Theo báo cáo mới nhất về bất động sản hàng hiệu (branded residences) trên toàn cầu của Savills, 3 thị trường đứng đầu toàn cầu trong năm nay là Dubai, South Florida và New York.
Điều đáng nói, Việt Nam cũng được xếp vào nhóm 4 thị trường có tốc độ tăng trưởng nguồn cung tốt với số lượng thương hiệu nổi tiếng gia nhập thị trường trong tương lai lớn nhất, ước tính đón hơn 30 thương hiệu.
BĐS hàng hiệu ngày càng nhiều, lập kỷ lục về giá bán
Thực tế, cái nôi của bất động sản hàng hiệu là vùng Bắc Mỹ, nhưng đến nay, các nhà phát triển đang liên tục mở rộng sang các khu vực khác có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tại Việt Nam, khái niệm này dù chỉ mới xuất hiện cách đây vài năm nhưng xu hướng cũng đang được thấy rõ.
Trong đó, các thành phố ven biển là điểm đến ưa chuộng nhất. Điển hình như Đà Nẵng với dự án hàng hiệu Le Méridien hay Fusion Resort & Villas, hay mới đây có dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa ở Hồ Tràm do Tập đoàn Hyatt quản lý. Dự án này đã được khởi công từ năm 2021, giá bán khoảng 18-68 tỷ đồng/căn.
Ở các thành phố lớn, Tập đoàn khách sạn Marriott International vận hành 2 dự án căn hộ cao cấp The Grand Hanoi ở Hà Nội và Grand Marina Saigon tại TP.HCM. Thống kê hồi tháng 9 của CBRE cho thấy tỷ lệ hấp thụ ở cả 2 dự án này đều từ 70% trở lên, với giá bình quân lần lượt là 25.000 và 14.700 USD/m2.
Marriott International còn dự kiến mở rộng hoạt động với gần 9.000 phòng khách sạn và căn hộ hàng hiệu đưa vào thị trường trong vòng 4 năm tới.
Một dự án căn hộ hàng hiệu ngay trung tâm TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Với xu hướng phát triển của bất động sản hàng hiệu, một số thương hiệu cũng đã bắt đầu phát triển dự án ở các tỉnh, thành vệ tinh. Đơn cử như khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Ba Vì do Tập đoàn khách sạn Melia quản lý.
Đáng chú ý, thị trường Việt Nam cũng bắt đầu có sự gia nhập của thương hiệu hàng xa xỉ vốn không hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng. Đó là thương hiệu thời trang cao cấp Elie Saab với dự án khu dinh thự The Rivus (TP Thủ Đức), đẩy giá biệt thự sơ cấp ở TP.HCM đạt mốc cao nhất lịch sử 700 tỷ đồng/căn.
Báo cáo gần nhất của CBRE về phân khúc bất động sản hàng hiệu này cũng chỉ rõ tiềm năng của thị trường Việt Nam khi tốc độ gia tăng số lượng người giàu (tài sản ròng từ 1-30 triệu USD) lên đến 10,1% trong giai đoạn 2018-2023, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới.
"Sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp thượng lưu đã và đang thúc đẩy nhu cầu nâng cao, khẳng định phong cách sống cũng như sở hữu và chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ. Đây chính là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam", CBRE nhấn mạnh.
Về phía các thương hiệu quốc tế, đây cũng là cơ hội để họ mở rộng khả năng thâm nhập thị trường mới và mở rộng danh mục dự án. CBRE điểm tên một số thương hiệu danh giá đã tham gia vào lĩnh vực này là các hãng hàng hiệu siêu sang về thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, siêu xe như Versace, Bvlgari, Elie Saab, Missoni, Armani, Lamborghini, Porsche, Aston Martin, Fendi...
Còn với các chuyên gia tại Savills, TP.HCM được dự báo sẽ là một trong những điểm nóng của bất động sản hàng hiệu trong tương lai (bên cạnh Jakarta, Bắc Kinh, Thượng Hải) với tốc độ tăng trưởng cao.
"Do nguồn cung hiện tại vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu về thiết kế cũng như dịch vụ của nhóm khách hàng mới là các cá nhân sở hữu tài sản lớn, thị trường sẽ mở ra cơ hội đầu tư cho các sản phẩm hạng sang và các thương hiệu lâu đời, sở hữu số số lượng khách hàng trung thành lớn", chuyên gia tại Savills nhận định.
Những rủi ro của bất động sản hàng hiệu
Dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng gặp nhiều biến động, một chuyên gia lâu năm cho hay lượng tiêu thụ dòng sản phẩm này từ tháng 6 đến nay rất chậm. Ông thậm chí dự báo phân khúc có thể sẽ tiếp tục đình trệ trong 2-3 năm tới.
Câu hỏi đặt ra cho thị trường Việt Nam là liệu mô hình bất động sản siêu sang này có phù hợp với nhu cầu và năng lực của thị trường hay không.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội
Còn theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nếu quá trình hoạch định không được thực hiện một cách thấu đáo, thì các dự án sẽ đối diện rủi ro chậm tiến độ hoặc không đạt được cam kết tài chính.
Ông nhấn mạnh nguồn cầu đang sụt giảm trong khi nguồn cung lại gia tăng mạnh mẽ sẽ khiến các dự án có cam kết "quá lý tưởng" gặp khó khăn trong việc hiện thực hóa các cam kết này.
Phân tích cụ thể hơn, ông cho rằng mô hình bất động sản hàng hiệu đòi hỏi dòng vốn mạnh. Chủ đầu tư có thể thực hiện huy động vốn thông qua việc bán sản phẩm hình thành trong tương lai nhằm giảm nhu cầu vốn chủ sở hữu và vốn vay.
Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư không có đủ tiềm lực tài chính mà phụ thuộc quá nhiều vào việc bán hàng thì có thể dẫn đến nguy cơ đình trệ xây dựng nếu kết quả bán hàng không đạt như mong đợi, gây bất lợi cho phía người mua.
Một điểm cần lưu tâm khác là tính khả thi khi đưa thương hiệu lớn vào sản phẩm bất động sản, bởi những vị trí và dự án khác nhau có những đặc điểm riêng biệt.
"Câu hỏi đặt ra cho thị trường Việt Nam là liệu mô hình bất động sản siêu sang này có phù hợp với nhu cầu và năng lực của thị trường hay không. Đây là bài toán mà chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có được lựa chọn phù hợp cho dự án bất động sản của mình", vị chuyên gia tại Savills kết luận.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...