SIPRI 'mổ xẻ' những hợp đồng mua sắm vũ khí của VN
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI, trong giai đoạn 2004-2012 Việt Nam đầu tư mua nhiều vũ khí phục vụ cho quá trình hiện đại hóa quân đội, đảm bảo an ninh quốc gia.
Ngoài những khách hàng truyền thống là Nga, Urkaine Việt Nam còn mở rộng mua sắm sang các nước phương Tây, bước đầu tiến hành đa dạng nguồn cung vũ khí cho quân đội.
Mua từ Nga
Năm 1996, Việt Nam đã đặt hàng 400 tên lửa phòng không vác vai Igla-1M/SA-16 Gimlet. Số tên lửa này được chuyển giao trong giai đoạn từ năm 1999-2012.
Hiện tại khoảng 365 quả đã được chuyển giao, ngoài ra biến thể dùng cho tàu chiến là SA-N-10 cũng đã được chuyển giao nhưng không rõ số lượng. Tên lửa SA-N-10 sẽ được trang bị cho tàu tên lửa BPS-500.
Giai đoạn 2004-2012, Việt Nam đã có sự đầu tư lớn cho mua sắm vũ khí, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội, đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới. |
Năm 2004 đặt hàng 400 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran E. Tên lửa bắt đầu được chuyển giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2008-2012. Hiện tại 108 quả đã được chuyển giao, số còn lại được sản xuất tại Việt Nam theo giấy phép từ Nga. Tên lửa chống hạm Kh-35 được dùng cho tàu hộ tống tên lửa Gepard-3.9, tàu tên lửa cao tốc Molniya.
Năm 2006, Việt Nam đặt hàng 2 chiếc tàu hộ tống tên lửa có khả năng tàng hình nhẹ Gepard-3.9 thuộc Project 1166.1. Chiếc đầu tiên được bàn giao cho Việt Nam vào tháng 3/2011 được đặt tên là Đinh Tiên Hoàng, chiếc thứ 2 đã được chuyển giao vào tháng 8/201,1 đặt tên Lý Thái Tổ.
Trong năm 2011, Việt Nam đã đặt hàng 200 tên lửa phòng không 9M311/SA-19 Grison dùng cho tổ hợp pháo tích hợp tên lửa phòng không Palma trang bị trên tàu hộ tống Gepard-3.9.
Đến năm 2007, Việt Nam đã đặt hàng 2 hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion trị giá 300 triệu USD. Hệ thống này đã được chuyển giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2009-2011.
Hợp đồng mua 6 tàu ngầm điện-diesel Kilo Project 636MV là hợp đồng lớn nhất mà Việt Nam thực hiện trong giai đoạn này. |
Năm 2007 đặt mua 4 tàu tuần tra cao tốc Project 10412 Svetlyak, cùng năm đó đặt thêm 2 chiếc loại này. Số tàu tuần tra cao tốc này đã được chuyển giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2011-2012. Năm 2007 Việt Nam đã đặt 40 tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont SS-N-26 dùng cho tổ hợp K-300P Bastion.
Năm 2009 được xem là năm có nhiều hợp đồng mua sắm vũ khí nhất của Việt Nam trong giai đoạn này. Đặt hàng 6 tàu ngầm điện - diesel Kilo Project 636MV trị giá 2,1 tỷ USD, tàu ngầm sẽ được chuyển giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2013-2017. Cũng trong năm 2009, Việt Nam mua 40 tên lửa chống hạm 3M54 Klub/SS-N-27 dùng cho tàu ngầm Kilo.
Trong năm 2009, Việt Nam ký hợp đồng mua tiếp 200 quả bom thông minh KAB-500/1500, số bom này đã được chuyển giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2011-2012. Cùng năm, tiếp tục đặt hàng 80 quả tên lửa chống hạm phóng từ trên không Kh-31A/AS-17. Tên lửa Kh-31A được trang bị cho tiêm kích Su-30MK2 cùng với biến thể tên lửa chống radar Kh-31P.
Phần lớn những hợp đồng mua vũ khí lớn đều được thực hiện trong năm 2009, trong ảnh 2 tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9 HQ-011 Đinh Tiên Hoàng, HQ-012 Lý Thái Tổ trong biến chế Hải quân Việt Nam. |
Việt Nam còn đặt mua 8 tiêm kích Su-30MK2 trị giá 500 triệu USD, số tiêm kích này đã được chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2009. Cùng năm này Việt Nam đã đặt hàng 250 tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn bằng hồng ngoại R-73/AA-11 Archer, số tên lửa này được cho là sẽ trang bị cho tiêm kích Su-30MK2.
Năm 2010, Việt Nam đặt mua thêm 12 chiếc tiêm kích Su-30MK2 trị giá 1 tỷ USD. Năm 2012, Việt Nam ký hợp đồng nhập thêm 2 tàu hộ tống tên lửa Gepard-3.9 dự kiến chuyển giao trong giai đoạn 2014-2016.
Mua từ Ukraine
Giai đoạn này, Việt Nam và Ukraine có khá nhiều hợp đồng mua bán trang thiết bị vũ khí được thực hiện.
Năm 2004 đặt hàng 20 động cơ tuabin khí DR-76/77. Số động cơ này sẽ được sử dụng cho tàu tên lửa cao tốc Project 1241.8, trong đó 4 động cơ đã được chuyển giao cho phía Nga để hoàn thành 2 trong số 10 chiếc tàu tên lửa Project 1241.8 đã đặt trước đó.
Hợp đồng mua sắm hệ thống trinh sát thụ động Kolchuga được xem là sự kiện đáng chú ý nhất trong hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Ukraine. |
16 động cơ còn lại sẽ được chuyển giao cho Việt Nam để đóng 8 tàu tên lửa Project 1241.8 theo giấy phép từ Nga. Năm 2006 đặt hàng 4 động cơ tuabin khí DT-59 dùng cho tàu hộ tống Gepard-3.9, 4 động cơ này đã được giao cho phía Nga để hoàn thành 2 tàu Gepard trong năm 2011.
Năm 2009 đặt hàng 4 hệ thống trinh sát thụ động Kolchuga chuyên sử dụng để phát hiện máy bay tàng hình trị giá 54 triệu USD, một hệ thống đã được chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2012. Năm 2012 đặt hàng tiếp 4 động cơ tuabin khí DT-59 dùng cho 2 chiếc Gepard-3.9 tiếp theo.
Những quốc gia khác
Theo SIPRI, năm 2008 Việt Nam đã đặt hàng 10 chiếc máy bay huấn luyện Yak-52 từ Romania, số máy bay này đã được chuyển giao trong giai đoạn 2009-2011.
Năm 2010, Việt Nam đã ký hợp đồng nhập 6 thủy phi cơ DCH-6 Twin Otter từ Canada phục vụ cho nhiệm vụ tuần tra hàng hải. Số máy bay này sẽ được chuyển giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2012-2014.
Theo SIPRI, thống kê mà họ đưa ra chỉ dựa trên những số liệu mà họ có được, có một số hợp đồng không có trong thống kê này như hợp đồng mua máy bay tuần tra C-212-400 từ Tây Ban Nha, hay hợp đồng mua tiếp 2 hệ thống K-300P Bastion từ Nga.
quốc việt
Theo Infonet