So với các địa phương khác trong cả nước, TP Đà Nẵng đứng đầu về số lượng và tính hiệu quả của các đường dây nóng. TP này cũng là địa phương đầu tiên công bố số điện thoại đường dây nóng từ hơn 10 năm trước.
Gọi vào đường dây nóng lại nhớ đến ông Bá Thanh
Nhận mình là người "bạn" thân thiết của đường dây nóng HĐND TP Đà Nẵng (0511.888 888), ông Nguyễn Văn An (trú quận Sơn Trà), kể từ 10 năm trước ông liên tục gọi vào số điện thoại trên để phản ánh những vấn đề bức xúc.
Ông nói rằng, trước đây, gặp bất cứ việc gì, người dân phải mất nửa ngày để viết đơn rồi đạp xe đến cơ quan công quyền. Nếu ý kiến "chuẩn" thì ít nhất cũng mất cả tháng mới được cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Công khai số điện thoại được ít ngày, ông Xuân Anh nhận được phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường nên xuống kiểm tra, chỉ đạo xử lý. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trong một lần xuống cơ sở tiếp xúc cử tri, những ý kiến này được phản ánh đến ông Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng). Tại một kỳ họp HĐND TP, sau khi "truy" giám đốc Sở, ông Thanh phát hiện có nhiều vấn đề bức xúc của người dân phản ánh bị "ém", không đến lãnh đạo TP.
Thậm chí, có những trường hợp đơn thư kiến nghị của người dân bị chuyển tiếp lòng vòng cả tháng mới đến tay lãnh đạo. Từ thực thế đó, ông quyết định chỉ đạo thành lập đường dây nóng.
Bên cạnh đó, ông cũng công khai số điện thoại di động để lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và du khách. Từ đó, tình trạng "ém nhẹm" thông tin phản ánh được loại bỏ. Hầu hết những vấn đề bức xúc mà người dân nêu ra được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, thấu tình, đạt lý.
"Giờ tôi vẫn có thói quen khi gặp những vấn đề bức xúc mà chính quyền sở tại giải quyết không thấu đáo là gọi đến số điện thoại để "méc" cho lãnh đạo TP. Mỗi lần gọi, tôi lại nhớ đến công lao của anh Bá Thanh", ông An tâm sự.
Tiếp nhận hơn 2.700 ý kiến phản ánh
Ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Đà Nẵng, cho biết trong năm 2015 đơn vị tiếp nhận hơn 2.700 ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Trong đó, có 785 vấn đề bức xúc được lực lượng chức năng xử lý tại hiện trường, 135 tin báo được kiểm tra xử lý bằng văn bản. HĐND TP phối hợp với cơ quan chức năng, kiểm tra giám sát việc xử lý hơn 1.200 vụ việc.
"Trung bình mỗi ngày, đường dây nóng tiếp nhận gần 100 tin phản ánh của người dân và du khách. Hầu hết những vấn đề bức xúc đều được chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý kịp thời", ông Trung cho hay.
Là chuyên viên thường xuyên trực điện thoại, ông Nguyễn Hoài Nam (Phòng Dân nguyện, HĐND TP Đà Nẵng), cho biết đường dây nóng hoạt động 24h/ngày.
Vị này kể, đầu năm 2015, khoảng 23h bất ngờ đường dây nóng đổ chuông. Ở đầu dây bên kia, người dân lớn tiếng phản ánh về một nhà hàng ven biển để 3 thùng rác ngoài đường, rỉ nước khiến mùi hôi bốc lên. Dân không ngủ được nên gọi điện báo lãnh đạo phường đã 5 lần mà vẫn chưa xử lý.
Sáng hôm sau, ý kiến này được lãnh đạo Phòng Dân nguyện chuyển đến chính quyền sở tại. Đồng thời, đơn vị cũng cử cán bộ xuống làm việc với lãnh đạo cơ sở và chủ nhà hàng. "Đến 16h cùng ngày, những thùng rác trên được chuyển đi nơi khác khiến người dân hài lòng", ông Nam kể.
Chuyên viên Phòng Dân nguyện HĐND TP Đà Nẵng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông Nam cũng cho hay, bất kể ngày hay đêm, đường dây nóng đều có người trực để tiếp nhận thông tin. Nhiều hôm, đã quá nửa đêm nhưng các quán nhậu, karaoke... vẫn mở nhạc quá to gây ồn khiến người dân bức xúc gọi đến phản ánh. "Ngay trong đêm, chúng tôi cũng phải cử người cùng với lực lượng chức năng để giám sát, kiểm tra, xử lý", ông Nam nói.
Bí thư công khai điện thoại để gần dân hơn
Năm 2015, một tuần sau khi nhận chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh cũng đã công khai số điện thoại và Email cá nhân. Từ đó, người dân Đà Nẵng coi số 0903 675 512 của Bí thư là đường dây nóng mà họ có thể phản ánh những vấn đề bức xúc bất cứ lúc nào.
Ông Xuân Anh cho biết, trung bình mỗi ngày nhận được hơn 150 tin nhắn, cuộc gọi. "Điều đó chứng tỏ, người dân luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của thành phố và cá nhân tôi", Bí thư Đà Nẵng nói.
Người đứng đầu TP cho hay, việc công bố số điện thoại và Email cá nhân là để có thêm kênh tiếp nhận, lắng nghe các ý kiến, phản ánh của người dân liên quan đến tất cả các vấn đề dân sinh, xã hội. Đây cũng là cách để cá nhân Bí thư và lãnh đạo TP gần dân hơn.
Những vấn đề bức xúc mà người dân phản ánh rõ ràng, có thời gian và địa điểm cụ thể đều được ông Xuân Anh chuyển đến giám đốc các Sở ngành để xử lý. Trong thời hạn 3 ngày, cấp dưới phải xử lý xong sự việc và báo cáo lên Bí thư Thành ủy.
Ông Xuân Anh kể, ngày 24/2 khi đang họp thì nhận được cuộc gọi từ một người dân "méc" về tình trạng lấn chiếm đất nghĩa trang để xây dựng trái phép. Ngay lập tức, ông gọi điện cho bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB & XH chỉ đạo xác minh, kiểm tra. Trong chiều cùng ngày, vấn đề này được lãnh đạo Sở chỉ đạo xử lý dứt điểm.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ông nhận được thông tin có thùng rác đặt trước một nhà dân ở đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu). Mặc dù đang trong dịp nghỉ, nhưng người đứng đầu TP Đà Nẵng cũng gọi điện cho Giám đốc Công ty Môi trường đô thị để kiểm tra. Kết quả, chưa đến một giờ sau, thùng rác trên được chuyển đi nơi khác.
Thực tế, từ khi công bố đường dây nóng đến nay, không phải 100% ý kiến phản ánh đến ông Nguyễn Xuân Anh đều được xử lý. Bởi lẽ, có những tin nhắn không nêu rõ địa chỉ và nội dung nên rất khó xác minh. Thậm chí, có những cuộc gọi tin nhắn mang tính quấy rối và phản ánh không đúng sự việc.