Chỉ vài giờ trước tuyên bố của Trump, từ Buenos Aires (Argentina), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói TPP "sẽ vô nghĩa nếu thiếu đi Mỹ". Thủ tướng Nhật cũng cho biết trong cuộc gặp giữa các lãnh đạo thành viên TPP tại Lima, họ không bàn về xúc tiến một "TPP vắng Mỹ".
Tổng thống tân cử Donald Trump chưa bao giờ để tâm đến các khía cạnh tích cực của TPP, chỉ luôn cho rằng hiệp định này, cũng như quá trình toàn cầu hóa và thương mại tự do, đang cướp đi công ăn việc làm của người Mỹ. Ảnh chụp từ clip. |
Hạ viện Nhật Bản đã thông qua TPP từ hôm 10/11, hai ngày sau khi Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Thủ tướng Abe luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP và hiệp định này được xem là một lá bài chính trị quan trọng của ông.
Tuy nhiên, thủ tướng Nhật cũng nói nếu TPP không còn Mỹ, Tokyo sẽ không đàm phán lại với các nước khác, thay vào đó quay sang Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng.
Hiệp định RCEP đã được đàm phán từ năm 2013 đến nay giữa 10 nước thành viên ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Khoảng trống ở châu Á
"Sự sụp đổ của TPP sẽ tạo ra một khoảng trống ở châu Á. Người ta đang nói về việc Trung Quốc sẽ trám vào vị trí đó", BBC dẫn nhận định của kinh tế gia Harumi Taguchi của hãng tư vấn IHS Markit.
Hôm 20/11, tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Lima, Peru, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn khẳng định TPP không thể chết, và vị thế của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ suy yếu nếu TPP không được quốc hội nước này thông qua.
Trong tuyên bố chung, các nước thành viên APEC cũng cam kết ủng hộ quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu và chống lại các chính sách bảo hộ.
24 giờ sau đó, Tổng thống tân cử Donald Trump, người kế nhiệm Obama, tuyên bố ông sẽ rút Mỹ khỏi TPP ngay ngày đầu tiên sau khi nhậm chức. TPP, nhằm tạo nên khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, sẽ không thể như cũ với sự rút lui của Mỹ.
Tổng thống Obama đã đến APEC để trấn an các đối tác của mình về TPP, nhưng sau đó 1 ngày, người kế vị của ông tuyên bố sẽ kiến quyết "khai tử" hiệp định này. Ảnh: Reuters. |
Mỹ suy yếu trên vũ đài châu Á
Tuyên bố của Donald Trump và viễn cảnh TPP không còn Mỹ là một cú giáng lớn lên các đối tác châu Á trong TPP. Các nước có thể đàm phán lại TPP, nhưng dù thế nào họ cũng đã mất cơ hội xâm nhập không hạn chế vào thị trường lớn nhất thế giới.
BBC nhận định các nước nhỏ như Malaysia, vốn đang kỳ vọng TPP sẽ tháo nốt các hàng rào thương mại đối với một số mặt hàng chủ chốt của họ sẽ "vỡ mộng".
Hôm 20/11, ở Lima, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nói rằng "TPP không còn Mỹ sẽ là một hiệp định hoàn toàn khác". Ngoài ra, để có được hiệp định TPP như hiện tại, các nước thành viên đã mất đến 8 năm đàm phán. Nếu Mỹ rút ra, việc đàm phán sẽ phải bắt đầu lại và có thể sẽ kéo rất dài một lần nữa, Thủ tướng Lý nhận định.
Dang dở "xoay trục"
Về phía Mỹ, TPP là vũ khí chủ lực trong chiến lược "xoay trục" về châu Á của Tổng thống Obama. Nếu TPP sụp đổ, các đối tác sẽ nghi ngờ về vai trò của Mỹ ở khu vực này. Nếu muốn tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở đây, Mỹ sẽ phải phụ thuộc vào hợp tác quân sự thay vì thương mại, New York Times nhận định.
Dù vậy, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump tỏ ra rất ít hứng thú với khu vực này, trừ việc chỉ trích Trung Quốc lấy đi công ăn việc làm của người Mỹ.
Ông Deborah Elms, Giám đốc Trung tâm Thương mại châu Á (trụ sở tại Singapore), gọi tuyên bố của Trump là "một thông tin rất buồn thảm". "Nó báo hiệu sự cáo chung cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thương mại, và sự nhường lại cây gậy chỉ huy ở châu Á", ông Elms nói.
Chuyên gia Parag Khanna của thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng quyết định của ông Trump không bất ngờ, nhưng nó đã đánh giá thấp lợi ích mà TPP mang lại cho nước Mỹ.