Bahrain, vương quốc nhỏ bé ở Vùng Vịnh, đã mất phần lớn quyền tự trị của mình gần một thập kỷ trước, khi những người cầm quyền tại nước này quay sang nhờ cậy người láng giềng Saudi Arabia giúp họ thoát khỏi cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab.
Vì vậy, việc Bahrain hôm 11/9 tuyên bố họ sẽ trở thành quốc gia Arab thứ tư bình thường hóa quan hệ với Israel được xem là chỉ dấu quan trọng nhất cho thấy Saudi Arabia - ông lớn trong nền chính trị Vùng Vịnh - có thể đang đi theo hướng tương tự, dù sẽ chậm hơn.
Theo giới phân tích, Bahrain không bao giờ có thể thực hiện bước đi này nếu Riyadh phản đối.
Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu và Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa. Ảnh: AFP/Getty. |
Nỗi lo của người Palestine
"Đây là phương hướng", Bernard Haykel, học giả về Saudi Arabia tại Đại học Princeton, người đã gặp lãnh đạo trên thực tế của vương quốc, Thái tử Mohammed bin Salman, nói. "Có những dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia đang đi theo hướng tương tự".
Saudi Arabia chắc chắn là phần thưởng cuối cùng trong nỗ lực hàng thập kỷ của Israel để được các quốc gia Arab xung quanh công nhận. Với trữ lượng dầu lớn và các địa điểm hành hương Hồi giáo thiêng liêng, vương quốc này là nhà nước có ảnh hưởng nhất trong thế giới Arab.
Mối quan hệ đang ấm dần lên giữa nước này với Israel cũng là một đòn giáng nặng nề đối với người Palestine trong cuộc đấu tranh với Israel.
Trong 75 năm qua, Saudi Arabia là nước ủng hộ quan trọng nhất trong thế giới Arab đối với người Palestine, theo Khaled Elgindy, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông và là cựu cố vấn cho các nhà lãnh đạo Palestine.
Sự ủng hộ đó có từ khi liên minh Arab - Mỹ hình thành trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, và trong những năm gần đây, Saudi Arabia đã liên tục bảo trợ những lời kêu gọi thế giới Arab từ bỏ quan hệ ngoại giao với Israel trừ khi nước này chấp nhận một nhà nước Palestine dọc theo biên giới lịch sử - viễn cảnh ngày càng khó có thể xảy ra.
"Nếu Saudi tiến tới bình thường hóa mà không có bất kỳ điều gì có ý nghĩa đối với người Palestine, thì chúng ta có thể yên tâm cho rằng sẽ không có động cơ nào để Israel tiến tới việc chấp nhận nhà nước (Palestine) hoặc chấm dứt sự chiếm đóng", ông Elgindy nói. "Sẽ không còn đòn bẩy nào nữa. Mọi nước khác sẽ bình thường hóa".
Cờ của UAE chiếu tại tòa thị chính ở Tel Aviv sau tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và UAE. Ảnh: AP. |
Song việc Saudi Arabia ngầm đồng ý với tuyên bố của Bahrain là một chuyện; việc họ có làm tương tự hay không lại là chuyện khác, và chắc sẽ không thể sớm xảy ra.
Nói với điều kiện giấu tên, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump liên quan đến việc thúc đẩy Saudi Arabia công nhận Israel nói rằng khả năng chuyện này xảy ra vẫn còn xa vời, phần nào phản ánh sự khác biệt rõ rệt trong bối cảnh chính trị.
Tín hiệu xuất hiện từ lâu
Các cuộc thăm dò cho thấy sự đồng cảm đối với chính nghĩa của người Palestine vẫn phổ biến trong dư luận khắp thế giới Arab. Song kể từ khi đàn áp cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab ở Bahrain, hoàng gia cai trị Bahrain đã loại bỏ bất kỳ ai bất đồng chính kiến hoặc chống đối trong nước.
Sau cuộc nổi dậy, chủ nghĩa bè phái đã chi phối động lực nội bộ tại Bahrain. Giới cầm quyền theo Hồi giáo dòng Sunni tại đất nước có thể trông cậy vào sự ủng hộ gần như không cần bàn cãi của một nhóm thiểu số người Sunni được hưởng nhiều đặc quyền, đoàn kết lại vì sợ người Shiite chiếm đa số. Và những tiếng nói đối lập trong cộng đồng Shiite đã bị dập tắt.
Kể từ sau cuộc nổi dậy, giới cầm quyền Bahrain đã nhờ đến răn đe quân sự từ Saudi Arabia để kiểm soát người Shiite tại đất nước, và Bahrain được coi là một nước chư hầu lệ thuộc vào hoàng gia Saudi Arabia tại khu vực.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một nước nhỏ khác ở Vùng Vịnh, tháng trước đã trở thành quốc gia Arab thứ ba tuyên bố thiết quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel - sau Jordan năm 1994 và Ai Cập năm 1979.
