- Ca nhiễm ở Italy tăng từ 27.980 lên lên 31.506 trong 24 giờ
- Gần 200.000 người ở 165 nước và vùng lãnh thổ nhiễm virus corona
- Hàng loạt nước đóng biên, người dân vật lộn tìm đường về nước
Ca nhiễm ở Italy vượt 31.000 trường hợp
Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia đang là ổ dịch lớn nhất châu Âu tăng từ 27.980 lên 31.506 trong 24 giờ qua, theo Reuters. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 345, nâng tổng số ca tử vong lên 2.503, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết ngày 17/3.
Tới nay, số người nhiễm virus corona trên toàn cầu lên tới 198.178 trong khi số ca tử vong là 7.965, hàng nghìn ca nhiễm mới được báo cáo tại nhiều nước châu Âu.
Covid-19 tiếp tục lan rộng, vươn tới 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu trở thành tâm dịch toàn cầu với số ca nhiễm mới tăng mạnh ở một số quốc gia như Italy, Đức, Pháp.
Lực lượng kiểm tra Carabinieri ở Milan chịu trách nhiệm kiểm tra giấy tờ người đi bộ và người lái xe môtô. Ảnh: REX/Shutterstock. |
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte sáng 16/3 cảnh báo nước này đang bước vào "những tuần nguy hiểm nhất" trong cuộc chiến với đại dịch, đồng thời kêu gọi cả châu Âu phối hợp ứng phó.
Italy là thành viên đầu tiên của Liên minh Châu Âu (EU) đóng cửa trường học và gần như toàn bộ cơ sở kinh doanh, trong nỗ lực thực hiện chiến lược hạn chế tiếp xúc xã hội và cách ly dân số khỏi nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Quốc gia Nam Âu đã trở thành nơi có số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19, căn bệnh do SARS-CoV-2 gây nên, cao thứ hai thế giới.
Bổ sung 10.000 sinh viên y khoa năm cuối để chống dịch
Trong nỗ lực tăng cường lực lượng y tế cho cuộc chiến chống dịch, Bộ Y tế Italy cho biết chính phủ nước này cho phép khoảng 10.000 sinh viên y khoa năm cuối bắt đầu làm việc sớm nhằm bổ sung lực lượng đối phó với Covid-19.
Theo Reuters, Bộ trưởng Bộ Đại học Italy Gaetano Manfredi hôm 17/3 cho biết chính phủ nước này sẽ cho phép sinh viên y khoa năm cuối bắt đầu làm việc sớm khoảng 8-9 tháng so với dự kiến, đồng thời miễn các bài kiểm tra vốn là yêu cầu bắt buộc trước khi sinh viên nhận bằng tốt nghiệp.
"Điều này có nghĩa là hệ thống y tế quốc gia sẽ được bổ sung thêm 10.000 bác sĩ, đây là bước đi căn bản nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực mà đất nước đang đối mặt", ông Manfredi nói.
Italy đang đối diện cùng lúc hai mối đe dọa nghiêm trọng cho hệ thống y tế quốc gia. Những bệnh viện tiên tiến ở vùng phía bắc giàu có đã rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều cơ sở được ghi nhận đã hết giường bệnh còn nhân sự bị căng kéo hết mức.
Trong khi đó, viễn cảnh dịch bệnh lan xuống miền Nam Italy đang khiến Thủ tướng Conte ngày một lo ngại. Đây là khu vực nghèo hơn phía bắc trù phú. Có rủi ro các trung tâm y tế sẽ không đủ sức đối phó với số ca nhiễm và bệnh nặng tăng đột biến.
"Chúng ta không thể tiếp tục chấp nhận những hành vi sai. Những trường hợp người dân rời Milan vào cuối tuần và dành thời gian với gia đình hoặc tư gia ở miền Nam cần phải chấm dứt ngay lập tức", ông Conte nhấn mạnh chủng virus corona hiện là "thách thức lớn nhất của đất nước trong nhiều thập kỷ qua".
Hàng dài xe tải mắc kẹt trên cao tốc A4 gần Bautzen, Đức, hôm 17/3. Ảnh: AP. |
Hàng loạt nước đóng biên, người dân vật lộn tìm đường về nước
Một loạt quốc gia bất ngờ đóng cửa biên giới và hạn chế xuất nhập cảnh khiến người dân nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn khi tìm cách hồi hương.
Ùn tắc giao thông kéo dài hàng km tại các điểm kiểm soát biên giới, người dân liên hệ với chính phủ để cầu cứu tìm một phương thức để về nhà.
Đó là những gì xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới hôm 17/3 khi các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác thắt chặt kiểm soát biên giới, nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủng mới virus corona.
Hàng chục triệu người bị phong tỏa theo yêu cầu của các chính phủ, nhiều quốc gia ra lệnh đóng cửa các doanh nghiệp, nhà hàng, cửa hiệu, để đối phó với đại dịch Covid-19.
Trong tình cảnh ấy, việc đóng cửa biên giới không chỉ ngăn chặn dòng người đi lại, nó cũng khiến hàng hóa thiết yếu không để được vận chuyển.