Sau một tháng "ai ở đâu ở yên đó", cột mốc bình thường mới 16/9 mà hàng triệu người dân TP.HCM chờ đợi phải lùi lại cho một mục tiêu bền vững hơn. Chiều muộn 15/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chính thức ký công văn chỉ đạo kéo dài thời gian giãn cách xã hội từ 0h ngày 16/9 đến hết 30/9.
Phương châm lần này của thành phố là triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp phòng chống dịch trên từng địa bàn cụ thể. Để thực hiện lộ trình bình thường mới, ngoài duy trì các biện pháp giãn cách từ 23/8, TP.HCM thay đổi biện pháp để nới lỏng một số hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho đời sống người dân.
Ai được ra đường?
Một thay đổi trong lần giãn cách này là lực lượng shipper sẽ được chạy liên quận huyện, TP Thủ Đức, từ 6h đến 21h hàng ngày. Thay vì phân biệt tần suất xét nghiệm theo vùng nguy cơ như trước, từ 6/9, nhóm này được xét nghiệm 2 ngày/lần với mẫu gộp 3. Chi phí xét nghiệm cho lực lượng này do ngân sách thành phố chi trả đến hết 30/9.
Shipper không cần giấy đi đường mà chỉ cần có đủ các dấu hiệu nhận diện như UBND TP.HCM đã quy định.
Ngoài shipper, một lực lượng khác cũng được hoạt động là người giao nhận hàng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Phó chủ tịch Lê Hòa Bình lý giải thành phố bổ sung thêm nhóm này bởi nhiều đơn vị kinh doanh gặp khó khăn khi chỉ có shipper giao hàng.
Tuy nhiên, nhóm này chỉ được hoạt động trong phạm vi quận/huyện/TP Thủ Đức và cũng phải xét nghiệm 2 ngày/lần, mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3. Kinh phí do doanh nghiệp, hộ kinh doanh chi trả. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn để được cấp giấy đi đường.
TP.HCM mở rộng hoạt động của shipper và lực lượng giao hàng. Ảnh: Phạm Ngôn. |
TP.HCM tiếp tục kiểm soát người ra đường bằng giấy đi đường do Công an TP.HCM cấp. Các nhóm đối tượng được ra đường vẫn áp dụng theo quy định từ ngày 23/8, giấy do Công an TP.HCM cấp có hiệu lực đến hết 30/9.
Người dân chưa thể tự đi chợ, siêu thị như trước đây mà vẫn phải nhờ lực lượng "đi chợ hộ" thông qua tổ công tác đặc biệt tại địa phương hoặc ứng dụng mua sắm trực tuyến.
Riêng tại các vùng xanh, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn sẽ quyết định việc cho phép người dân sinh hoạt thể dục thể thao tại các công viên thuộc khuôn viên của khu dân cư, chung cư. Quy định này chỉ áp dụng với công viên nằm trong khu chức năng ở của chung cư, khu dân cư. Các công viên lớn và nằm ngoài các khuôn viên dạng này (Tao Đàn, Thảo Cầm Viên...) vẫn chưa được hoạt động trở lại.
Doanh nghiệp nào được hoạt động?
Lần này, TP.HCM tiếp tục mở rộng một số loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký) được hoạt động từ 6h đến 21h. Điều kiện hoạt động của nhóm này là người lao động tại nơi làm việc phải tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 và xét nghiệm 5 ngày/lần (mẫu đơn hoặc gộp 3 người), kinh phí do doanh nghiệp, hộ kinh doanh chi trả.
Các loại hình được hoạt động từ 16/9:
- Dịch vụ bưu chính, viễn thông; thiết bị tin học văn phòng, dụng cụ học tập.
- Dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh này hoạt động "3 tại chỗ", chỉ bán qua đặt hàng trực tuyến.
- Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y.
- Dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này.
- Sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm.
Trước đó, từ ngày 7/9, TP.HCM đã cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h.
Hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền; chợ đầu mối Hóc Môn; và chợ đầu mối Thủ Đức cũng được mở lại từ 7/9.
Dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi được hoạt động trở lại. Ảnh: Phương Lâm. |
Công trình nào được thi công?
Trong chương trình "Dân hỏi, thành phố trả lời" tối 13/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết dự kiến các công trình thi công xây dựng tại thành phố được hoạt động trở lại sau 30/9 nếu đảm bảo tiêu chí an toàn.
Tuy nhiên, Công văn 3072 cho thấy quyết định này được triển khai sớm hơn kế hoạch. Từ 16/9, các công trình xây dựng, giao thông được phép tổ chức thi công công trình trên cơ sở tuân thủ bộ tiêu chí an toàn được UBND TP.HCM. UBND quận, huyện, TP Thủ Đức đề xuất danh mục công trình cụ thể, Sở Xây dựng sẽ tham mưu trình UBND TP.HCM quyết định.
Trước đây, trong thời gian giãn cách xã hội, TP.HCM chỉ cho phép các công trình trọng điểm như metro, cầu Thủ Thiêm... được thi công với yêu cầu đảm bảo "3 tại chỗ" hoặc "2 cung đường - 1 điểm đến". Qua đánh giá, TP.HCM nhận thấy các công trình này thời gian qua hoạt động tương đối an toàn và quyết định mở rộng.
Tiếp tục xét nghiệm thần tốc ra sao?
Kết thúc chiến dịch xét nghiệm diện rộng từ 15/8 đến 15/9, TP.HCM tiếp tục thực hiện xét nghiệm "thần tốc" theo Công điện 1409 của Bộ Y tế.
Theo đó, các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0, nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời.
"Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm rRT-PCR", công điện hướng dẫn.
TP.HCM tiếp tục xét nghiệm diện rộng, khuyến khích người dân tự lấy mẫu. Ảnh: Duy Hiệu. |
Các địa bàn còn lại thực hiện xét nghiệm 5-7 ngày/lần, gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề.
Khi xét nghiệm rRT-PCR, các cơ sở phải đảm bảo trả kết quả trong 12 giờ. Xét nghiệm phải dứt điểm theo từng địa bàn và đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.
Thí điểm bình thường mới tại Củ Chi, Cần Giờ, quận 7
Riêng các địa bàn đã kiểm soát được dịch gồm quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên các quận, huyện này và khu công nghệ cao sẽ được thí điểm cơ chế riêng.
Người dân khu vực này được đi chợ một lần/tuần. UBND các địa phương này quyết định bổ sung thêm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động và phải tuân thủ bộ tiêu chí an toàn do UBND TP.HCM ban hành.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất theo Kế hoạch 2715 và bộ tiêu chí an toàn do UBND TP.HCM ban hành.
Quận 7 là một trong 3 địa phương được thí điểm bình thường mới từ nay đến 30/9. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đặc biệt, 3 địa bàn này sẽ là nơi TP.HCM thí điểm triển khai thẻ xanh Covid-19 gắn với mã QR cá nhân. Thẻ xanh Covid-19 không được triển khai trên toàn bộ địa bàn mà sẽ thực hiện có lộ trình ở từng nhóm, đơn vị cụ thể sau khi thống nhất với lãnh đạo đơn vị liên quan.
Ví dụ tại quận 7, thành phố chỉ thí điểm thẻ xanh cho 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thiết yếu. Với Củ Chi, Cần Giờ, thành phố sẽ thí điểm quản lý đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm, sản xuất nông nghiệp, du lịch địa phương.
Các đơn vị không thực hiện thí điểm vẫn áp dụng các phương thức di chuyển hiện nay theo quy định của UBND TP.
Tuy nhiên, ngoài 3 địa phương trên, từ nay đến 30/9, nếu các quận, huyện, TP Thủ Đức kiểm soát được dịch thì cũng có thể đề xuất thí điểm mở cửa lại một số hoạt động. UBND TP.HCM sẽ liên tục cập nhật tình hình, theo dõi các đơn vị và có những điều chỉnh phù hợp khi cần thiết.