Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sếp Vietjet: 'Tỷ lệ chuyến bay đúng giờ 100% là không tưởng'

Theo Vietjet Air, tỷ lệ bay đúng giờ của hãng năm 2018 thuộc nhóm cao trên thế giới. Hứa sẽ cải thiện chỉ số này, lãnh đạo hãng nhấn mạnh không thể đạt tỷ lệ 100%.

Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2019, Vietjet Air thông báo năm 2019 công ty đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu vận tải hàng không lên 42.250 tỷ đồng, lợi nhuận từ vận tải hàng không là 3.800 tỷ đồng, chuyên chở gần 28 triệu lượt khách.

Tiềm năng thị trường không giới hạn

Vietjet khẳng định tiếp tục đặt trọng tâm vào việc mở rộng các đường bay quốc tế với kế hoạch cụ thể mở thêm hơn 20 đường bay mới.

Theo Vietjet, việc mở rộng khai thác đường bay quốc tế giúp hãng tăng cường doanh thu ngoại tệ từ bán vé, tận dụng lợi thế giá nhiên liệu thấp hơn trong nước cũng như tăng tỷ trọng doanh thu các mặt hàng phụ trợ vốn có tỷ suất lợi nhuận cao từ phân khúc khách hàng có thu nhập cao.

Năm 2018, trong tổng doanh thu vận tải hàng không 33.778 tỷ đồng của Vietjet, doanh thu vận chuyển hành khác quốc tế chiếm 4.945 tỷ đồng, còn doanh thu vận chuyển hành khách nội địa là 12.827 tỷ đồng.

So với năm 2017, doanh thu từ vận chuyển hành khách quốc tế tăng hơn 104% trong khi doanh thu từ vận chuyển hành khách nội địa chỉ tăng 19%.

Vietjet cũng trình bày định hướng phát triển trong 3 năm tới với mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu về lượng khách vận chuyển nội địa, mở rộng hiệu quả các đường bay quốc tế, xem xét các cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ga, dịch vụ kỹ thuật, mặt đất, đào tạo.

Dai hoi dong Co dong Vietjet Air anh 1
Đại hội đồng Cổ đông thường niên của Vietjet Air diễn ra tại TP.HCM sáng 19/4.

Nói với cổ đông, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet, cho rằng dư địa phát triển của hàng không Việt Nam nói chung và Vietjet nói riêng còn rất lớn với cả thị trường quốc tế và nội địa trong 5-20 năm tới. 

"Từ Sài Gòn, Hà Nội, qua các nước có thời gian bay dưới 5 giờ chiếm tới một nửa dân số thế giới. Trong khi đó, việc đi Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... ngày càng đơn giản. Chúng tôi đang làm việc với các nước để đơn giản hóa thủ tục. Khi đó, việc đi lại còn tăng cao hơn nữa. Thị trường là không giới hạn", ông Khánh nói. 

Với các đường bay nội địa, ông Khánh cho rằng nhu cầu đi lại tăng cao trong khi di chuyển bằng tàu hỏa, ôtô mất thời gian, hàng không vẫn là lựa chọn hàng đầu.

"Ở Việt Nam, sở hữu máy bay rất đắt đỏ"

Về kế hoạch phát triển đội tàu bay và phi cơ, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietjet, mỗi năm, Vietjet sẽ sở hữu thêm 3-5 máy bay mới. Hiện nay hãng đã sở hữu 1 máy bay và 4 chiếc khác sở hữu tương lai, khi hết thời hạn thuê. 

Về số máy bay khai thác, năm 2019, hãng sẽ bổ sung 12 máy bay, tăng 19%. 

Theo ông Nam, Vietjet sẽ dùng nhiều nguồn huy động tài chính khác nhau ngoài sale and leaseback để phát triển đội bay như phát hành trái phiếu, sử dụng bảo lãnh của các công ty bảo hiểm để định chế trong nước, quốc tế cung cấp gói vay tài chính.

"Để đảm bảo tăng trưởng đội bay, chúng tôi có nhiều giải pháp để có chi phí tài chính tốt nhất. Lịch sử 7 năm của Vietjet luôn ghi nhận việc đảm bảo tăng trưởng cho hãng với chi phí thấp. Khi uy tín của Vietjet tăng, chi phí tài chính sẽ giảm, nguồn cung từ các định chế tài chính cũng nhiều hơn", ông Nam trình bày. 

Dai hoi dong Co dong Vietjet Air anh 2
Mỗi năm đội bay của Vietjet sẽ có thêm 3-5 tàu bay mới. Ảnh: Hung Chia Chen/Planespotter.net.

Tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo bổ sung việc sở hữu máy bay sẽ giúp hãng giảm chi phí 1 triệu USD trên mỗi tàu bay so với đi thuê nếu nhận được khoản tài trợ tài chính tốt dựa trên sức khỏe tài chính và uy tín của Vietjet. 

"Ở thị trường Việt Nam, việc vay USD ngân hàng theo mức lãi suất 5% thì chi phí sở hữu máy bay rất đắt đỏ, còn đắt hơn đi thuê. Vì thế Vietjet ưu tiên phát triển đội bay dựa vào các nguồn tài chính ưu đãi, giá rẻ theo tỷ lệ 1 tàu bay sở hữu và 5 tàu bay thuê tài chính. Hết thời hạn thuê, máy bay sẽ thuộc sở hữu của Vietjet trong tương lai", Tổng giám đốc Vietjet phát biểu.

Tại đại hội, Vietjet thông báo bổ sung một thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2017-2022 là ông Donal Joseph Boylan. Ông Boylan sinh năm 1963, từng giữ vị trí điều hành và thành viên HĐQT của nhiều công ty tài chính hàng không trong lĩnh vực bán và thuê lại tàu bay tại châu Âu và Hong Kong như Avolon, Hong Kong Aviation Capital.

Cùng với việc phát triển đội bay, tình hình phát triển đội ngũ phi công của Vietjet cũng được các cổ đông quan tâm. 

Theo bà Thảo, hãng hàng không của mình hiện cần 9 phi công mới mỗi tháng, trong đó có 7 phi công do chính Vietjet đào tạo và 2 người tuyển dụng từ bên ngoài. 

"Bay đúng giờ 100% là không tưởng"

Theo Vietjet, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ (OTP) của hãng năm 2018 đạt mức 84,2%, ở mức tốt so với chỉ số OTP bình quân trên thế giới là 78,69% theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết thêm tỷ lệ OTP năm 2018 của Vietjet tăng gần 1% so với cùng kỳ 2017.

"Số lượng chuyến bay tăng đáng kể nên nếu xét trên số tuyệt đối thì con số là lớn, tương đương vài chục nghìn chuyến bay", bà nói. 

Bà Thảo cho rằng mong đợi của khách hàng về việc giảm tỷ lệ chậm chuyến là rất lớn và Vietjet sẽ nỗ lực nhưng nhấn mạnh chỉ số của Vietjet so với thế giới vẫn tốt và khẳng định tỷ lệ OTP 100% là không tưởng.

Cũng liên quan đến vấn đề khai thác, lãnh đạo Vietjet được chất vấn hãng sẽ quản lý chi phi thế nào khi giá xăng dầu biến động và có phòng vệ rủi ro về giá nhiên liệu hay không.

Ông Tô Việt Thắng, Phó tổng giám đốc phụ trách khai thác, cho biết chi phí nhiên liệu trên mỗi ghế của Vietjet là 0,43 cent, mức tương đối thấp trong khu vực. Nhờ đó, hãng tăng lợi nhuận khai thác bay thêm 48,9% trong năm 2018.

Ông Thắng cũng cho biết hướng phát triển đội tàu bay của Vietjet là tiếp nhận những dòng máy bay có khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Ông Thắng dẫn chứng năm 2018 Vietjet nhận 16 tàu bay của Airbus thì có 6 máy bay thuộc dòng Neo giúp tiết kiệm 15% chi phí nhiên liệu.

"Chúng tôi có chính sách lựa chọn đối tác cung cấp nhiên liệu chất lượng tốt. Vietjet giảm thiểu chênh lệch sang nhượng, chọn điểm cung cấp với giá thấp nhất", ông Thắng nói thêm.

Về chính sách quản lý chi phí với giá khai thác, phó tổng giám đốc Viejet cho biết hãng có dự phòng phòng vệ rủi ro về giá nguyên liệu. "Chúng tôi chưa làm, nhưng đã có phương án sẵn sàng với 30-60% tổng chi phí nguyên liệu trong 3-6 tháng", ông Thắng cho hay.

Hành trình máy bay Thai Vietjet quay đầu hạ cánh ở Bangkok Chuyến bay mang số hiệu VZ940 của Thai Vietjet Air khởi hành trưa 15/4 từ Bangkok đi Đà Lạt phải quay đầu sau hơn 20 phút và hạ cánh khẩn cấp xuống thủ đô Thái Lan sau 41 phút.

Vietjet Air dự kiến chi 1.625 tỷ trả cổ tức

Hội đồng quản trị Vietjet Air vừa công bố sẽ tiếp tục tạm ứng cổ tức cho cổ đông 10% bằng tiền, nâng tổng cổ tức bằng tiền lên khoảng 30%, tương ứng khoảng 1.625 tỷ đồng.



Việt Đức

Bạn có thể quan tâm