Trao đổi với Zing, đại diện Central Retail (chủ sở hữu Big C, Go!, Tops Market) cho biết lượng khách đến mua hàng tại các siêu thị, đại siêu thị có dấu hiệu tăng cao do TP.HCM đang tạm dừng hoạt động các chợ tự phát.
Còn theo đại diện Saigon Co.op, lượng khách tuần qua tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile tăng trung bình 20%, giá trị hóa đơn trung bình cũng tăng nhẹ.
"Điều này đồng nghĩa với việc người dân có tâm lý mua thêm hàng hóa để hạn chế ra ngoài nhưng ở mức độ vừa phải, không xuất hiện tình trạng ồ ạt gom hàng", vị này cho biết.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là số lượng đặt hàng qua điện thoại, tổng đài và các ứng dụng công nghệ có liên kết với hệ thống Saigon Co.op tăng đột biến gần gấp 5 lần.
Người dân tăng mua siêu thị online trong cao điểm dịch bệnh. Ảnh: Saigon Co.op. |
"Hiện tại, các chợ tự phát gần nhà tôi đã ngừng hoạt động, còn TP cũng liên tục xuất hiện nhiều ca lây nhiễm mới, đặc biệt tại các siêu thị và chợ. Tôi nghĩ đặt mua thực phẩm online là giải pháp an toàn nhất", chị Ngọc Hà (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết.
Đến nay, chị chuyển hoàn toàn sang mua sắm online từ thịt, cá, rau củ cho đến trái cây. Chị tiết lộ, hầu hết siêu thị và ứng dụng đi chợ hộ đều có chính sách miễn phí giao hàng với một số mốc giá trị đơn hàng nhất định, chủ yếu không quá cao, nên chi phí mua online tương đương mua trực tiếp.
Thực tế, trong tuần qua, đại diện VinCommerce cho biết sức mua online tăng mạnh trên toàn hệ thống VinMart và VinMart+, đặc biệt tại khu vực TP.HCM. Cụ thể, dịch vụ đi chợ hộ tăng 114%, đặt hàng qua ứng dụng VinID tăng 526%, qua website VinMart.com tăng 1.239%.
Các mặt hàng được đặt onine nhiều nhất là thực phẩm thiết yếu như hàng tươi sống, rau - củ - quả, thịt, hải sản và ngành hàng bơ sữa, trứng, trái cây..., kế đến là nhóm hàng hóa mỹ phẩm.
Cùng lúc này, sức mua online tại Central Retail tăng trưởng từ 100-200% tuỳ ngày trong khu vực TP.HCM.
Còn số lượng đơn hàng qua điện thoại và ứng dụng đi chợ hộ tăng mạnh tại tất cả trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị của Aeon trong tháng 5 và đặc biệt tháng 6, tại TP.HCM. Riêng đối với siêu thị Aeon Tân Phú, số đơn hàng tăng 2-3 lần so với các tuần tháng 5, giá trị mỗi đơn hàng cũng lớn hơn, doanh thu trên kênh bán hàng qua điện thoại tăng 1,5-2 lần.
Trong khi đó, Lazada cho biết các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang chiếm ưu thế vượt trội trong nhu cầu tìm kiếm so với hồi tháng 5. Trong đó, các từ khóa về nhóm hàng bách hóa, thực phẩm tăng đến 40% lượt tìm kiếm.
Theo đánh giá của sàn này, mua sắm thực phẩm tươi sống trên thương mại điện tử đã trở thành xu hướng, trải khắp các mặt hàng từ rau củ, thịt cá và trái cây tươi, đặc biệt là nho, táo, vải thiều. Số lượng người mua và sức mua mỗi ngày (bao gồm số lượng đơn hàng và số lượng sản phẩm bán ra) đều tăng gần 70%.
"Trong 30 ngày qua, hơn 12 tấn thịt gà, 7 tấn thịt heo và 6 tấn trái cây đã được bán ra. Thậm chí, chương trình 'Deal chớp nhoáng' tháng 6 còn ghi nhận kỷ lục mới với 2 tấn thịt gà bán ra trong vòng 24 giờ và 800 kg nho đỏ bán ra trong vòng 12 giờ", vị này nói thêm.
Do đó, sàn này đang tăng cường mở rộng nguồn cung, đa dạng hóa mặt hàng, đồng thời đẩy mạnh đội ngũ vận chuyển để đáp ứng nhu cầu mua sắm gia tăng đột biến của người dân.
Còn tại Saigon Co.op, doanh nghiệp mới đây bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang bán hàng online để phục vụ cao điểm dịch. Đây đều là nhu yếu phẩm có giá tốt, trải đều từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ đến hóa phẩm may mặc và đồ dùng nhà bếp.