Ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu Roscosmos, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng mục đích của các biện pháp trừng phạt là bóp nghẹt nền kinh tế Nga và uy hiếp người dân Nga.
Tuy nhiên, ông khẳng định họ "sẽ không thành công trong việc đó”, theo Guardian.
“Đó là lý do tôi tin rằng việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và các dự án khác chỉ có thể được thực hiện khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn và vô điều kiện”, ông Rogozin nói.
ISS là sự hợp tác giữa Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada và Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Ảnh: AP. |
Bên cạnh đó, ông Rogozin cho biết các đề xuất của Roscosmos về thời điểm kết thúc hợp tác trên ISS với các cơ quan không gian của Mỹ, Canada, EU và Nhật Bản sẽ sớm được báo cáo với chính quyền Nga. Trước đó, ông đã nói rằng các lệnh trừng phạt có thể "phá hủy" quan hệ đối tác Mỹ - Nga trên ISS.
Bất chấp căng thẳng giữa Nga và phương Tây, một phi hành gia Mỹ và hai phi hành gia Nga đã hạ cánh an toàn xuống Kazakhstan hôm 30/3 sau khi rời trạm vũ trụ trên con tàu Soyuz của Nga.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu tháng trước cho biết họ đang tạm ngừng hợp tác với Roscosmos trong sứ mệnh thám hiểm ExoMars để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên bề mặt sao Hỏa.
Trước đó, ông Rogozin từng cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt có thể làm gián đoạn hoạt động của những tàu Nga phục vụ cho ISS.
Phương Tây đã đưa ra các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm vào Nga sau khi Moscow tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.