Mê cung Thần Nông là câu chuyện đan xen giữa hiện thực và kỳ ảo, với những sinh vật kỳ bí nhuốm màu cổ tích. Tác phẩm điện ảnh vốn được hoan nghênh nhiệt liệt từ cả khán giả lẫn các nhà phê bình năm 2006. Phiên bản tiểu thuyết cùng tên, do Cornelia Funke chấp bút, đã được xuất bản với nhiều sinh vật từ phim bước vào trang sách. Ảnh: Anh Tuấn. |
Nàng tiên (Las Hadas). Mở đầu tiểu thuyết Mê cung Thần Nông, khi cô bé Ofelia cùng mẹ di chuyển về nhà mới, cô bé đã trông thấy một sinh vật kỳ lạ, trông giống như một con dế hoặc một con chuồn chuồn. Cô bé gọi sinh vật ấy là “Nàng tiên”. Kỳ thực sinh vật này không phải là một nàng tiên như hình tượng tiên tí hon có cánh Tinkerbell trong Peter Pan. Sinh vật này sau đó đã biến đổi cơ thể thành hình dáng của nàng tiên giống trong tưởng tượng của cô bé Ofelia và đi theo bảo vệ cô bé. Ảnh: Pinterest. |
Rễ cây khoai ma. Trong chương 18, khi tình trạng sức khỏe của mẹ Ofelia trở nặng, Thần Nông đã tìm đến và trao cho Ofelia một vị thuốc cho mẹ cô. Đó là một khúc rễ mọc bướu bợt bạt, to hơn cả nắm tay của thần, có hình dạng tựa như một đứa trẻ sơ sinh cứng đờ trong tiếng hét chào đời, đang vươn dài những cánh tay và cẳng chân xoắn vặn của mình ra. Đây là rễ cây khoai ma, một loài cây mơ ước được trở thành con người. Thần Nông dặn cô bé phải đặt sinh vật này vào một bát sữa tươi rồi đặt xuống dưới gầm giường của mẹ, hằng sáng nhỏ hai giọt máu để nuôi nó. Rễ cây khoai ma cư xử y hệt một đứa trẻ, cũng biết khóc biết hờn và biết đạp chân. Ảnh: fxGuide. |
Con cóc khổng lồ. Trong nhiệm vụ đầu tiên mà Thần Nông giao cho cô bé Ofelia, cô bé phải lấy một chiếc chìa khóa vàng từ trong dạ dày của một con cóc khổng lồ. Cơ thể nó mọc đầy mụn và to như một con bò. Con cóc khổng lồ này sống dưới bộ rễ của một thân cây cổ thụ, khiến cho cây không thể sinh trưởng mà mục ruỗng dần. Nhiệm vụ của Ofelia là đặt vào miệng con cóc ba viên đá ma thuật, thu lại chiếc chìa khóa vàng trong bụng cóc để trả lại sự sống cho cây. Ảnh: Listal. |
Quỷ nhợt nhạt. Đây là một trong những sinh vật kỳ dị và khủng khiếp nhất trong những sinh vật mà Guillermo del Toro đưa vào các tác phẩm của mình. Quỷ nhợt nhạt là một sinh vật kinh dị chuyên ăn thịt trẻ em, có hình dáng xương xẩu của một gã đàn ông trắng nhợt, không có mũi và hói đầu, với hai cái lỗ thay cho mắt bên trên một cái mồm há hốc. Quỷ nhợt nhạt thường ngồi trong một căn phòng với một chiếc bàn lớn tràn ngập những bát đĩa bằng vàng, chất đầy đồ ăn ngon. Con quỷ ngồi yên như thể đang ngủ say nhưng sẽ bị đánh thức khi ai đó ăn bất kỳ một món ăn nào trên bàn tiệc. Ảnh: Flickering Myth. |
Thần Nông. Thần Nông có ngoại hình giống loài dê với đôi sừng to, cong và đôi mắt màu sữa. Thần Nông có ngón tay nhợt nhạt, móng dài như rễ cây, với thân hình đồ sộ và đôi chân có móng guốc như chân sau của dê. Làn da của thần như lớp vỏ cây vỡ vụn. Theo đạo diễn Guillermo del Toro, Thần Nông là một sinh vật không thiện cũng không ác hoàn toàn, là một nhân vật có mặt để chứng kiến và dẫn dắt Ofelia trên hành trình của mình. Ở phiên bản tiếng Tây Ban Nha, Guillermo del Toro gọi Thần Nông là Fauno. Đây là một sinh vật thần thoại nửa người nửa dê xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp và La Mã. Họ là biểu tượng của hoà bình. Ảnh: Hollywood Reporter. |