Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam diễn ra vào 20/4, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có những bước tăng trưởng ấn tượng. Ước tính chung năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD.
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 cho biết tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 hoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. Báo cáo dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và đạt quy mô 15 tỷ USD.
VECOM cũng dẫn báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.
Covid-19 làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng, tạo cú hích để bứt phá trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Thương. |
Theo ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành VECOM đánh giá quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay vẫn đang tập trung ở hai trung tâm kinh tế lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM. Xu hướng hiện nay và nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và được coi là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam.
"Người ta xài nhiều hơn vào hàng hiệu, hàng giá trị cao hay tiết kiệm để mua sắm thiết yếu hơn đều là cơ hội cho nhà bán lẻ", lãnh đạo VECOM nhìn nhận về thị trường thương mại điện tử sắp tới.
Đồng quan điểm trên, ở góc độ đội ngũ vận hành một trang thương mại điện tử quy mô lớn trên thế giới, ông Trịnh Khắc Toàn, đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cho biết tỷ trọng thương mại điện tử đang tăng mạnh. "5 năm qua tăng trưởng của doanh số bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử thế giới tăng lên 22%, dự báo năm 2021 mức độ tăng trưởng hơn 20%", ông cho biết.
Thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử Amazon để kết nối với các nhà phân phối và tiếp cận 300 triệu người tiêu dùng khắp thế giới.
"Khi bán hàng trên Amazon, người bán hàng Việt cần tận dụng tối đa năng lực hoàn thiện đơn hàng đồng thời chú ý xây dựng thương hiệu ngay từ ngày đầu tiên khởi tạo bán hàng trên Amazon như thương hiệu gạo Ecoba, Trung Nguyên Legend...", ông Toàn nhấn mạnh.
Kết quả khảo sát nhanh của VECOM vào tháng 5/2020 tiếp tục được củng cố cho cả năm 2020 và đầu năm 2021, cho biết một mặt các doanh nghiệp đã năng động, thích nghi và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến, mặt khác cộng đồng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng nhanh.
Theo VECOM, năm 2020 dịch vụ tiếp thị số tăng trưởng chững lại một chút nhưng vẫn ở mức cao. Doanh số của lĩnh vực này năm 2010 khoảng 26 triệu USD, năm 2015 tăng lên 329 triệu USD. Theo báo cáo xu hướng tiếp thị số Việt Nam 2021, doanh số tiếp thị số năm 2019 là 716 triệu USD và dù gặp đại dịch Covid-19 nhưng con số này năm 2020 vẫn đạt 820 triệu USD và dự đoán năm 2021 sẽ tiền tới con số 1 tỷ USD.
Liên quan tới bán lẻ hàng hóa trực tuyến, theo khảo sát của VECOM, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát thấp hơn so với tốc độ tăng sản lượng.