Bỏ qua yếu tố đen đủi khi Mạnh Hùng nhận thẻ đỏ, SLNA vẫn đủ sức giành giật với Thanh Hóa. Tuy nhiên, trong thế trận thiếu người, đội bóng xứ Nghệ không thể làm gì hơn với hai "ông" Tây thi đấu vật vờ.
Các cầu thủ SLNA sẽ còn tiếc nuối dài dài sau trận đấu mà họ xứng đáng nhận được thành quả tốt hơn. Đội hình nội binh và lối chơi rực lửa nhưng hợp lý mà HLV Ngô Quang Trường xây dựng khiến Thanh Hóa – dù là chủ nhà – cũng không dám coi thường.
Các tuyến thi đấu khá gắn kết, cự ly đội hình được đảm bảo ở mức không thể tốt hơn. SLNA làm chủ trận đấu trong khả năng cho phép nhờ sức hoạt động bền bỉ và cơ động của hàng tiền vệ.
Trận đấu này, ngoài đội trưởng Quang Tình chứng tỏ tốt vai trò giữ nhịp, những gương mặt trẻ như Phi Sơn, Cao Xuân Thắng hay cầu thủ dự bị Ngọc Toàn vào sau đều để lại dấu ấn nhất định. Họ thi đấu năng nổ, không ngừng tranh chấp và di chuyển.
Thế nhưng, khi bóng được đưa lên tuyến trên, SLNA lại trở nên yếu đuối một cách khó hiểu. Hai ngoại binh Baba Salla và Abdul Haruna có tầm vóc, được hoạt động khá thoải mái tự do dưới sự “phục vụ” của các cầu thủ nội nhưng có vẻ như, họ thiếu “nhiệt” và thiếu sức khỏe ở trận này.
Abdul Haruna (88) thi đấu thiếu "nhiệt" trong các pha tranh chấp với cầu thủ nội của Thanh Hóa. Ảnh: Minh Tuấn |
Xem Tây của SLNA thi đấu, người ta có cảm giác, họ sẽ chẳng là gì nếu các cầu thủ tuyến hai không dâng lên hỗ trợ kịp thời. Rất nhiều tình huống, Baba Salla chờ bóng để Lục Xuân Hưng và Van Barkel dễ dàng cắt khi băng từ dưới lên. Một vài pha bóng khác nữa, khi bóng đã ngon lành trong chân, hai ngoại binh của SLNA cũng không giữ nổi.
Điều này chứng tỏ sự hạn chế trong việc lựa chọn thời điểm tranh chấp và phần nào, là khả năng càn lướt – điều mà không chỉ SLNA, mà bất cứ đội bóng nào cũng trông chờ vào ngoại binh.
Nó khác hẳn trình độ của các ngoại binh SLNA từng thuê trong quá khứ như Enock Kyembe (mùa V.League đầu tiên năm 2000), Lulenti, Iddi Batambuze (2003/2004) hay gần nhất là Diego Fagan (đang khoác áo Hải Phòng).
Nếu so sánh Abdul và Baba bên phía đội bóng xứ Nghệ với tinh thần giàu nhiệt huyết của Jonathan Quatay (Lê Văn Tân) và Omar hay Danny Van Barkel phía Thanh Hóa, thì rõ rằng, đội chủ nhà may mắn hơn.
Cả trận, dàn nội binh của Thanh Hóa không hơn gì SLNA cả về thế trận lẫn năng lực. Nhưng họ hơn “Tây” trong những tình huống quyết định, điển hình là cú đánh đầu cắt mặt của Omar ở pha lập công mang về 3 điểm cho đội nhà.
Ngoại binh chất lượng giúp Thanh Hóa có được lợi thế trước SLNA ở trận đấu trong khuôn khổ vòng 19 V.League. Ảnh: Minh Tuấn |
Trước đó, SLNA tạo ra pha uy hiếp cực tốt khi Phi Sơn dùng kỹ thuật đảo như “rang lạc” bên cánh phải, sau đó tạt bóng tầm thấp cắt ngang mặt thành Tô Vĩnh Lợi. Abdul trong tư thế thuận lợi vẫn “húc đầu” nhẹ hều, bóng đi thẳng vào vị trí thủ thành Thanh Hóa đã chọn và bị phá ra.
Nếu thành công trong tình huống này, SLNA chắc chắn có điểm vì khi đó, Thanh Hóa có thể sẽ suy sụp. Đen đủi lắm, họ cũng ra về với 1 điểm chứ không trắng tay như kết cục vừa nhận.
Một trận đấu có thể không lột tả hết năng lực của hai ngoại binh SLNA. Nhưng nó cũng phần nào chỉ ra điểm yếu của những ông Tây mà đội bóng xứ Nghệ đang bắt dàn nội binh phục vụ tận răng.
Điều khiến người ta không ưng nhất là sự thiếu nhiệt huyết của Baba và Abdul, ít nhất là trong trận đấu này.
Kết quả các trận đã diễn ra trong khuôn khổ vòng 19 V.League 2015. |
Bảng xếp hạng V.League sau khi kết thúc 6 trận đấu trong khuôn khổ vòng 19 V.league 2015. |