 cấp bổ sung giấy đi đường cho người thuộc diện được cho phép trong Công văn 3072.
Qua tổng hợp kết quả, nhìn chung, ông Hà cho biết hơn 2/3 quận/huyện, phường/xã vẫn còn giấy đi đường chưa cấp trước thời điểm 15/9. Tuy nhiên, sau 15/9, Công an TP sẽ cấp thêm để các đơn vị cấp cho người dân tại địa phương.
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc người dân ngoại tỉnh tại TP.HCM có được về quê và ngược lại. Trả lời, ông Hà cho biết người dân từ thành phố đi tỉnh khác phải đăng ký và có sự tiếp nhận của địa phương đến, còn việc di chuyển giữa các địa phương cần chỉ đạo thống nhất từ cơ quan Trung ương.
Quan điểm của Công an TP.HCM là khi nhận được bất kỳ văn bản nào đề xuất để người dân về quê, công an đều đồng ý và báo cáo lên thành phố. Ông Hà chỉ bày tỏ băn khoăn về việc người dân liên hệ đơn vị nào để có hướng dẫn về y tế.
“Khi đi đến các tỉnh, người dân không nắm được quy định lại buộc phải quay đầu, nội dung này chưa có quy định thống nhất. Thời gian tới, Công an TP sẽ tham mưu cho UBND TP để thống nhất và Công an TP sẽ cung cấp thông tin sau”, ông Hà cho biết.
Kiểm soát shipper lưu thông trên đường bằng nhận diện, trang phục
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết theo kế hoạch kiểm soát giãn cách xã hội từ 16/9, Công an TP.HCM quy định một số biện pháp kiểm soát đối với lực lượng lưu thông trên đường. Trong đó, shipper không thuộc diện được Công an TP.HCM cấp giấy đi đường, việc kiểm soát thông qua nhận diện, đặc điểm, trang phục, thẻ, đơn hàng, băng tay.
Shipper phải khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an, đồng thời có giấy xét nghiệm âm tính trong 2 ngày. Sở Công Thương gửi Công an TP danh sách shipper đăng ký hoạt động, từ đó, Công an TP.HCM sẽ cập nhật vào phần mềm VN-eID của Bộ Công an để kiểm soát.
Thượng tá Lê Mạnh Hà. Ảnh: Chí Hùng. |
Về kế hoạch kiểm soát của Công an TP.HCM sau 16/9, thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay Giám đốc Công an TP đã ban hành thông báo số 3660 để triển khai, thực hiện công văn 3072 của UBND TP. Trong đó có quy định các phương thức kiểm soát lưu thông trên đường.
Theo đó, shipper theo quy định mới được giao hàng liên quận, huyện, với điều kiện xét nghiệm mẫu gộp 2 ngày/lần. Nhân viên giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp hoạt động trong quận, huyện theo chỉ đạo UBND TP; phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.
Công an TP.HCM cũng giải quyết các vướng mắc liên quan việc đi đường của khối ngành luật sư tham gia tố tụng có văn bản yêu cầu của Cơ quan tố tụng. Luật sư phải có thẻ, khai báo y tế của Bộ Công an…
Trong khi đó, theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương, sau khi TP.HCM cho phép shipper hoạt động liên quận thì số lượng đăng ký tăng lên rất nhiều. Hai ngày nay, các doanh nghiệp đang tập trung hỗ trợ shipper thủ tục đăng ký, rà soát đủ điều kiện, đáp ứng đúng yêu cầu mới được hoạt động.
Theo thông tin báo cáo ngày 14/9, tổng shipper hoạt động là 20.284 người và đã giao nhận được 414.109 đơn hàng.
"Hôm nay, chắc chắn số lượng tăng cao hơn rất nhiều. Hiện đã có hơn 30.000 shipper đã tiêm mũi 1, đủ thời gian tham gia hoạt động theo đúng quy định. Số lượng này sẽ được phép đăng ký", ông Phương cho hay.
Theo Sở Công Thương, điểm trung chuyển hàng hóa Chợ đầu mối Bình Điền đã hoạt động trở lại từ 7/9. Điểm trung chuyển hàng hóa Chợ đầu mối Thủ Đức dự kiến hoạt động lại vào đêm nay và Chợ đầu mối Hóc Môn dự kiến là 0h ngày 19/9.
