Chính quyền Singapore ngày 26/4 đã xử tử Tangaraju Suppiah, một công dân của nước này, do phạm tội buôn bán cần sa. Ảnh: Facebook. |
"Tuyên bố gần đây của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Quyền Con người trong vụ việc Singapore kết án tử hình những người có hành vi phạm tội liên quan đến chất cấm đã bỏ qua những tác động nghiêm trọng của các chất này", phái đoàn của Singapore tại Liên Hợp Quốc cho biết hôm 28/4.
"Chúng tôi cảm thấy hối tiếc vì quyết định của Liên Hợp Quốc", đại diện của Singapore bổ sung. Đồng thời khẳng định rằng các quốc gia có quyền chọn cách tiếp cận phù hợp nhất đối trong từng trường hợp.
Tuyên bố của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Quyền Con người được đưa ra vào hôm 25/4, một ngày trước khi Tangaraju Suppiah, người phạm tội buôn bán một kg cần sa, bị chính phủ Singapore xử tử.
Tuyên bố của Liên Hợp Quốc kêu gọi quốc đảo này xem xét lại bản án tử hình, đồng thời bày tỏ những lo ngại về "tính công bằng trong quy trình xét xử của vụ án".
Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Ravina Shamdasani ngày 25/4 cho biết án tử hình là một biện pháp kém hiệu quả trong việc ngăn chặn các hành vi phạm tội.
"Án tử hình vẫn được sử dụng tại một số ít các quốc gia dựa trên giả định rằng hình phạt này có thể ngăn chặn các hành vi phạm tội. Chúng tôi kêu gọi Singapore dừng việc xử tử những người phạm tội liên quan đến chất cấm và đảm bảo những bị can được xét xử công bằng theo quy định của quốc tế", bà Shamdasani tuyên bố.
Chính phủ Singapore ngày 28/4 cho biết những người bị kết án tử hình tại quốc gia này có đầy đủ các quyền theo quy định của luật pháp.
"Trong suốt quá trình xét xử, Tangaraju đã nhận được sự tư vấn pháp lý đầy đủ", phái đoàn của Singapore tại Liên Hợp Quốc khẳng định.
Luật pháp Singapore quy định một cá nhân có thể phải chịu án tử hình nếu khối lượng cần sa người này vận chuyển vượt quá 500 g. Tangaraju, một công dân Singapore, đã bị chính quyền nước này xử tử bằng biện pháp treo cổ hôm 26/4.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.