Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trào lưu 'khủng bố sushi' khiến nhà hàng Nhật đau đầu

Trào lưu “khủng bố sushi” đang khiến giới phê bình đặt câu hỏi về triển vọng của các nhà hàng sushi băng chuyền - một biểu tượng văn hóa ẩm thực Nhật Bản.

Biểu tượng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản bị đe dọa. Ảnh: Reuters.

Tuần trước, một đoạn video quay tại nhà hàng Sushiro, Nhật Bản, đã lan truyền chóng mặt. Trong video, một khách hàng nam liếm ngón tay và chạm vào thức ăn trên băng chuyền. Người này cũng liếm một chai gia vị và một chiếc cốc rồi đặt trở lại nơi trưng bày chung.

Dù nhận vô số chỉ trích, những hành động mất vệ sinh kể trên đang trở nên phổ biến hơn tại Nhật Bản. Chúng được gọi là “khủng bố sushi” (sushitero hay sushiterrorism).

Trào lưu này cũng đang làm "náo loạn" giới đầu tư. Cổ phiếu của công ty sở hữu chuỗi nhà hàng Sushiro, Food & Life Companies Co Ltd, giảm 4,8% hôm 31/1 khi video được lan truyền.

Công ty này đang xem xét sự việc một cách nghiêm túc. Trong một tuyên bố, Food & Life Companies cho biết họ đã nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát và yêu cầu vị khách có hành vi khiếm nhã bồi thường thiệt hại, theo NHK.

Công ty cũng chỉ đạo nhân viên cung cấp đồ dùng hoặc hộp đựng gia vị được khử trùng đặc biệt cho bất kỳ khách hàng nào cảm thấy khó chịu.

Thời điểm nhạy cảm

Sushiro không phải thương hiệu duy nhất đối mặt với vấn đề này. Hai chuỗi sushi băng chuyền hàng đầu khác - Kura Sushi và Hamazushi - nói với CNN rằng họ đã gặp trường hợp tương tự.

Trong những tuần gần đây, Kura Sushi đã báo cảnh sát về một video quay cảnh khách hàng dùng tay bốc thức ăn và đặt trở lại băng chuyền. Theo một đại diện của Kura Sushi, đoạn clip dường như được quay cách đây 4 năm nhưng chỉ mới xuất hiện gần đây.

Tuần trước, Hamazushi cũng báo cáo một video lan truyền rộng rãi trên Twitter, cho thấy khách hàng chấm wasabi lên những miếng sushi vẫn còn ở trên băng chuyền. Nhà hàng tuyên bố hành động này “là điều không thể chấp nhận được”.

sushi anh 1

Một nhà hàng Sushiro ở Nhật Bản. Ảnh: CNN/Courtesy Food & Life Companies Co. Ltd.

Ban đầu, công chúng suy đoán người đứng sau những trò đùa kiểu này là các công ty muốn chơi chiêu "bẩn" để hạ bệ đối thủ. Thực tế, chúng xuất phát từ nhu cầu muốn nổi tiếng trên mạng và bắt chước theo trào lưu hot, với đối tượng chính là người trẻ, theo Japan Times.

Trong khi đó, Nobuo Yonekawa, nhà phê bình ẩm thực chuyên về sushi ở Tokyo, chia sẻ: “Tôi nghĩ những sự cố ‘khủng bố sushi’ xảy ra vì số nhân viên quan sát khách hàng ít hơn”. Vị chuyên gia lưu ý các nhà hàng gần đây đã cắt giảm nhân viên nhằm đối phó với tình trạng chi phí gia tăng.

Ông Yonekawa nhận định trào lưu này diễn ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm, khi người tiêu dùng Nhật Bản rất chú trọng ý thức vệ sinh do dịch Covid-19.

Nhật Bản nổi tiếng là một trong những quốc gia sạch nhất thế giới, nơi mọi người thường xuyên đeo khẩu trang ngay cả trước khi đại dịch bùng phát.

“Trong thời kỳ Covid-19 và với những sự cố này, các chuỗi nhà hàng sushi băng chuyền cần đánh giá lại tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm. Họ cần đưa ra các giải pháp lấy lại lòng tin từ khách hàng”, ông Yonekawa nói.

