Đang bận rộn với tuần thi hết kỳ, Nguyễn Văn Vũ Đạt, 22 tuổi, học năm thứ hai tại Trường Nghệ thuật và Thiết kế Savannah, nhận thông báo học kỳ sau trường chuyển sang học online.
“Sáng nay em thi hết môn, phải thuyết trình, mà đọc tin nhắn xong em không thuyết trình nổi luôn”, Đạt nói với Zing.vn. “Không thể tập trung được”.
Tính đến cuối ngày 13/3, Mỹ có ít nhất 1.714 ca nhiễm virus corona ở 47 tiểu bang và Washington, D.C., và ít nhất 41 ca tử vong, theo thống kê của New York Times.
Tổng thống Trump dự kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào chiều ngày 13/3 (giờ Mỹ), theo New York Times. Ảnh: New York Times. |
Phải chọn “đi hay ở” trong hai ngày
Sau khi biết trường chuyển sang học online, Đạt nhận thêm các thông báo khác. Trường sẽ gần như đóng cửa, các dịch vụ ăn uống, xe buýt bị giới hạn. Những ai ở lại sẽ phải sang ở tập trung ở một khu. Các sinh viên sẽ phải quyết định “đi hay ở” chỉ trong hai ngày.
Đa số bạn người Mỹ của Đạt quyết định rời đi, về nhà để học online. Một bạn Việt Nam của Đạt sẽ về nước. Một người Việt khác lựa chọn ở lại vì sợ không quay lại được do visa.
“Ai cũng đắn đo”, Đạt nói. “Mọi người đang học vui vẻ mà đùng một phát phải chia tay... hơi buồn”.
Nếu ở lại thì trong những tháng tới, Đạt nghĩ mình sẽ ngồi trong phòng học cả ngày. Bang Georgia đã có 31 ca nhiễm, còn thành phố Savannah đang có một ca dương tính chờ xác nhận từ cơ quan kiểm dịch Mỹ (CDC), tính đến 12/3.
“Ảm đạm lắm... thành phố Savannah như một làng đại học, sắp tới không có sinh viên sẽ rất vắng và tù túng, mọi thứ đóng cửa, đi lại cũng không tiện”, anh cho biết. “Tính tới tính lui em muốn về (Việt Nam) rồi học online, dù trái múi giờ vẫn hơn... nếu xui em phải học lớp 2-5h sáng”.
Một người đi qua thư viện Đại học Columbia ở New York ngày 9/3. Ảnh: AP. |
Dù vậy, sinh viên học ngành hoạt hình sẽ gặp nhiều gián đoạn vì nhiều môn thực hành khó học online, phải nhờ cơ sở vật chất của trường. “Em sẽ mò đi học chỗ khác... thì mới chuẩn bị đủ cho tương lai tìm việc, thực tập”, Đạt nói.
Các trường đại học khắp nước Mỹ đang có các biện pháp khác nhau để hạn chế tiếp xúc trong cộng đồng. Đa số sẽ chuyển sang học online. Một số nơi đề nghị sinh viên nếu đã rời khỏi trường dịp nghỉ xuân (rơi vào tuần này hoặc tuần sau) thì chưa nên quay lại sau kỳ nghỉ, còn các sinh viên ở lại trường kỳ nghỉ xuân vẫn được ở lại.
Một số trường khác thậm chí yêu cầu sinh viên chuyển hẳn ra khỏi ký túc xá, với hạn chót có thể là tuần này hay 1-2 tuần tới.
Một trạm "lái xe qua để xét nghiệm" tại Denver, bang Colorado. Chính quyền Mỹ ngày 13/3 tuyên bố sẽ đẩy mạnh xét nghiệm virus corona. Ảnh: New York Times. |
Những dịp cuối gặp bạn bè
Trên đường tới lớp, Thái Bình, 28 tuổi, sinh viên Trường Kinh doanh Harvard, bang Massachusetts, thấy bạn bè đang chuyển đồ đạc, một số người đang chào nhau tạm biệt.
“Nhiều người khá buồn”, Bình nói với Zing.vn. “Nhiều sinh viên năm tư có lẽ là lần cuối gặp bạn bè, tất cả đều đột ngột... làm một số người bị sốc”.
Chỉ gần một tuần trước, có vẻ học kỳ cuối của Bình sẽ diễn ra bình thường. Cha mẹ của Bình sẽ qua chơi, dự lễ tốt nghiệp.
Nhưng dịch bệnh buộc Thống đốc Charlie Baker ngày 10/3 tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại tiểu bang đã ghi nhận 108 ca nhiễm Covid-19, tính đến ngày 12/3. Trường kinh doanh của Bình chuyển sang học online. Harvard College, hệ đại học bốn năm của Harvard, hành động mạnh hơn khi đóng cửa ký túc xá, yêu cầu sinh viên chuyển ra trước cuối ngày 15/3.
Tượng John Harvard nằm trong khuôn viên Đại học Harvard. Ông là một trong những người quyên góp đầu tiên của trường. Ảnh: AP. |
Nhiều đại học khác quanh khu vực Boston vốn đông sinh viên Việt Nam cũng có các động thái tương tự.
Một số bạn của Bình đã phải chuyển ra “sau hai ngày” do lệnh đóng cửa ký túc xá. Nhiều người khác không phải chuyển ra, nhưng cũng quyết định về nước vì “không có lý do để ở lại”. Các hội nhóm thông báo giúp đỡ người cần ở tạm vài đêm. Riêng Bình sẽ ở lại để bắt đầu công việc.
Harvard chưa thông báo chính thức về lễ tốt nghiệp tháng 5 tới, nhưng “mọi người đang giả định là không tổ chức được”, Bình nói. Một số lựa chọn được cân nhắc, như làm lễ nhỏ lại, làm lễ qua mạng, hoặc năm sau làm to hơn để sinh viên năm nay quay về dự. Cha mẹ của Bình phải hủy vé máy bay qua thăm.
“Trong 5-10 phút đầu đọc email, mọi người rất sốc... nhưng nhiều người hiểu được tình hình, hiểu rằng đây là điều phải làm”, Bình nói về biện pháp của Harvard. “Mình cũng hơi buồn, mọi thứ diễn ra hơi nhanh... sắp tới nhiều bạn bè không gặp được nữa”.
Một số sinh viên Mỹ đang phải dọn ra sau khi Harvard đóng cửa một số ký túc xá. Ảnh: New York Times. |
“Xuống bến mà chân còn run” vì những tiếng ho
Nguyễn Thảo Hương, 23 tuổi, năm cuối Đại học Caldwell, bang New Jersey, cảm thấy nhẹ nhõm ngày 12/3 khi lần đầu tiên được làm từ xa đối với công việc thực tập mà văn phòng ở New York, giống bao nhân viên của “nhiều công ty khác ở thành phố New York” thời gian này.
Trước đó, đường đi làm mỗi sáng của Hương là một chuyến xe buýt và một chuyến tàu điện ngầm, kết thúc ở ga Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, luôn chật kín người đi làm, không có nhiều khoảng cách giữa mọi người.
Những ngày trước, Hương muốn đeo khẩu trang nhưng chưa thể, vì mọi người chưa ai đeo. Cô phải xoay sở theo lời khuyên của mẹ: trời vẫn lạnh, vẫn phải quàng khăn, dùng tạm khăn để quàng che mặt.
Nhưng gần đây, dịch bệnh lan rộng ở New York, đã lan sang bang New Jersey bên cạnh (có 29 ca nhiễm). Hương đành phải chi “cả trăm đô” mua khẩu trang, nước rửa tay, bình xịt khử trùng, và vitamin để tăng miễn dịch.
Lên tàu xe, cô không còn ngại đeo khẩu trang, mặc dù vì đeo khẩu trang mà Hương thường bị người Mỹ ngồi tránh xa. Có người đàn ông từng “nhìn chằm chằm” khiến Hương, sinh viên ngành marketing, lo sợ.
Hương cho biết người Mỹ thường chọn ngồi tránh xa nếu cô đeo khẩu trang. Ảnh minh họa: AP. |
Gần đây, chặng cuối trên đường về nhà của Hương là một chuyến xe buýt đông người, giờ tan tầm. Dù cố tìm khoảng trống, Hương vẫn đứng gần các hành khách khác. Những tiếng ho vang lên trên xe buýt liên tục chao đảo làm Hương căng thẳng suốt chuyến đi.
“Xuống bến mà chân em vẫn còn run vì sợ”, Hương nói với Zing.vn.
Trường của Hương gần như đã đóng, chuyển sang học online. Một bạn người Việt Nam đang cân nhắc về nước, khi các văn phòng trường “chưa chắc đã mở để đi làm thêm”.
Ở New York, một trong những điểm đến hàng đầu của du khách tại Mỹ, các địa điểm biểu tượng như bảo tàng Metropolitan Museum of Art, nhà hát Carnegie Hall và sân khấu Metropolitan Opera đều đóng cửa, và các nhà hát kịch ở Broadway dự kiến sẽ tắt đèn.
Lượng hành khách đi tàu điện ngầm tại New York đã giảm khi số ca nhiễm tại thành phố này tăng lên tới 95, tính đến 13/3. Ảnh: New York Times. |
Xin việc, thực tập bị ảnh hưởng
Nguyễn Lê Minh Anh, 19 tuổi, sinh viên năm nhất tại Đại học Cincinnati, bang Ohio, cho biết trường sẽ đóng cửa trong một tuần, và cô phải ở tạm nhà bạn.
“Các bạn Mỹ cũng đã về nhà vì trường cho học online một tháng”, Minh Anh nói với Zing.vn, còn bản thân cô sẽ bay về Việt Nam đầu tuần sau.
“Em sợ vì ở đây họ chủ quan, nhiều bạn Mỹ của em không lo lắm (về dịch bệnh)”, cô gái học ngành kỹ thuật điện cho biết. Minh Anh cũng thấy bất an khi những vụ kỳ thị người gốc Á do dịch bệnh, nhắc tới vụ cô gái Hàn Quốc vừa bị hành hung ở New York vì không đeo khẩu trang.
Các bạn Việt Nam khác của Minh Anh đang đắn đo xem có nên đặt vé về Việt Nam không. “Mọi người rất chơi vơi, muốn về mà không biết có nên về không”, cô cho biết. “Mỹ mà thành ổ dịch như châu Âu thì không bay về (Mỹ) được”.
Về Việt Nam, Minh Anh không rõ có thể quay lại thực tập hè này như dự kiến hay không. Trước đó, cô đã phải đổi vé đi chơi thành phố Seattle vì dịch bệnh bùng phát tại đây, chuyển sang New Orleans. Nhưng sau đó cô cũng hủy nốt khi thấy số ca nhiễm ở Mỹ vượt quá 1.000.
Một số du học sinh Việt Nam tỏ ra lo ngại dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới khả năng xin việc, xin thực tập - những dự định thiết yếu trên chặng đường của họ ở Mỹ. Chẳng hạn, một công ty ở New York đang dừng các cuộc họp trên 10 người và không nhận đào tạo nhân viên mới, một du học sinh cho biết.
Minh Anh kể về một người bạn ở Mỹ vừa bị hủy phỏng vấn xin việc ở Singapore. Công ty báo không tuyển cho mùa hè nữa.