Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam, người đang có chuyến thăm nhà nước 9 ngày tới Nhật Bản để đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao, đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại hội nghị thượng đỉnh song phương tối 1/12.
"Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của TPP và nhất trí rằng tất cả các đối tác nên đảm bảo việc khẩn trương phê chuẩn để hiệp định có hiệu lực", ông Tan nói với các phóng viên tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản.
Các nhà lãnh đạo, trong đó có ông Abe và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của TPP như cốt lõi của việc Mỹ xoay trục sang châu Á.
Cả 2 nước đều tham gia TPP, thỏa thuận thương mại giữa 12 quốc gia từ 2 bờ Thái Bình Dương, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Vai trò dẫn dắt của Mỹ trong hiệp định này trở nên bất định sau khi ông Donald Trump, người thắng cử tổng thống Mỹ tháng trước, nói sẽ rút khỏi hiệp định.
Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự một cuộc họp báo chung tại văn phòng chính phủ ở Tokyo ngày 1/12. Ảnh: AFP/Getty. |
Singapore sẽ sửa đổi luật để TPP có hiệu lực vào đầu năm tới, trong khi Hạ viện Nhật Bản đã thông qua TPP và trình trước Thượng viện.
Ông Abe, người đầu tư nhiều công sức để hiện thực hóa TPP, nói với các phóng viên: "Chúng tôi nhất trí tiếp tục hợp tác để TPP sớm có hiệu lực cũng như kết thúc đàm phán RCEP để không làm đảo ngược xu hướng thương mại tự do".
7 trong số các nước TPP - trong đó có Singapore và Nhật Bản - cũng là thành phần của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc đứng đầu. Hiệp định này bao gồm 26 quốc gia, chiếm 27% nền kinh tế toàn cầu, và hiện không có thành viên nào thuộc châu Mỹ.