Tuy nhiên, nhà cầm quyền Bahrain, nơi có một căn cứ hải quân lớn của Mỹ, trên thực tế đã âm thầm báo hiệu trong hơn 25 năm rằng họ đang xem xét xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Israel.
Các tín hiệu bắt đầu xuất hiện khi Bahrain tiếp đón một quan chức nội các Israel vào năm 1994; sau đó vào năm 2017, nước này đã cử một phái đoàn đến Israel. Năm 2019, nhiều tín hiệu hơn xuất hiện khi Bahrain tổ chức một hội nghị - với sự phản đối của người Palestine - để giúp tập hợp sự ủng hộ của thế giới Arab đối với kế hoạch phát triển kinh tế tại các vùng lãnh thổ Palestine, được Nhà Trắng và Israel hậu thuẫn.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thái tử Bahrain Salman bin Hamad bin Isa al-Khalifa trong cuộc gặp hồi tháng 8 để thảo luận về quan hệ giữa Israel và thế giới Arab. Ảnh: Getty. |
"Bahrain đã đi khá xa trên con đường này so với các nước Vùng Vịnh khác", Michael Stephens, thành viên của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, cho biết.
Thái tử Mohammed, 35 tuổi, người cai trị trên thực tế tại Saudi Arabia, đã báo hiệu rằng ông cũng có thể sẵn sàng công nhận Israel.
"Người Israel có quyền đối với vùng đất của chính họ", thái tử nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Atlantic hai năm trước. Ông nói người Palestine cũng vậy, nhưng ông cũng tỏ ra rất cơ hội về tiềm năng hợp tác kinh tế và chính trị giữa các quốc gia Vùng Vịnh và Israel nếu hòa bình được thiết lập.
Nội bộ phức tạp
Tuy nhiên, dù Saudi Arabia theo chế độ quân chủ chuyên chế, họ cũng là đất nước lớn hơn nhiều với cấu trúc quyền lực nội bộ phức tạp hơn các nước láng giềng. Các học giả cho rằng Thái tử Mohammed phải lo lắng nhiều hơn các nhà cầm quyền khác ở Vùng Vịnh về dư luận và quan điểm của chính gia đình mình.
Có lẽ quan trọng nhất, ông cũng có thể cần phải xem xét quan điểm của người cha, Quốc vương Salman, 84 tuổi. Nhà vua đã giao hầu hết quyền điều hành cho con trai, và rất khó xác định liệu nhà vua còn giữ bao nhiêu quyền lực.
Jared Kushner, cố vấn Nhà Trắng và là con rể ông Trump, trò chuyện với Thái tử Saudi Mohammed bin Salman hôm 1/9 tại Riyadh. Ảnh: Reuters. |
Song trong những tuyên bố công khai hiếm hoi, nhà vua đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của người Palestine vốn đã định hình mối quan hệ giữa thế giới Arab và Israel trong thế hệ của ông.
Chẳng hạn, sau khi bình luận của Thái tử Mohammed về quyền của Israel đối với vùng đất được đăng tải, cơ quan thông tấn Saudi Arabia dường như đã đưa ra lời đính chính của hoàng gia. Bản tin nói rằng trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, nhà vua đã nhắc lại "lập trường kiên định của vương quốc đối với vấn đề Palestine và các quyền hợp pháp của người dân Palestine trong việc xây dựng một quốc gia độc lập với Jerusalem là thủ đô".
F. Gregory Gause, học giả về Saudi Arabia tại Đại học Texas A & M, cho rằng tuyên bố của Bahrain về Israel có thể không đạt đến "cấp độ nhà vua"; Bahrain chỉ là một nước chư hầu, không phải bản thân vương quốc, ông lưu ý.
"Tôi nghĩ rằng đối với một người thuộc thế hệ của nhà vua, ý tưởng bình thường hóa với Israel chỉ là điều không tưởng", ông nói.
Tuy nhiên, mạng xã hội Saudi Arabia gần đây bắt đầu xôn xao về việc các học giả tôn giáo kêu gọi đối xử bình đẳng với người Do Thái, hay những người khác vận động xây dựng quan hệ tốt hơn với Israel - những thông điệp không thể được lan truyền nếu không có sự đồng ý của Thái tử Mohammed.
Một số học giả nói rằng những thông điệp này thậm chí có thể được tung ra theo lệnh của Thái tử Mohammed.
"Tất cả là từ trên đưa xuống", giáo sư Gause nói. "Người đang điều hành các hoạt động hàng ngày của Saudi Arabia đang chuẩn bị cho công chúng về những kiểu quan hệ khác nhau với Israel - nhưng anh ta vẫn chỉ đang chuẩn bị cho công chúng, anh ta chưa sẵn sàng làm điều đó".