"Thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể đăng ký ra sao thì được đi ship, không có danh sách đâu là mặt hàng thiết yếu, tiêu chí nào đánh giá hàng thiết yếu. Đi làm những ngày này, mình bối rối, không biết hàng mình ship liệu có được tính là hàng thiết yếu không", anh Q. Đại - ngụ quận 9, TP Thủ Đức, tài xế đối tác của một ứng dụng gọi xe - chia sẻ.
"Mình có bị phạt không, liệu xuất trình đơn hàng trên ứng dụng có đủ để qua chốt kiểm dịch không", anh Q. Đại (Quận 9, TP Thủ Đức) nói thêm.
Không chỉ anh Đại, rất nhiều tài xế đối tác chạy dịch vụ giao hàng (shipper) đang hoạt động tại địa bàn TP.HCM cũng gặp khó khăn khi chưa được hướng dẫn cụ thể về quy trình đăng ký hoạt động cũng như giấy tờ cần mang theo trong thời gian thành phố tăng cường giãn cách nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Chờ hướng dẫn
Ngày 25/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định shipper trên địa bàn thành phố phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19, chỉ được hoạt động trên địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức nếu có thẻ đeo, có dấu hiệu nhận diện, thể hiện thông tin cá nhân cho thấy thuộc diện được phép hoạt động.
TP.HCM đang siết quản lý với shipper trong giai đoạn giãn cách xã hội. Ảnh: Duy Hiệu. |
Công ty phải đăng ký danh sách shipper và địa bàn hoạt động cho Sở Công Thương và Sở Giao thông Vận tải. Các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị…), phải đăng ký, xác nhận cấp thẻ cho từng shipper tại các xã, phường, thị trấn. Phạm vi hoạt động của những người này cũng chỉ trong địa bàn quận, huyện cụ thể.
Ông cũng khẳng định Giám đốc Sở Công Thương cùng đại diện lãnh đạo Công an TP đã làm việc với các nhà phân phối để thống nhất phương án thời gian sắp tới. Như vậy, trước khi phương án được thống nhất, lực lượng shipper toàn TP.HCM vẫn phải hoạt động kiểu "mò mẫm".
"Ai bị phạt vì ship món gì thì đăng lên nhóm để những người khác tránh thôi, chưa có danh sách cụ thể món gì là hàng thiết yếu nên rất khó cho chúng tôi khi nhận hàng", anh Đ. Tâm - ngụ quận Gò Vấp, tài xế đối tác của một ứng dụng giao hàng - cho biết.
"Điểm bán khẳng định họ vẫn được bán vì đây là hàng thiết yếu nhưng lực lượng chức năng lại phạt thì chúng tôi cũng không thanh minh được", anh tâm tư. "Rồi còn chuyện thẻ tên, dấu hiệu nhận diện, tôi cũng chưa được hướng dẫn cụ thể ra sao, lấy thẻ ở đâu".
Đang làm việc với Sở GTVT
Ngay cả các doanh nghiệp vận hành ứng dụng gọi xe cũng rơi vào tình trạng "bối rối", phải chờ hướng dẫn từ cơ quan chức năng để có biện pháp hỗ trợ các tài xế đối tác, shipper trên địa bàn TP.HCM khi UBND TP liên tục siết kiểm soát với nhóm lao động này trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Chia sẻ với Zing, đại diện Gojek cho hay doanh nghiệp đang làm việc với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và Sở Công thương TP.HCM để có hướng dẫn cụ thể giúp các tài xế đối tác của doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Tương tự, phía Grab cũng khẳng định chưa nhận được hướng dẫn từ Sở GTVT và sẽ có biện pháp hỗ trợ các tài xế đối tác đăng ký, lấy thẻ tên ngay khi có công văn hướng dẫn.
Các doanh nghiệp vận hành ứng dụng gọi xe, giao hàng đang chờ hướng dẫn từ Sở GTVT TP.HCM nhằm hỗ trợ shipper đăng ký thông tin. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đại diện Baemin cũng cho hay doanh nghiệp đang làm việc với cơ quan chức năng để tìm hiểu cụ thể yêu cầu của UBND TP.HCM cũng như lên danh sách tài xế đối tác để cung cấp cho cơ quan quản lý nhằm triển khai theo yêu cầu của thành phố.
"Chỉ mong thành phố sớm hướng dẫn đăng ký, phát thẻ tên cũng như có danh sách các mặt hàng cụ thể được phép ship để anh em shipper yên tâm đi chuyển hàng. Như có anh shipper ở quận 1 chở gạo cũng bị phạt 2 triệu đồng, chúng tôi rất hoang mang vì gạo rõ ràng trong nhóm mặt hàng thiết yếu", anh Tâm nói.
Trước đó, tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM sáng 25/7, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm khẳng định shipper chỉ được hoạt động nếu vận chuyển mặt hàng thiết yếu. Họ được quyền từ chối hàng hóa không phải thiết yếu.
"Lực lượng chức năng kiểm tra nếu không phải shipper và không chở mặt hàng thiết yếu thì có thể xử lý", ông Lâm cho hay.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết lực lượng chức năng đang tăng quản lý, tuần tra người ra đường không lý do, đặc biệt trường hợp mua bán trang phục của shipper để ra đường, sắp tới, ngành chức năng sẽ có biện pháp cụ thể hơn để giải quyết.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.
Tại Hà Nội, Sở Công Thuơng thành phố sẽ là đơn vị tổng hợp danh sách nhân viên giao hàng bằng xe môtô 2 bánh (shipper) cho các siêu thị trên địa bàn thành phố có nhu cầu hoạt động. Tương tự, các đơn vị bưu chính sẽ tổng hợp danh sách bưu tá thuộc quyền quản lý có nhu cầu hoạt động.
Các đơn vị, tổ chức sẽ tiến hành đăng ký danh sách thông qua email của Sở GTVT, trong đó nêu đầy đủ thông tin như tên, số điện thoại của nhân viên để Sở xác nhận. Căn cứ vào danh sách đề nghị của doanh nghiệp, tổ chức, Sở GTVT sẽ xác nhận thông tin trực tiếp cho nhân viên vận chuyển bằng tin nhắn.
Sau khi nhận được tin nhắn, nhân viên vận chuyển có trách nhiệm chụp lại màn hình tin nhắn xác nhận của Sở GTVT và xuất trình khi lực lượng chức năng yêu cầu.