Shipper mất thời gian tìm đường trong ngày đầu hoạt động trở lại
Đánh giá bước đầu tình hình hoạt động của shipper trong ngày 16/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết lực lượng này gặp nhiều khó khăn. Shipper di chuyển liên quận mất nhiều thời gian vì chưa quen đường sá, việc tìm kiếm lộ trình qua ứng dụng Google Maps không còn chính xác do có các chốt, rào chắn.
Do đó, Sở Công Thương đang tiếp tục xem xét, ghi nhận để có đánh giá sâu sát hơn. Ngoài ra, theo thống kê, tổng số lượng shipper đăng ký với 33 doanh nghiệp trên địa bàn là trên 160.000. Tuy nhiên, không phải tất cả cùng được hoạt động.
“Hiện qua theo dõi, thành phố chỉ có 20.000 shipper hoạt động giao hàng. Đây là con số rất thấp so với nhu cầu thực tế. Trong khi thời gian qua, một số quán ăn đã bắt đầu hoạt động trở lại, dẫn đến số lượng đơn hàng tăng lên”, ông Phương nói.
Quy định giờ ra đường chi tiết với nhiều nhóm lao động
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm đối với cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành tài chính ngân hàng, chứng khoán, nhóm này được lưu thông đổi ca làm việc hàng tuần, thời gian di chuyển từ 16h30 đến 18h ngày thứ sáu và 6h30 đến 8h ngày thứ hai.
Nhân viên doanh nghiệp xăng dầu, gas được lưu thông đổi ca làm việc từ 13h đến 15h ngày chủ nhật hàng tuần; người lao động thuộc các doanh nghiệp Nhà nước (điện lực, bưu điện, viễn thông…) được lưu thông đổi ca làm việc thời gian từ 15h đến 17h thứ 7 và 6h đến 7h30 thứ 2 hàng tuần.
Khi lưu thông, các nhóm trên phải mặc đồng phục ngành, doanh nghiệp, đeo thẻ nhân viên, có lịch đổi ca của đơn vị và khai báo y tế qua phần mềm của Bộ Công an.
Đối với công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: Phải nghỉ việc về nhà khi nhà máy ngưng hoạt động; người lao động đến nhà máy đổi ca làm việc (thời gian đổi ca không dưới 7 ngày/1 lần) hoặc người lao động đến làm việc tại công ty, nhà máy mở cửa hoạt động được phép lưu thông thời gian lưu thông từ 9h đến 11h hoặc từ 14h đến 16h…
Trong đó, công nhân lưu thông từ nhà máy, công ty đến nơi cư trú; thuộc nhân viên công ty, doanh nghiệp được Ban quản lý KCX, KCN, KCNC xác nhận và ghi rõ thời gian lưu thông như trên; có xét nghiệm âm tính ra vào KCX, KCN thời gian 5 ngày; có khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Nhân viên bưu cục, giáo viên vận chuyển sách đến nhà dân cho học sinh phải mặc đồng phục ngành, đeo thẻ ngành; có sách hoặc lịch, danh sách địa điểm giao sách; khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Giảng viên, giáo viên lưu thông đến trường hoặc điểm dạy học trực tuyến được lưu thông phù hợp với lịch dạy học, mang thẻ ngành; có lịch giảng dạy được ban giám hiệu nhà trường ký duyệt; thực hiện khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Người tự đi chợ phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết những ngày qua, thành phố đã cho phép shipper đi chợ hộ và đơn hàng tăng rất nhanh.
Về tốc độ giao hàng của hệ thống phân phối, ông Phương cho biết Citimart, Vinmart, Co.op Mart đều giao trong ngày. Riêng với Co.op Mart, giai đoạn cao điểm đơn vị này giao hàng trong 48 giờ, nhưng hiện rút xuống còn 6 giờ. Bách Hóa Xanh, Mega... là 48 giờ. Chỉ riêng AEON thì thời gian giao hàng từ 48 tới 72 giờ.
Sở Công Thương đã làm việc với các hệ thống phân phối nhằm tránh tình trạng nơi quá tải, nơi không có người mua.
Về việc đi chợ tại quận 7, Củ Chi, Cần Giờ, ông Phương cho biết theo kế hoạch, từ 17/9, quận 7 cho người dân tự đi chợ 1 tuần/lần. Hơn 51.000 hộ dân thuộc vùng xanh sẽ được phát thẻ. Mỗi hộ một phiếu và người đi chợ phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine, thực hiện 5K và chỉ đi trong địa bàn phường.
