Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cam kết: “Nếu không có tình huống đột xuất, hết ngày 2/2, ngành y tế sẽ cơ bản nắm chắc và kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố”.
Cũng theo ông Hiền, Hà Nội đã cơ bản tập trung rà soát và khoanh vùng, số lượng F1 của các ca bệnh tăng khá nhanh nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của thành phố.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát phòng xét nghiệm của CDC Hà Nội. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội. |
Tại buổi làm việc chiều muộn 1/2, Phó giám đốc CDC Trương Quang Việt cho biết thêm tính từ ngày 27/1 đến 1/2, thành phố ghi nhận 19 ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng liên quan các ổ dịch của Hải Dương và Quảng Ninh. Các ca bệnh này cư trú tại Mê Linh, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng.
Ba quận, huyện là Mê Linh, Đông Anh, Nam Từ Liêm được xác định có nguy cơ cao với những ca F1, F2 trở thành F0. Về cơ bản, thành phố đã thực hiện nghiêm việc truy vết, xác định được các F1, F2, F3 của số bệnh nhân này.
Khoảng 15.000 F1, F2 đã được lấy mẫu xét nghiệm. Công tác rà soát, lấy mẫu xét nghiệm vẫn đang được CDC thực hiện. Hiện nay, năng lực xét nghiệm trong một ngày đêm của CDC Hà Nội và các bệnh viện tại thành phố có thể đạt khoảng 5.000 mẫu đơn hoặc 15.000-20.000 mẫu trộn. Theo dự kiến, trong hôm nay, những mẫu cuối cùng có kết quả.
Ông Trương Quang Việt khẳng định trong trường hợp có thêm ca bệnh phát sinh, Hà Nội sẽ tiếp tục truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Ban chỉ đạo thành phố. Vấn đề đặt ra với Hà Nội hiện nay là phải nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng, cách ly các trường hợp lây nhiễm từ F1, F2 trở thành F0.
Người dân ở phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa được lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic. Ảnh: Đức Anh. |
Trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc Hà Nội cần hỗ trợ những gì để có thể cùng với Hải Dương, Quảng Ninh khống chế, kiểm soát được dịch trong vòng 10 ngày, Giám đốc Sở Y tế cho biết thành phố dự kiến lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ các trường hợp F2. Vì vậy, cùng với các đơn vị xét nghiệm trực thuộc, Hà Nội mong muốn nhận được sự chi viện từ các đơn vị của Bộ Y tế.
Đồng thời, với việc chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung, điều trị, thành phố đề nghị lực lượng quân đội sẵn sàng để hỗ trợ chỗ khi có yêu cầu; các bệnh viện của trung ương hỗ trợ điều trị trong trường hợp số bệnh nhân Covid-19 tăng cao.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Hà Nội là đô thị rất lớn, việc giao lưu, đi lại nhiều, rất khó kiểm soát với diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần này. Chính vì vậy, Hà Nội cần lấy mẫu xét nghiệm đến cả những trường hợp F3.
Đồng thời, cơ quan chức năng của Hà Nội cần khẩn trương truy vết, theo dấu các ca nhiễm Covid-19. Bởi chỉ có như vậy, Hà Nội cùng Hải Dương, Quảng Ninh mới có thể cơ bản khoanh gọn và kiểm soát dịch để người dân yên tâm đón Tết. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, sát cánh với Hà Nội trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ông Đam kêu gọi người dân tự giác thực hiện khai báo y tế khi có tiếp xúc các trường hợp ở vùng dịch. Đây là việc làm không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn thể hiện trách nhiệm với đất nước.
Tính đến 6h 2/2, Hà Nội đã ghi nhận 19 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, Hai Bà Trưng (1), Cầu Giấy (2), Nam Từ Liêm (10), Đông Anh (2), Mê Linh (4). Hầu hết bệnh nhân liên quan ổ dịch Hải Dương.
Trong số này, BN1694 (nam, 40 tuổi) là công nhân của nhà máy Z153, Cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, ở thị trấn Đông Anh, có tiền sử dịch tễ phức tạp và đã lây nhiễm cho nhiều người (8 trường hợp). 4 người khác là F1 của các trường hợp này cũng vừa được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.