Theo trang tin Nikkei Asia, gã khổng lồ smartphone thực tế đã sản xuất hàng loạt Apple Watch tại Thái Lan ngay trong năm trước đó. Điều này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của xứ sở chùa vàng, cũng như rộng hơn là Đông Nam Á, trong vai trò một cơ sở sản xuất thay thế cho Trung Quốc.
Theo nguồn tin từ 3 nhà cung cấp trực tiếp tham gia đàm phán với Apple, họ đều đã có nhà máy sản xuất ở Thái Lan và đang thảo luận về khả năng lắp ráp, sản xuất các linh kiện cho MacBook.
Apple và các nhà cung cấp đang đàm phán về khả năng sản xuất MacBook tại Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
"Ý tưởng của Apple là yêu cầu chúng tôi xây dựng cơ sở sản xuất MacBook ở Việt Nam như các nhà cung cấp khác, nhưng chúng tôi đã đưa ra phương án thay thế là lắp ráp sản phẩm tại các nhà máy sẵn có ở Thái Lan", giám đốc điều hành của một trong những nhà cung cấp cho biết.
Theo nguồn tin này, việc lắp ráp MacBook sẽ bắt đầu ở Việt Nam trước nên họ có thể cung cấp và hỗ trợ thêm linh kiện từ các nhà máy ở Thái Lan, do chỉ mất khoảng 2-3 ngày cho khâu logistic và thông quan.
Một giám đốc điều hành khác cũng cho biết công ty của ông đang xây dựng một nhà máy mới ở Thái Lan cho Apple, với dự định sản xuất Macbook và một số sản phẩm khác trong năm nay.
Thêm vào đó, giám đốc điều hành của nhà cung cấp thứ 3 cũng xác nhận công ty này đã thiết lập một dây chuyền sản xuất MacBook thử nghiệm ở Thái Lan, nhưng cũng đang tìm cơ hội ở Việt Nam để thành lập phương án dự phòng.
Được biết, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã lên kế hoạch sản xuất hàng loạt MacBook tại Việt Nam trong nửa đầu năm nay, đánh dấu lần đầu tiên sản phẩm chủ lực này được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Trên thực tế, việc chuyển sản xuất ra khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là điều không hề dễ dàng với Apple cũng như các nhà cung cấp do đã dành hàng thập kỷ để xây dựng chuỗi cung ứng khổng lồ tại đây.
Tuy nhiên, những căng thẳng địa chính trị gần đây đã buộc nhà sản xuất iPhone phải suy nghĩ lại. Hiện tại, Apple đã dần chuyển một số nhà máy sản xuất AirPods, Apple Watch, iPad và MacBook sang Việt Nam, với số lượng nhà cung ứng tăng từ 14 vào năm 2018 lên 25 vào năm 2021.
Sự tăng trưởng này đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia hưởng lợi lớn từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp tại đây đang gặp phải tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là kỹ thuật viên và kỹ sư lành nghề do nhu cầu tăng mạnh.
“Chúng tôi đã yêu cầu bộ phận nhân sự thuê công nhân từ Campuchia và Lào cho các nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh”, giám đốc điều hành một công ty cung ứng của Apple tại Việt Nam cho biết.
Theo ông, chi phí lao động tại Việt Nam cũng đang tăng nhanh khi chỉ trong vài năm, mức lương cơ bản tại đây đã bằng 80% so với mức lương ở nhà máy tại Thâm Quyến.
Việt Nam hưởng lợi lớn nhờ kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple. Ảnh: Reuters. |
Nhận xét về vấn đề này, ông Eddie Han - nhà phân tích cấp cao của Isaiah Research - cho biết vấn đề lao động, đất đai và chi phí ở miền Bắc Việt Nam đã diễn ra được một thời gian và vài nhà cung cấp đã bắt đầu tìm kiếm địa điểm mới ở các tỉnh miền Trung.
"Chúng tôi biết một số nhà cung cấp đang thảo luận về việc xây dựng dây chuyền sản xuất MacBook ở Thái Lan với Apple, nhưng có vẻ như Apple không quá hào hứng với ý tưởng này vào lúc này", Han nói. “Việt Nam vẫn gần hơn về mặt địa lý với Trung Quốc và có nhiều hiệp định thương mại tự do hơn Thái Lan”, ông nói thêm.
Được biết, Thái Lan cũng đã hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi nhiều nhà cung cấp máy chủ, trung tâm dữ liệu hay cả hãng sản xuất ôtô cũng thành lập nhà máy tại đây kể từ năm 2018.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.