Hơn một tháng nữa, SEA Games 31 sẽ khai mạc tại Việt Nam. Nước chủ nhà đang nỗ lực, chuẩn bị về mọi phương diện để mang tới kỳ đại hội thể thao khu vực ấn tượng.
Chia sẻ với Zing, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến nói về những khó khăn, nỗ lực và mục tiêu của thể thao Việt Nam ở kỳ đại hội trên sân nhà.
Bà Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ trong một sự kiện quốc tế. Ảnh: Đăng Huy. |
Công tác chuẩn bị SEA Games đã hoàn thành 90-95%
- Bà đánh giá thế nào về công tác tổ chức SEA Games ở thời điểm hơn một tháng trước đại hội?
- Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai SEA Games sau 19 năm. Chỉ còn hơn 40 ngày nữa là khai mạc đại hội, mọi công tác chuẩn bị đang được triển khai khẩn trương và gấp rút hoàn tất.
Chúng ta có 9 tiểu ban và các trung tâm điều hành, thúc đẩy hoàn tất những công đoạn cuối cùng, từ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, an ninh, giao thông, y tế, khánh tiết, truyền thông đến những công tác khác... Tất cả đang diễn ra đúng tiến độ.
- Đến lúc này, cơ sở vật chất phục vụ SEA Games đã được đảm bảo chưa?
- Việt Nam có 12 địa phương đăng cai SEA Games gồm Hà Nội và 11 địa phương khác là Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Giang. Hà Nội là thành phố đăng cai nhiều môn nhất với 20 môn thi đấu.
Các địa phương rất quyết tâm, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất. Chúng ta hầu như không xây mới, mà chủ yếu nâng cấp, sửa sang lại những cơ sở sẵn có. Chỉ một số cơ sở xây mới như trung tâm quần vợt Hanaka ở Bắc Ninh, trường bắn ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội.
Đến nay, 90-95% công đoạn chuẩn bị, nâng cấp, sửa chữa và trang trí đã hoàn tất. Riêng TP Hà Nội đặt mức A, mức cao nhất trong việc chuẩn bị cho đại hội. Bạn đi đường những ngày này sẽ thấy đường phố thủ đô đã bắt đầu có những trang trí phục vụ cho SEA Games.
- Dịch Covid-19 được xác định là khó khăn lớn trong công tác tổ chức đại hội. Chúng ta đã chuẩn bị như thế nào và có các biện pháp chống dịch ra sao?
- Tổ chức SEA Games trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn phức tạp là nhiệm vụ khó khăn của ban tổ chức khi có khối lượng lớn công việc cần hoàn thành. Ngay những việc đầu tiên như mua trang thiết bị, đấu thầu đồ thể thao từ nước ngoài về cũng gặp khó khăn hoặc bị hoãn, bị chậm tiến bộ. Tuy nhiên, mọi việc đang dần được khắc phục.
Về phần con người tham gia, tất cả quan chức, HLV, VĐV, trọng tài... đều phải tuân thủ quy định chặt chẽ của Bộ Y tế. Chúng tôi đã lên danh sách các bệnh viện ở gần những địa điểm thi đấu. Đội ngũ y tế phục vụ SEA Games được chia thành 2 tổ gồm phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khách sạn. Ban tổ chức đã lên kế hoạch chi tiết để xử lý trong trường hợp dịch bệnh xảy bùng phát.
Sân Mỹ Đình được sửa sang để chuẩn bị cho SEA Games 31 tổ chức vào tháng 5. Ảnh: Việt Linh. |
Người hâm mộ không phải xét nghiệm khi tới xem SEA Games
- VĐV đương nhiên là nhân vật chính của SEA Games. Chúng ta chuẩn bị phòng và chống dịch cho họ như thế nào?
- Số lượng vận động viên dự SEA Games hiện vào khoảng 7.000 người, riêng Việt Nam có 1.000 vận động viên. Ban tổ chức đã có phương án xét nghiệm một lần/ngày cho các vận động viên ở các địa điểm thi đấu. Nếu đến tháng 5, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các ca nhiễm giảm về mức thấp, chúng tôi sẽ tính toán để điều chỉnh phương án xét nghiệm cho phù hợp.