Rõ ràng các doanh nghiệp trong ngành có lo ngại chính đáng. Daiki Kobayashi, nhà phân tích bán lẻ của Nomura, dự đoán trào lưu này sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong nửa năm.

“Với mức độ quan tâm của người tiêu dùng Nhật Bản trước các sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm, chúng tôi cho rằng tác động tiêu cực đến doanh số bán hàng có thể kéo dài trong 6 tháng hoặc lâu hơn”, ông nói thêm.

Đối phó bằng AI

Trên thực tế, Nhật Bản từng giải quyết vấn đề này trước đây. Theo ông Kobayashi, thông tin về những trò chơi khăm và hành vi gây rối tại các nhà hàng sushi cũng đã làm giảm doanh số bán hàng của nhiều thương hiệu vào năm 2013.

Song hiện nay, loạt video mới đang gây ra một cuộc tranh luận mới trên Internet. Một số người dùng mạng xã hội Nhật Bản đã đặt câu hỏi về vai trò của các nhà hàng sushi băng chuyền khi người tiêu dùng yêu cầu sự quan tâm nhiều hơn đến an toàn, vệ sinh.

sushi anh 2

Sushiro lắp đặt các tấm acrylic giữa băng chuyền và chỗ ngồi của thực khách. Ảnh: CNN/Courtesy Food & Life Companies Co. Ltd.

“Trong thời đại ngày nay, khi ngày càng nhiều người có khả năng lan truyền thông tin trên mạng xã hội và virus corona khiến mọi người nhạy cảm hơn với vấn đề vệ sinh, một mô hình kinh doanh dựa trên niềm tin rằng mọi người sẽ hành xử (tốt) khi đến nhà hàng có thể không còn khả thi nữa”, một người dùng Twitter viết.

Hiện tại, các công ty đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để giảm lo ngại. Hôm 3/2, Sushiro ngừng hoàn toàn việc phục vụ thức ăn không theo thứ tự trên băng chuyền, với hy vọng ngăn mọi người chạm vào thức ăn của người khác.

Một phát ngôn viên của Food & Life Companies nói với CNN rằng thay vì để khách hàng lấy đĩa theo ý muốn, công ty hiện đặt ảnh chụp sushi trên những chiếc đĩa trống chạy dọc băng chuyền để khách hàng lựa chọn. Sau đó, họ sẽ gọi đồ ăn trên thiết bị khác.

Sushiro cũng lắp đặt các tấm acrylic giữa băng chuyền và chỗ ngồi của thực khách để hạn chế họ tiếp xúc với món ăn.

Trong khi đó, Kura Sushi lựa chọn sử dụng công nghệ. Người phát ngôn của chuỗi nhà hàng cho biết từ năm 2019, họ đã trang bị camera sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho các băng chuyền để thu thập dữ liệu về loại sushi mà khách hàng chọn và số lượng đĩa mà mỗi bàn tiêu thụ.

“Lần này, chúng tôi muốn triển khai camera do AI vận hành để theo dõi xem khách hàng có đặt món sushi mà họ đã lấy bằng tay trở lại đĩa hay không”, ông nói.

“Chúng tôi tự tin có thể nâng cấp các hệ thống sẵn có để đối phó với những hành vi này”, ông khẳng định.

Những cuốn sách để hiểu thêm về Nhật Bản

Zing giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về đất nước Nhật Bản - một cường quốc hàng đầu châu Á và được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào.

Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Nhà hàng sushi Nhật báo cảnh sát vì khách hàng liếm đồ dùng

Một nhà hàng sushi băng chuyền tại tỉnh Gifu, Nhật Bản ngày 1/2 cho biết họ đã báo cảnh sát sau khi video về một vị khách có hành vi mất vệ sinh lan truyền trên mạng, theo Kyodo.

Nhà hàng sushi, chợ cá chịu đòn ngược do lệnh trừng phạt Nga

Dù nằm cách vùng xung đột ở Ukraine hàng nghìn cây số, các nhà hàng sushi và chợ cá ở Nhật Bản đang "chịu đòn" bởi các lệnh trừng phạt mà chính quyền Tokyo áp đặt lên Nga.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm