Chia sẻ với Zing, bà Trúc Nguyễn, Tổng giám đốc Shopback Việt Nam, cho biết từ khi ra mắt bản thử nghiệm vào tháng 12/2019 đến nay, nền tảng đã đầu tư hơn 15 triệu USD vào thị trường Việt Nam.
"Trong năm nay, dựa vào tình hình thị trường, nhu cầu khách hàng và sự sẵn sàng của đối tác về mặt kỹ thuật và sản phẩm, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp", bà nói thêm.
Shopback hiện có nhiều đối tác ở đa dạng lĩnh vực. |
Đây là một nền tảng hoàn tiền có trụ sở tại Singapore, với nhà đầu tư lớn nhất là Rakuten, một công ty thương mại điện tử, tài chính và nội dung số lớn trên thế giới. Ông lớn công nghệ này vốn có tiếng trong mảng mua sắm hoàn tiền ở Mỹ, châu Âu và các quốc gia phát triển.
Bên cạnh Rakuten Capital, Shopback cũng được nhiều nhà đầu tư khác như EV Growth, Temasek Holdings, Credit Saison... rót vốn. Đến nay, công ty này đã huy động được tổng cộng 113 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2014.
Lý giải về khoản đầu tư tại Việt Nam, công ty cho rằng thị trường thương mại điện tử ở đây thuộc hàng tăng trưởng cao nhất nhì trong khu vực, đặc biệt khi tỷ lệ phổ cập Internet và sử dụng điện thoại di động lớn.
Bên cạnh đó, các đối tác lâu năm của Shopback ở những thị trường khác như Shopee, Lazada hay các thương hiệu khác đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam.
Tính đến tháng 3, sau hơn 8 tháng chính thức hoạt động, Shopback sở hữu 1,2 triệu người dùng, với tổng số tiền hoàn lại khoảng 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Trúc Nguyễn cho biết doanh nghiệp chưa có mục tiêu về lợi nhuận.
"Trong 2-3 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung gia tăng số lượng khách hàng và đối tác. Với đà tăng trưởng như thời gian qua, đến cuối năm nay, Shopback có thể vượt mốc 2 triệu người dùng", bà chia sẻ.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, thị trường Việt Nam đón nhận nhiều ứng dụng hoạt động theo mô hình hoàn tiền khi mua sắm. Bên cạnh các ngân hàng, ví điện tử vốn quen thuộc với hình thức này, các nền tảng như Tích lũy, Finhay, Cashbag, Shopback, Catback... cũng lần lượt gia nhập.
Trong đó, Finhay là một trong những ứng dụng gây chú ý khi nhận đầu tư từ nhiều quỹ trong và ngoài nước như H2 Ventures, Insignia Ventures Partner, Chứng khoán Thiên Việt... Ở lần công bố gần nhất giữa năm 2020, nền tảng đầu tư và tích luỹ này cho biết đang phục vụ 100.000 người dùng, với giá trị các giao dịch đã thực hiện đạt 45 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi dụng bối cảnh phát triển của mô hình hoàn tiền, một số nền tảng đa cấp khác cũng "núp bóng", đơn cử là MyAladdinz. Điểm khác biệt lớn nhất được chỉ ra là các ứng dụng nói trên không cho phép người dùng nộp tiền vào tài khoản như các nền tảng đa cấp.