Các đoàn vận động viên trước khi tới Việt Nam dự SEA Games đều được xét nghiệm nhanh trong 24 tiếng trước khi lên máy bay, phải có kết quả âm tính thì mới được tới Việt Nam.
Nếu có VĐV mắc Covid-19 trong quá trình thi đấu, họ sẽ được cách ly tại khách sạn nơi đoàn thể thao của vận động viên đó ở còn trường hợp nặng sẽ được đưa đến bệnh viện điều trị. Các vận động viên tiếp xúc gần với ca nhiễm (F1) sẽ được xét nghiệm hàng ngày. Ban tổ chức quyết tâm để các môn thi diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
- Còn người hâm mộ thì sao? Họ sẽ có được tiếp cận và theo dõi SEA Games chứ?
- Ở SEA Games, người hâm mộ sẽ được góp mặt để trực tiếp cổ vũ cho vận động viên. Chúng ta có 3 mức độ là hạn chế khán giả, ít khán giả và có khán giả, chứ SEA Games 2021 không có mức độ không có khán giả.
Theo kịch bản hiện tại, SEA Games dự kiến mở cửa cho 30-50% khan giả. Chúng ta đã có những bài học từ Olympic Tokyo và từ việc tổ chức các trận vòng loại World Cup. Việt Nam muốn người hâm mộ có cơ hội tới sân theo dõi SEA Games mà 20 năm mới trở lại đất nước của chúng ta. Ban tổ chức sẽ nỗ lực để mang tới một kỳ đại hội thân thiện, mến khách.
- Khán giả tới cổ vũ SEA Games có phải xét nghiệm Covid-19 không?
- Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khán giả không cần xét nghiệm Covid-19 trước khi vào sân. Còn với yêu cầu tiêm 2 mũi vaccine, chúng ta hiện có ứng dụng PC-Covid để kiểm tra, có thể dễ dàng quét mã ở các địa điểm vào sân. Việc xét nghiệm Covid-19 là ý thức tự giác của khán giả, Bộ Y tế không yêu cầu.
Các đối tượng tham gia SEA Games như vận động viên, HLV, tình nguyện viên, phóng viên mới cần xét nghiệm. Có thể đến tháng 5, hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ thay đổi, phù hợp với tình hình ở thời điểm diễn ra sự kiện hơn.
- Giới quan sát tin tổ chức SEA Games thành công là cơ hội để nâng cao vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đó hẳn là cái đích lớn mà chúng ta đang hướng tới?
- Việc tổ chức đại hội thể thao có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, các vận động viên được cọ xát thi đấu, nâng cao thành tích. Thứ hai, chúng ta có cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thu hút khách du lịch trong bối cảnh bình thường mới.
Tổ chức SEA Games 31 thành công cũng cho thấy chúng ta có thể vượt qua trở ngại dịch bệnh, nhờ vậy thu hút thêm nguồn lực đầu tư cho thể thao, mang lại nguồn thu cho quốc gia về du lịch, kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao hình ảnh và vị thế con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, gắn kết các nước khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới.
Tổ chức được SEA Games sẽ là lời khẳng định dù khó khăn, Việt Nam vẫn có thể làm được. Đó là mục tiêu để ngành thể thao Việt Nam luôn hướng tới.
Trái với cung cách của nhiều chủ nhà SEA Games khác, Việt Nam gây ấn tượng khi đưa hàng loạt nội dung Olympic vào chương trình thi đấu. Ảnh: Minh Chiến. |
150 HCV SEA Games nếu muốn nhất toàn đoàn
- Đi đôi với thành công trong tổ chức, chúng ta đương nhiên nhắm tới thành tích cao ở SEA Games?
- Nhiều kỳ SEA Games gần đây, Việt Nam đều đạt mục tiêu nằm trong top 3. Chiến lược thể thao đề ra của chúng ta cũng là luôn nằm trong tốp đầu SEA Games, nghĩa là 3 vị trí hàng đầu. Ở các môn Olympic quan trọng như điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng... chúng ta đều đã đạt được những thành tích hàng đầu. Tại SEA Games 2019, điền kinh, bơi lội của ta đã vượt qua Thái Lan còn bóng đá nam, nữ có HCV SEA Games.