Sở GDĐT nói về việc cho học sinh quận 7, Củ Chi, Cần Giờ đi học lại
Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (GDĐT), cho biết ngành giáo dục đã triển khai học trực tuyến 10 ngày. Số học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn về thiết bị, đường truyền cũng điều kiện để kết nối giữa gia đình và nhà trường là hơn 75.000 trường hợp. Khoảng 40.000 em khó khăn trong triển khai học trực tuyến.
Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Thu Hằng. |
Thời gian qua, ngành giáo dục nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo các cấp chính quyền, mạnh thường quân để đảm bảo học sinh không dừng học tập. Nhiều chương trình đã được thực hiện để hỗ trợ học sinh trang thiết bị tối thiểu cho phương thức trực tuyến.
Với 40.000 học sinh còn khó khăn, bằng chương trình của Chính phủ, Bộ GDĐT, TP, quận, huyện, trong tương lai gần, các em sẽ được đảm bảo trang thiết bị. Ngành đang nỗ lực để các học sinh không có trang thiết bị vẫn đảm bảo được tiếp cận chương trình học qua đài truyền hình, sự chăm sóc của nhà trường, hỗ trợ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm tới nội dung chuyên đề… một cách tốt nhất.
Về vấn đề liệu Sở GDĐT có thí điểm mở lại trường học tại quận 7, Cần Giờ, Củ Chi, ông Dũng cho biết ngành GDĐT cũng như các ngành nghề khác đặt tiêu chí an toàn là trên hết. Do đó, Sở đã trình bộ tiêu chí và đang chờ UBND TP.HCM phê duyệt.
Trên cơ sở các địa phương đã được công nhận là an toàn, ngành giáo dục sẽ tận dụng thời gian đảm bảo an toàn để triển khai giáo dục trực tiếp cho học sinh, để học sinh tiếp cận chương trình tốt nhất.
Học sinh chưa về TP.HCM có thể học tại địa phương khác
Trước việc hơn 100.000 học sinh ở TP.HCM đã về quê tránh dịch, học trực tuyến nhưng không hiệu quả, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết Bộ GDĐT đã có chủ trương và TP cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này.
Học sinh TP.HCM chưa thể về TP học thì có thể liên hệ với Sở GDĐT các tỉnh để học trực tiếp tại địa phương; hoặc học trực tuyến với các đơn vị tại TP.HCM. Khi học sinh về TP.HCM, Sở GDĐT sẵn sàng nhận lại các em để học trực tiếp hoặc trực tuyến.
TP.HCM tiêm gần 8,5 triệu mũi vacccine
Ngày 15/9, TP.HCM có 2.507 bệnh nhân xuất viện. TP hiện có 315.623 trường hợp mắc Covid-19 (tính tới 15/9), đang điều trị cho hơn 41.000 bệnh nhân, trong đó 2.967 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.544 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân phải can thiệp ECMO.
Từ 18h ngày 14/9 đến 18h 15/9, TP.HCM đã lấy 296.966 mẫu, trong đó có 5.925 mẫu đơn và 7.355 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 237.050 mẫu.
Tính đến 15/9, TP.HCM đã tiêm hơn 8,45 triệu mũi vaccine, trong đó hơn 6,6 triệu mũi 1 và gần 1,8 triệu mũi 2. Hơn 969.000 người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền đã được tiêm vaccine.
Theo công văn 3072 của UBND TP.HCM ngày 15/8, TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội từ 0h ngày 16/9 đến hết 30/9. Trong đó, TP.HCM nới lỏng một số hoạt động.
Shipper được chạy liên quận/huyện/TP từ 6h đến 21h hàng ngày. Bên cạnh đó, lực lượng giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng được hoạt động nội quận/huyện/TP.
TP.HCM tiếp tục mở rộng một số loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký) được hoạt động từ 6h đến 21h. Điều kiện hoạt động của nhóm này là người lao động tại nơi làm việc phải tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 và xét nghiệm 5 ngày/lần.
Riêng các địa bàn đã kiểm soát được dịch gồm quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên các quận, huyện này và khu công nghệ cao sẽ được thí điểm cơ chế riêng. Người dân khu vực này được đi chợ một lần/tuần. UBND các địa phương này quyết định bổ sung thêm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động.
Bình luận