Tình trạng "khủng bố sushi" đang là vấn đề buộc các nhà hàng Nhật tìm phương án giải quyết. Ảnh: Reuters. |
Các nhà hàng sushi vốn là những địa điểm sang trọng hàng đầu trong ẩm thực Nhật Bản, nơi mà người dân thường chỉ đến vào những dịp đặc biệt. Tuy nhiên, sự phát triển của sushi băng chuyền đã đưa món ăn này đến với nền ẩm thực đại chúng.
Dù vậy, hành vi đôi lúc không đẹp của khách hàng như liếm bát đũa, bôi nước bọt lên thức ăn - thường được biết đến với tên gọi "khủng bố sushi" - đang buộc các chuỗi sushi băng chuyền phải suy nghĩ lại, theo Nikkei Asia.
Một số ý kiến chỉ ra nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là sự tách biệt giữa đầu bếp và thực khách trong nhà hàng sushi băng chuyền. Các hành động không đẹp gần như không thể xảy ra khi khách hàng thưởng thức sushi với đầu bếp phục vụ ngay trước mắt.
Nguyên nhân sâu xa
Một nhà hàng sushi băng chuyền tại tỉnh Gifu, Nhật Bản ngày 1/2 cho biết họ đã báo cảnh sát sau khi một đoạn video dài 48 giây về một vị khách có hành vi mất vệ sinh lan truyền trên mạng, Kyodo đưa tin.
Trong video, vị khách đã liếm nắp của một lọ nước chấm, đưa vành của một chiếc cốc chưa qua sử dụng vào miệng, trước khi liếm nước bọt lên tay và bôi vào một đĩa sushi.
Lịch sử của sushi băng chuyền tại Nhật Bản bắt đầu tại Osaka những năm 1950. Khi đó, nền kinh tế Nhật Bản đang hồi phục sau chiến tranh. Tình trạng thiếu lao động khiến việc tuyển dụng đầu bếp sushi không dễ dàng. Ngay cả việc bưng bê phục vụ hành khách cũng được coi là sự phí phạm thời gian của đầu bếp.
Một nhà hàng sushi băng chuyền tại Kanazawa, Nhật Bản. Ảnh: New York Times. |
Ông Yoshiaki Shiraishi, chủ một hiệu “sushi đứng” tại Osaka, nhận ra các băng chuyền - vốn đã được sử dụng nhiều trong công nghiệp - là giải pháp tuyệt vời. Từ đó, sushi băng chuyền đã ra đời.
Mô hình này đã đạt được thành công rực rỡ tại Nhật Bản. Tuy nhiên, sushi băng chuyền cũng có điểm yếu: Đánh mất đi quan hệ giữa đầu bếp và thực khách. Tại các nhà hàng sushi truyền thống, đầu bếp chỉ có thể phục vụ một số ít người cùng lúc. Họ cũng cần kỹ năng giao tiếp để trò chuyện với khách hàng.
Trong khi đó, đầu bếp sushi băng chuyền chỉ cần ở yên trong bếp và tập trung làm sushi, đôi khi với sự trợ giúp của máy móc. Nhờ đó, chi phí lao động sụt giảm. Đầu bếp cũng có thể làm nhiều sushi hơn vì không phải trực tiếp phục vụ thực khách. Giá thành trở nên rẻ hơn, thúc đẩy các nhà hàng sushi băng chuyền mọc lên như nấm.
Điểm mạnh của sushi bằng chuyền đến từ sự chia tách giữa đầu bếp và thực khách. Trớ trêu thay, đây cũng là điểm yếu của loại hình này. Nếu đầu bếp ở ngay trước mặt, chắc chắn những hành động không đẹp như vậy sẽ không xảy ra.
Sự việc tại Gifu kể trên không phải lần đầu tiên một vụ "khủng bố sushi" xảy ra với ngành sushi băng chuyền Nhật Bản trong năm 2023. Hồi tháng 1, một video được lan truyền rộng rãi cũng cho thấy một khách hàng chấm wasabi lên những miếng sushi vẫn còn ở trên băng chuyền tại một nhà hàng.
Đây không phải vấn đề của riêng các nhà hàng sushi. Chuỗi nhà hàng mì udon Sukesan Udon hôm 1/2 cho biết một khách hàng đã ăn thẳng từ một chiếc thìa lớn tại một cơ sở của họ.
Thay đổi văn hóa
Trong xã hội Nhật Bản hiện đại, xu hướng “chia tách” giữa người cung cấp và sử dụng dịch vụ không hiếm. Nếu như chỉ vài năm trước, nhân viên giao hàng tại Nhật Bản gần như chắc chắn sẽ chuyển hàng đến tận tay người nhận, giờ đây, việc để lại kiện hàng trước cửa nhà đã là điều ngày càng bình thường, theo Nikkei Asia.
Khi người giao hàng và chủ nhà không còn gặp mặt trực tiếp, cơ hội mở ra với các đối tượng xấu, đặc biệt là trộm cắp tài sản.
Một ví dụ khác đến từ ngành công nghiệp phim ảnh. Ở các rạp phim truyền thống, khách hàng phải tới trực tiếp để tận hưởng dịch vụ. Trong khi đó, với các nền tảng trực tuyến như Netflix, khán giả chỉ cần một thiết bị kết nối mạng để có thể xem phim từ nhà.
Với chi phí hàng tháng nhiều khi thấp hơn cả một tấm vé xem phim thông thường, khán giả có thể xem thả ga trên các nền tảng trực tuyến. Cũng giống như điều xảy ra với các cửa hàng sushi băng chuyền, khi giá thành hạ thấp, quy mô thị trường được mở rộng. Tuy nhiên, tình trạng quay trộm các bộ phim đang chiếu cũng từ đó mà gia tăng.
Mô hình sushi băng chuyền giúp người Nhật có thể thưởng thức sushi thường xuyên hơn, nhưng cũng đi kèm nhiều vấn đề. Ảnh: Reuters. |
Trong ngành bán lẻ, nhờ hệ thống các siêu thị và cửa hàng tiện lợi lớn, người mua hàng giờ đây cũng có thể tự chọn các mặt hàng mình thích, không còn cần trao đổi với người bán như ở các cửa hàng truyền thống.
Tuy nhiên, để ngăn chặn kẻ xấu, các cơ sở kinh doanh sẽ cần lắp đặt thêm các trang thiết bị như camera an ninh, thậm chí thuê thêm người nhằm để ý khách hàng. Tuy vậy, điều này sẽ làm tăng chi phí và dẫn đến tăng giá thành.
Đối với những mô hình kinh doanh dựa trên giá thành thấp như sushi băng chuyền, đây là tình huống lưỡng nan.
“Nền kinh tế kỹ thuật số hiện nay có thể càng khiến bên cung cấp và sử dụng dịch vụ cách xa nhau”, cây viết Yo Tanaka của Nikkei nhận định. “Nền kinh tế của chúng ta được xây dựng trên sự tin tưởng và lòng tốt. Các hành vi xấu, bất hợp pháp đang trở thành vấn đề nghiêm trọng”.
Những cuốn sách để hiểu thêm về Nhật Bản
Zing giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về đất nước Nhật Bản - một cường quốc hàng đầu châu Á và được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào.
Độc giả có thể đọc thêm tại đây.