Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau tuyên bố của Bí thư Đà Nẵng, đất rừng Sơn Trà nóng thêm

Sau tuyên bố của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh (hôm 3/3) sẽ thu hồi 1.072 ha đất rừng đã giao khoán cho người dân thì tình hình rao bán đất rừng Sơn Trà càng thêm nóng.

Thông tin sẽ thu hồi đất rừng khiến các cá nhân mua lại đất rừng bằng giấy tay từ các hộ dân được Nhà nước giao khoán lo lắng, họ tìm cách để chuyển nhượng đất rừng vì sợ mất trắng.

Sáng 8/3, chúng tôi tìm đến nhà ông L. (xin giấu tên) trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà) - người rao có 1 ha đất rừng trên bán đảo Sơn Trà cần bán gấp. Ông L. trưng ra hồ sơ photo công chứng quyền sử dụng rừng được Ban quản lý rừng cấm Sơn Trà cấp vào năm 1992.

Ông L. cho biết, hiện ông có 8.000 m2 đất rừng nằm ở khu vực có độ cao dưới 200 m, đang trồng hàng trăm cây mít.

giao khoan dat rung o quan Son Tra anh 1

Hàng chục hộ dân được giao khoán đất rừng Sơn Trà đã không trồng rừng mà mở quán nhậu hoặc điểm du lịch sinh thái.

“Các chú yên tâm, hồ sơ gốc tôi đang giao cho phường để làm với thời hạn 50 năm nên mua đất này kinh doanh quán nhậu hoặc làm sân vườn nghỉ ngơi cho gia đình ngày cuối tuần thì tuyệt vời. Các chú cứ lên tận nơi xem, tôi bán với giá 400 triệu đồng” - ông L. nói.

Ngoài ông L., theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại có khoảng 50 trường hợp người được Nhà nước giao khoán đất rừng không trực tiếp sản xuất mà đã bán cho người khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Nhì - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng - cho biết quy định của Nhà nước khi giao khoán là chủ rừng phải tiến hành sản xuất, trồng rừng chứ không được sử dụng đất rừng vào mục đích khác. Nếu có tình trạng chuyển nhượng đất rừng thì chỉ là do các cá nhân tự làm giấy tay bán cho nhau và việc này là trái phép.

“Người dân không nên nhận chuyển nhượng rừng trái phép vì khi Nhà nước thu hồi thì 1ha rừng chỉ được đền bù, hỗ trợ số cây trồng của người dân khoảng 20 triệu đồng” - ông Nhì nói.

Theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, sau khi thu hồi 1.072 ha rừng đã giao cho các hộ dân, việc giao số đất rừng này cho ai thì Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng có trách nhiệm tham mưu, có cơ chế giao đất rừng cụ thể để ràng buộc trách nhiệm, không để tình trạng quản lý lỏng lẻo như vừa qua.

Ông Lê Văn Nhì cho rằng việc thu hồi đất rừng đã giao khoán cho dân thì Nhà nước có quyền thực hiện theo quy định.

“Tuy nhiên, sau khi thu hồi để giao cho doanh nghiệp thực hiện các dự án du lịch cần phải quy định tỉ lệ diện tích được phép xây dựng thật nhỏ. Ngoài ra, phải giữ nguyên trạng phần lớn diện tích đất rừng, cây cối trong dự án để giảm thiểu sự tác động đối với các loài động vật đang sinh sống ở đây, nhất là loài voọc chà vá chân nâu” - ông Nhì nói.

Người dân phá rừng cãi 'tay đôi' với giám đốc sở

Khi người dân nói trồng cây trên rừng Sơn Trà trước Tết, lập tức Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng nhỗ lên cây xoài và nói "các anh đừng lừa chúng tôi, cây này mới trồng hôm qua".

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160313/sau-tuyen-bo-cua-bi-thu-da-nang-dat-rung-son-tra-nong-them/1066303.html

Theo Hữu Khá-Trường Trung/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm