"Khủng bố sushi" là một trào lưu đáng báo động ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Gần đây, một trào lưu có tên "khủng bố sushi" đã trở nên phổ biến một cách đáng báo động ở Nhật Bản. Những video chạy theo trào lưu này thường là vị khách trẻ tuổi kéo đến các nhà hàng sushi, quay video phá bĩnh, cố tình thực hiện nhiều hành vi mất vệ sinh rồi tung lên mạng xã hội như liếm nắp, bôi nước bọt, wasabi lên dĩa sushi còn nguyên trên băng chuyền.
Trào lưu "khủng bố sushi" đã gây không ít phẫn nộ và buộc các nhà hàng phải tìm cách chấm dứt và ngăn chặn những trò đùa tai hại của các vị thực khách bằng cách ứng dụng công nghệ AI vào băng chuyền.
Cụ thể, theo Nikkei Asia, Kura Sushi, một chuỗi nhà hàng sushi băng chuyền nổi tiếng, đã dùng một hệ thống quản lý dựa trên AI để phát hiện những trường hợp khách hàng mở và đóng hộp đậy đĩa sushi đáng ngờ.
Hệ thống sẽ tìm ra những đĩa thức ăn từng bị “động tay động chân” và phát ra tín hiệu để khách hàng có thể tránh những món đó. Nhà hàng còn lắp đặt camera ở bộ phần điều khiển băng chuyền và ở cả những đĩa đựng sushi.
Chúng sẽ tính toán lượng sushi đã được lấy xuống khỏi bằng chuyền, sau đó thanh toán chính xác cho thực khách. Hệ thống quản lý AI sẽ phát hiện những hành vi đáng ngờ và thông báo đến nhân viên.
“Chúng tôi muốn tận dụng camera bằng AI để quản lý liệu khách hàng có trả lại đĩa sushi trên băng chuyền dù đã lấy xuống hay không. Chúng tôi sẽ còn nâng cấp hệ thống này và có nhiều biện pháp khác để giải quyết những hành vi mất vệ sinh này”, đại diện Kura Sushi nói với CNN.
Các chuỗi nhà hàng đồ ăn ở Nhật Bản giờ phải đối phó với việc người trẻ đến quán, cố tình phá phách để câu like. Ảnh: Kyodo. |
Tờ Time gọi hành vi “khủng bố sushi” dùng để chỉ những kẻ tìm tới các nhà hàng nổi tiếng, tự làm những hành động vi phạm an toàn thực phẩm rồi tung lên mạng xã hội. Trong một video có hơn 98 triệu lượt xem trên Twitter, một vị thực khách đã liếm nắp hũ đựng nước tương và vành chiếc cốc nhựa rồi sau đó lại thản nhiên trả chúng lại vị trí cũ ở nhà hàng sushi Sushiro.
Họ còn liếm nước bọt lên ngón tay và chạm vào một miếng sushi đang lướt qua trên băng chuyền. Ngay sau khi video này được công bố, Food & Life Companies, công ty mẹ của Sushiro đã mất 5% giá trị cổ phiếu ngay trong ngày. Công ty đã ngay lập tức báo cảnh sát để bắt giữ thực khách này lại vì tội phá hoại hoạt động kinh doanh.
Song, theo CNN, Sushiro không phải là nhà hàng duy nhất gặp phải những trò đùa oái oăm này. Hai chuỗi sushi băng chuyền lớn khác là Kura Sushi và Hamazushi nói rằng có nhiều thực khách đến và quay video mất vệ sinh tại nhà hàng.
Kura Sushi còn báo cảnh sát với video có từ từ 4 năm trước, quay cảnh khách hàng bốc đồ ăn bằng tay và sau đó lại trả lại băng chuyền như chưa có chuyện gì xảy ra.
Trong khi đó, Hamazushi cũng phát hiện một video nổi tiếng trên Twitter trong đó có một vị khách hàng chấm wasabi vào miếng sushi đang đi ngang qua. “Hành vi này vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty và không thể chấp nhận”, đại diện Hamazushi khẳng định.
Phản hồi về vấn đề này, cư dân mạng Nhật Bản tỏ ra yêu cầu các chuỗi nhà hàng sushi băng chuyền cần có biện pháp cụ thể vì họ có yêu cầu cao về vệ sinh.
Nhà hàng Sushiro in ảnh sushi đặt trên đĩa băng chuyền thay vì phục vụ sushi thật để tránh khách chơi khăm, đùa cợt mất vệ sinh. Ảnh: Food & Life Companies. |
“Thời đại ngày nay, mọi người đều muốn nổi tiếng trên mạng xã hội trong khi nhiều người khác lại rất nhạy cảm về vấn đề vệ sinh. Do đó, các chuỗi kinh doanh luôn hoạt động dựa trên niềm tin với khách hàng như nhà hàng sushi băng chuyền sẽ khó có thể trụ lại”, một người dùng chia sẻ.
Hôm 10/2, nhà hàng Sushiro đã ngừng phục vụ các đĩa thức ăn trên băng chuyền cùng một lúc để tránh thực khách chạm vào thức ăn, gây mất vệ sinh. Bên cạnh đó, thay vì cho khách hàng tự chọn và lấy dĩa sushi họ muốn trên băng chuyền, Sushiro quyết định in ảnh món sushi đặt vào đĩa trống tương ứng trên băng chuyền để thực khách lựa chọn.
Sushiro còn cho biết họ sẽ đặt thêm miếng nhựa trong suốt giữa băng chuyền và bàn ghế để tránh khách hàng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn đi ngang qua.
Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào
Trong cuốn sách "Framers - Nhân loại đối đầu nhân tạo", các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.