Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân phá rừng cãi 'tay đôi' với giám đốc sở

Khi người dân nói trồng cây trên rừng Sơn Trà trước Tết, lập tức Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng nhỗ lên cây xoài và nói "các anh đừng lừa chúng tôi, cây này mới trồng hôm qua".

Chiều 1/3, ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng dẫn đầu đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa tại tiểu khu 62 và 64 (rừng nguyên sinh Sơn Trà) - nơi xảy ra vụ khai thác trái phép gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua.

Phá rừng trồng cây ăn quả để chờ đền bù

Từ Yết Kiêu, con đường dài hơn 3 km, đoàn công tác cùng hàng chục phóng viên vào tiểu khu 62. Lội bộ thêm khoảng 2 km, mọi người mới đến được vị trí mà ông Lê Việt Hồng dựng lán trại.

Theo quan sát của phóng viên, xung quanh có nhiều cây gỗ bị đốn hạ. Thân cây đã được vận chuyển đi nơi khác. Hiện trường còn lại là những cành cây đã khô, vương vãi khắp nơi. 

Ông Phùng Tấn Viết (ngoài cùng bên trái) dẫn đầu đoàn công tác lên kiểm tra thực địa tại tiểu khu 62 và 64. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Nhìn hàng nghìn cây rừng bị đốn hạ, ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng xót xa: "Để làm được con dường này chắc cũng mất cả tháng. Công nhân đào đất, cưa cây ầm ầm thế mà kiểm lâm không biết thì cũng lạ". 

Ông Phùng Tấn Viết lập tức yêu cầu lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng báo cáo vụ việc tại hiện trường. Đại diện đơn vị này cho hay, hiện đã có khoảng gần 5 ha rừng bị tàn phá.

Ông Viết yêu cầu gọi ông Nguyễn Văn Tâm - người được chính quyền địa phương giao 7 ha rừng ở tiểu khu 62 đến. Ông này phân trần, từ hơn 10 năm trước gia đình được các cơ quan chức năng quận Sơn Trà giao khoán 7 ha rừng để chăm sóc và bảo vệ.

Tuy nhiên, do gia đình ít người nên đã ủy quyền cho ông Lê Việt Hồng 1,5 ha quản lý và khai thác. Hai ông cho biết, họ không biết việc làm lán trại, mở đường để trồng mít, xoài và sưa ở khu vực này là vi phạm pháp luật. "Từ nhiều năm trước, khi được giao đất chúng tôi đã chặt cây, làm đường để trồng mít, xoài, sưa ở đây rồi", ông Tâm nói.

Ông Hồng (ngoài cùng bên phải) cho biết đã chặt cây, làm đường để trồng mít, xoài và sưa ở tiểu khu 62 từ nhiều năm trước. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ông Viết lập tức hỏi: "Anh có biết đây là rừng gì không? Nhà nước giao rừng cho anh để bảo vệ. Nếu muốn khai thác thì phải có đơn kiến nghị và ít nhất phải được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý. Ai cho phép anh lên đây đào đất, làm đường, xây lán trại?"

Ông Tâm trả lời: "Không có ai cho phép, nhưng gia đình em trồng cây hơn 10 năm nay có ai nói gì đâu. Em tưởng việc này được phép nên mới thuê công nhân làm tiếp".

Ông Ban lập tức tiến lại phía các cây xoài, mít... mới trồng rồi nói: "Khu vực này thuộc dự án Tiên Sa, đất rừng ở đây thuộc diện quy hoạch. Các anh biết điều này nên đã chạy tắt, đón đầu phá rừng trồng cây để chờ hưởng tiền đền bù".

Ông Hồng lập tức "cãi": "Em đã trồng 7.000 cây sưa từ nhiều năm rồi. Còn mít và xoài thì mới trồng trước Tết". Quá bức xúc, người đứng đầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liền nhổ lên cây xoài cao chừng 60 cm và nói: "Các anh lừa ai chứ lừa chúng tôi sao được. Anh nhìn đi, rễ cây chưa bén đất thế này là mới trồng hôm qua đây thôi. Đã sai lại còn cố cãi".

Phường lơ là, kiểm lâm thiếu trách nhiệm

Theo đoàn lãnh đạo đi kiểm tra, đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên ngành Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn liên tục thanh minh rằng, do ở khu vực tiểu khu 62 và 64 đã bàn giao cho UBND phường Thọ Quang quản lý nên trách nhiệm này thuộc về địa phương. Còn lực lượng kiểm lâm chỉ chịu trách nhiệm liên đới. 

Ông Võ Đình Công - Chủ tịch UBND phường Thọ Quang phản bác: "Việc bàn giao này mới ở trên giấy, còn thựa địa thì chưa, nên phường không biết đâu mà quản lý. Với lại, trách nhiệm bảo vệ rừng là của kiểm lâm".

Một cây gỗ ở tiểu khu 64 bị đốn hạ. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Nghe vị này nói, ông Viết lập tức nghiêm nghị: "Anh làm lãnh đạo mà nói thế nghe sao được. Rừng nằm trên địa bàn do anh quản lý mà dân vô phá rừng cả tháng không biết. Mỗi năm ngân sách thành phố chuyển về địa phương khoảng 300 triệu đồng phục vụ cho công tác bảo vệ rừng.

Tiền thì các anh nhận, khi rừng bị phá thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Phải thẳng thắn thừa nhận là các anh quá lơ là trong việc này. Còn mấy ông kiểm lâm thì thiếu trách nhiệm.

Trưa nay đã có 5 cán bộ kiểm lâm đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Còn trách nhiệm của phường, chúng tôi sẽ họp và xem xét xử lý nghiêm chứ không thể qua loa được".

Trả lời báo chí tại hiện trường, ông Viết cho biết từ khi phát hiện vụ việc đến nay, Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP liên tục có các văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm vụ việc.

"Sơn Trà được mệnh danh là 'lá phổi xanh' của TP Đà Nẵng nên chúng tôi không thể chấp nhận bất cứ hành vi nào làm ảnh hưởng đến khu vực này. Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo TP là sẽ xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có liên quan. Nếu ai có dấu hiệu bao che, xử lý không đến nơi đến chốn, TP sẽ xử lý luôn người đó. Đối với các hộ dân tham gia khai thác rừng trái phép, chúng tôi giao cho công an điều tra", ông Viết nói.

Sáng 1/3, Chi cục kiểm lâm TP Đà Nẵng công bố quyết định đình chỉ 5 người ở Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn vì thiếu trách nhiệm, để một số người dân tự ý dựng lán trại, khai thác rừng trái phép ở tiểu khu 62 và 64 trên bán đảo Sơn Trà. Theo đó, ông Trần Văn Thanh - Hạt trưởng, ông Lê Phước Bảy, Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và 3 nhân viên bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày.

Đình chỉ 5 kiểm lâm vụ người dân phá rừng Sơn Trà

TP Đà Nẵng đình chỉ 5 cán bộ kiểm lâm trong thời hạn 15 ngày để làm rõ trách nhiệm liên quan đến việc một số người dân phá rừng nguyên sinh Sơn Trà.


Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm