Derek Chauvin đã vi phạm các quy tắc hành động của Sở Cảnh sát Minneapolis, vi phạm quy tắc đạo đức về “coi trọng mạng sống” trong vụ bắt giữ George Floyd hồi tháng 5/2020, gây ra cái chết của người này, Reuters dẫn lời cảnh sát trưởng Minneapolis.
Cảnh sát trưởng thành phố Minneapolis, ông Medaria Arradondo, đã tham gia làm chứng chống lại cấp dưới của mình, cựu sĩ quan Derek Chauvin, trong phiên tòa ngày 5/4.
“Tôi hoàn toàn không đồng ý với hành động sử dụng vũ lực đó, trong tình huống ngày 25/5”, ông Arradondo phát biểu từ bục nhân chứng.
Cảnh sát trưởng Minneapolis đã bác bỏ tuyên bố của luật sư bào chữa cho rằng sĩ quan Chauvin chỉ làm theo chương trình huấn luyện suốt 19 năm qua. Bị cáo Derek Chauvin không nhận tội giết người và tội ngộ sát.
“Hành động này không nằm trong quy trình đào tạo của chúng tôi, và chắc chắn không phải là giá trị đạo đức của chúng tôi”, ông Arradondo đề cập đến việc sĩ quan Chauvin dùng đầu gối đè lên cổ nạn nhân Floyd hơn 9 phút đồng hồ.
Cảnh sát trưởng thành phố Minneapolis, ông Medaria Arradondo. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Arradondo, các sĩ quan đã được đào tạo để đối xử công bằng với người dân, đã tuyên thệ sẽ “coi trọng mạng sống”. Họ còn được đào tạo bài bản về kỹ năng sơ cứu và tham gia các khóa học bổ túc hàng năm.
Cảnh sát trưởng Minneapolis cho biết các sĩ quan chỉ được dùng một lực “nhẹ đến trung bình” khi trấn áp nghi phạm tại vùng cổ. Song Chauvin đã tiếp tục đè gối lên cổ ngay cả khi ông Floyd bất tỉnh, thậm chí không sơ cứu khi nạn nhân hấp hối.
Theo các chuyên gia trong ngành luật, việc một sĩ quan cảnh sát cấp cao ra làm chứng chống lại cấp dưới của mình là điều hết sức bất thường. Bị cáo Derek Chauvin cùng 3 sĩ quan có liên quan đã bị sa thải chỉ một ngày sau vụ bắt giữ George Floyd.
Trong tuyên bố mở đầu phiên tòa hồi tuần trước, một công tố viên nói với bồi thẩm đoàn rằng họ sẽ dành thời gian lắng nghe cảnh sát trưởng Arradondo. Hồi năm ngoái, ông Arradondo cũng cáo buộc cấp dưới Chauvin, khẳng định rằng: “Đây là một vụ giết người, không phải là một sơ suất do sự thiếu đào tạo”.