Bởi vậy, mục tiêu của chúng ta ở đại hội lần này là nằm trong tốp đầu và cố gắng giành thành tích cao nhất ở các môn Olympic đồng thời bảo vệ thành công HCV bóng đá nam và bóng đá nữ.
- Tôi đã xem nhiều cuộc đấu tuyển chọn nội bộ ở các đội tuyển trước SEA Games. Không khí cạnh tranh quyết liệt ở các cuộc đấu ấy nói lên điều gì?
- Các VĐV cũng quyết tâm cao vì không phải ai cũng có một lần trải nghiệm thi đấu SEA Games trên sân nhà. Như điền kinh, mỗi nội dung chỉ có 2 VĐV cho một nước nên cuộc cạnh tranh cực kỳ gắt gao để giành được suất dự SEA Games.
Chúng ta cứ nghĩ SEA Games chỉ là ao làng, chỉ là Đông Nam Á nhưng để mà tham dự được SEA Games cũng là cực kỳ khó khăn. Đại hội khu vực nhưng quy tụ nhiều VĐV đẳng cấp của châu Á dưới màu áo Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines... Khu vực Đông Nam Á có không ít những VĐV giành huy chương Olympic nên cạnh tranh là cực kỳ khó khăn.
Không có Ánh Viên, thể thao Việt Nam vẫn có những VĐV đẳng cấp không chỉ ở khu vực mà còn với châu lục. Ảnh: Minh Chiến. |
- Nhiều người hâm mộ thấy tiếc vì SEA Games này, Việt Nam không còn Nguyễn Thị Ánh Viên, người đã giành rất nhiều HCV ở các đại hội trước?
- Khi những VĐV kỳ cựu chấn thương, từ giã hoặc đi ngang phong độ, chúng ta vẫn có những VĐV thay thế họ. Dù sự thay thế ấy không phải hoàn toàn, họ vẫn là những điểm sáng sau các đàn anh, đàn chị.
Ví dụ Ánh Viên, em của bạn ấy là Nguyễn Quang Thuấn mới 16 tuổi, cũng sẽ dự SEA Games này. Viên năm xưa cũng 15-16 tuổi đã giành nhiều huy chương. Ngoài ra, bơi Việt Nam cũng đã có Huy Hoàng, người giành HCB Asian Games và nằm trong tốp đầu thế giới ở Olympic Tokyo vừa qua. Việt Nam vẫn có những VĐV kế cận, thay thế 100% lớp đi trước thì không nhưng chúng ta rõ ràng có những lựa chọn.
- Sau SEA Games sẽ là Asian Games ở Hàng Châu và xa hơn là Olympic 2024, thể thao Việt Nam đã chuẩn bị thế nào cho những mục tiêu gối đầu ấy?
- Mục tiêu của thể thao Việt Nam là mục tiêu liên thông từ SEA Games tới ASIAD và Olympic. Trước đây, chúng ta đặt mục tiêu SEA Games rồi ASIAD và Olympic. Mục tiêu mới tương tự như vậy, nhưng có thay đổi về chiến lược là đưa các môn Olympic làm mũi nhọn, tập trung trọng điểm vào các môn Olympic rồi sau đó mới là ASIAD và SEA Games. Các mục tiêu này liên thông và bổ trợ cho nhau để cùng đạt được.
Ở SEA Games, Việt Nam muốn nhất toàn đoàn thì phải có khoảng 150 VĐV. Tới Hàng Châu, mục tiêu có thể là 2-4 HCV. Còn Olympic là chặng đường dài hơi hơn. Chúng ta chỉ mong có huy chương chứ chưa nghĩ tới HCV như Hoàng Xuân Vinh đã giành được. Đương nhiên, HCV không phải là không thể có nếu ta đầu tư đúng bài bản và có nguồn lực thực sự đủ mạnh từ nhà nước, xã hội...
- Cảm ơn bà vì cuộc trao đổi.